Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Tỏi Theo Hướng An Toàn

Trồng Tỏi Theo Hướng An Toàn
Ngày đăng: 11/03/2014

Cây tỏi sạch bệnh hơn, năng suất cao hơn trong khi lượng giống và phân bón giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Đó là kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa”.

Đề tài do kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2014 với kinh phí sự nghiệp khoa học hơn 570 triệu đồng và 150 triệu đồng của nông dân. Mục tiêu đặt ra: Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi và nâng cao hiệu quả kinh tế trên các vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa.

Đề tài xây dựng 3 mô hình, mỗi mô hình có diện tích 2.000m2 tại 3 xã: Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) và Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh). Dự kiến, năng suất tỏi tươi đạt hơn 13 tấn/ha, nhưng thực tế vụ Đông - Xuân 2013 - 2014, năng suất tỏi có thể đạt đến 15 - 16 tấn/ha.

Tăng năng suất, giảm chi phí

Hiện nay, tỏi đang vào vụ thu hoạch rộ. Đưa chúng tôi ra ruộng tỏi đang thu hoạch, ông Lê Tân (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước) cho biết: “Trồng tỏi theo kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn cho lãi cao hơn 30% so với cách trồng truyền thống”.

Ông Lê Tân vốn là người Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đã gắn bó hơn 30 năm với cây tỏi. 16 năm trước, ông đã cùng gia đình chọn xã Ninh Phước để lập nghiệp với cây tỏi. Gia đình ông Tân có hơn 1ha trồng tỏi, trong đó có 2.000m2 thử nghiệm theo mô hình.

Theo ông Tân, làm đúng quy trình cán bộ hướng dẫn, lượng phân bón giảm một nửa, giống cũng giảm. Những năm trước sâu bệnh nhiều, vụ này, cán bộ hướng dẫn dùng dầu khoáng sinh học, chăm sóc đúng quy trình, tỷ lệ sâu bệnh giảm hẳn, tỏi rất đẹp. Cách trồng truyền thống cho năng suất 9 - 10 tấn/ha, trồng và chăm sóc đúng quy trình do nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn cho năng suất 13 - 14 tấn/ha.

Cũng tham gia đề tài, ruộng tỏi của gia đình ông Trần Văn Quang và bà Võ Thị Kỳ (thôn Đông, xã Ninh Vân) rất cứng cây, trong khi chân ruộng đối chứng bên cạnh đã ngã rạp. Vợ chồng ông Quang là dân địa phương. Khi thấy một số người dân gốc Lý Sơn đến đây trồng tỏi, ông bà cũng làm theo, dần dần tích lũy kinh nghiệm. Nhổ một ít tỏi làm chứng, bà Kỳ nói: “Theo cán bộ hướng dẫn, chúng tôi trồng thưa hơn, chăm sóc đúng quy trình giảm cả phân bón và thuốc trừ sâu. Vụ này, củ tỏi to hơn hẳn, năng suất chắc chắn sẽ cao”.

Xây dựng quy trình trồng tỏi sạch

Theo kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh, vụ tỏi này, diện tích trồng và chăm sóc theo đúng quy trình có khả năng đạt năng suất 15 - 16ha. Để xây dựng được quy trình kỹ thuật với mật độ trồng hợp lý, liều lượng phân bón thích hợp và biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, nhóm thực hiện đề tài đã lăn lộn nhiều ngày cùng với nông dân.

Trước khi thực hiện, các cán bộ đã dành nhiều thời gian khảo sát, chắt lọc thông tin từ những nông dân có kinh nghiệm, tìm hiểu tập quán canh tác của họ để xây dựng đề tài. Từ đó, thử nghiệm công thức giống, công thức phân bón.

Qua nghiên cứu cho thấy, trồng tỏi hiệu quả nhất là sử dụng giống 700kg/ha (thói quen của nông dân thường trồng 850 đến 1.000kg), công thức đạm 100kg/ha (giảm 2-3 lần so với trước đây, cây tỏi có sức chống chịu sâu bệnh cao hơn), lân 160kg/ha... Đặc biệt, nhóm thực hiện đề tài đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Theo người dân, cây tỏi dễ bị sâu bệnh, sợ nhất là giòi đục lá. Vì thế, thường 3-4 ngày, thậm chí có lúc 1-2 ngày phải phun thuốc trừ sâu bệnh, chi phí khá cao. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, lần đầu tiên, kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh thử nghiệm mỗi tuần một lần dùng dầu khoáng sinh học trừ sâu bệnh trên cây tỏi và đã thành công.

Ưu điểm của dầu khoáng sinh học là an toàn cho sức khỏe con người và môi trường, kéo giãn thời gian phải phun thuốc, sâu bệnh giảm rõ rệt... Kỹ thuật trồng tỏi đã được cán bộ Chi cục tập huấn cho nông dân, sắp tới sẽ mở rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Hướng đến thương hiệu tỏi trên đất Khánh Hòa

Cây tỏi thích hợp nhất trên vùng đất cát ven biển. Khánh Hòa có nhiều vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây tỏi. Trên cùng đơn vị diện tích, tỏi được đánh giá là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, cho doanh thu khoảng 450 triệu đồng/ha (trừ chi phí đầu tư 300 triệu đồng đối với vụ đầu, 200 triệu đồng đối với vụ thứ hai trở đi), cho lãi cả trăm triệu đồng/ha. Mỗi năm, tỏi chỉ trồng 1 vụ. Sau khi thu hoạch tỏi, chân ruộng ấy được người dân trồng đậu phụng và hành cũng cho thu nhập đáng kể.

Chính vì giá trị kinh tế của cây tỏi, diện tích trồng tỏi ở Khánh Hòa đã tăng nhanh trong vài năm gần đây. Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, diện tích trồng tỏi trên địa bàn tỉnh là 100ha; còn hiện nay đã lên đến 250 ha. Nhiều địa phương đã có sự hiện diện của cây tỏi như: Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa), Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh)...

Năng suất cao, diện tích mở rộng dẫn đến sản lượng tỏi tăng nhanh. Điều này khiến nông dân bắt đầu lo lắng đến việc giữ được giá bán và đầu ra ổn định. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của người trồng tỏi Khánh Hòa là xây dựng thương hiệu tỏi của riêng mình.

Kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh khuyến cáo nông dân xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ việc sử dụng chính giống tỏi địa phương chứ không sử dụng giống tỏi nơi khác. Kết quả thực tế cho thấy, giống tỏi Khánh Hòa đạt năng suất và chất lượng tốt.

Việc chăm sóc, bảo quản phải thực hiện đúng quy trình hướng dẫn. Phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu, theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ, quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã gửi mẫu đến Viện Dược liệu kiểm nghiệm và cho thấy một số chỉ tiêu đều có hàm lượng rất cao.

Đề tài sẽ chuyển giao các thông số kỹ thuật đó cho Sở Khoa học và Công nghệ làm cơ sở bước đầu để xây dựng thương hiệu tỏi Ninh Hòa nói riêng, Khánh Hòa nói chung.


Có thể bạn quan tâm

Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm “1 Phải, 6 Giảm” Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm “1 Phải, 6 Giảm”

Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

22/08/2013
Phép Màu Đến Với Hộ Nghèo Phép Màu Đến Với Hộ Nghèo

Từ những đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ước mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ ở huyện Lục Yên, Yên Bái đã thành hiện thực, họ thêm vững tin vươn lên trong cuộc sống...

22/08/2013
Nuôi Cá Hồi Trên Đỉnh Núi Cao Nghề Mới Ở Sơn La Nuôi Cá Hồi Trên Đỉnh Núi Cao Nghề Mới Ở Sơn La

Sau một thời gian làm công cho các trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ nuôi cá hồi, anh thanh niên dân tộc Thái Lò Ngọc Thủy ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá hồi vân trên đỉnh núi Sam Síp có độ cao chừng 1.200 m.

02/04/2013
Tôm, Ngao Chết Hàng Loạt Do Nắng Nóng Ở Nam Định Tôm, Ngao Chết Hàng Loạt Do Nắng Nóng Ở Nam Định

Thời tiết khắc nghiệt kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết hàng loạt.

25/05/2013
Anh Nguyễn Văn Khởi Hành Công Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Ở Cà Mau Anh Nguyễn Văn Khởi Hành Công Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Ở Cà Mau

Những năm qua, anh Nguyễn Văn Khởi, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau), là một trong những người thực hiện thành công và có hiệu quả cao mô hình cấy lúa trên đất nuôi tôm.

02/04/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.