Mía Đường Hãy Tự Cứu Mình!

Mới đây, hàng nghìn hecta mía đã bị người nông dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi tôm với lý do: Giá bán mía nguyên liệu không bù đắp nổi chi phí. Thực tế đó khiến các nhà máy đường lo lắng vì nguy cơ thiếu nguyên liệu.
Bên cạnh đó, đối với kiến nghị xuất khẩu tiểu ngạch của Hiệp hội Mía đường, Bộ Công Thương chỉ cho phép xuất khẩu tiểu ngạch loại đường kính trắng RS, còn đường RE sẽ cho phép khi đã bảo đảm nhu cầu cho sản xuất trong nước...
Hiệp hội Mía đường cho rằng sẽ tiếp tục “kiến nghị” với những bất cập về quản lý và nhà nước cần bảo hộ ngành đường sản xuất trong nước.
Thế nhưng, ở góc độ khác, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thẳng thắn: Điều kiện khách quan thuận lợi, thiết bị sản xuất được đầu tư, nông dân cần cù, cơ chế, chính sách đều ổn, ngành mía đường không có lý do gì phải “kêu khóc”!
Cụ thể hơn, hai khó khăn lớn nhất của ngành mía đường là tài chính, nguồn vốn được hỗ trợ, lãi suất ưu đãi và cổ phần hóa, Chính phủ đã giải quyết cả hai. Thực tế có những địa phương như Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa... giàu lên nhờ mía.
Hơn 20 năm phát triển mà ngành mía đường Việt Nam vẫn lạc hậu nhất Đông Nam Á, diện tích trồng mía lớn, năng suất thấp, chỉ đạt 50- 60 tấn/ha, chất lượng mía thấp. Giá bán buôn đường cao hơn các nước trong khu vực do chi phí quá cao... Vì thế, ngành đường cần xem lại chính mình trong công tác quản lý, đầu tư, sản xuất- kinh doanh. Đừng tranh cãi thêm nữa, mà hãy tự tìm giải pháp cứu mình bằng cách thay đổi tư duy từ trợ cấp sang cạnh tranh công bằng!
Theo đó, cần cấu trúc lại diện tích trồng mía, nghiên cứu giống, thâm canh theo hướng hiện đại; đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho nông dân; đầu tư công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tận dụng phụ phẩm... thì chẳng phải lo cạnh tranh với Thái Lan, không lo đường nhập lậu. Có sức khỏe sẽ có sức đề kháng tốt với các loại “bệnh”!
Trong hội nghị tổng kết ngành Công Thương 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: Chống buôn lậu chỉ là ngọn, gốc rễ vấn đề là chúng ta làm sao cạnh tranh được. Làm sao kêu Chính phủ bảo vệ được trong khi năng suất mía chỉ đạt 60- 70 tấn/ha còn các nước đã đạt hàng trăm tấn/ha?...
Có thể bạn quan tâm

Vịt Super Heavy có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, tỷ lệ nạc khá cao, trọng lượng đạt từ 3,3 - 3,68 kg/con sau 1,5 tháng nuôi, cho lãi từ 750 - 850 nghìn đồng/100 con.

Thay vì nuôi những giống gà lai, gà công nghiệp, mấy năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã đầu tư chăn nuôi gà tre, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến thời điểm này, Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình - Bình Thuận) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý thanh long bằng hệ thống xử lý hơi nước nóng, công suất 4.200 tấn/năm. Theo đó, công ty đã có văn bản trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và bảo đảm tính pháp lý cho việc vận hành nhà máy.

Chiều 14-4, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiệp hội đang cùng các nhà chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sang Na Uy để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá hồi. Na Uy là đất nước nổi tiếng về nghề nuôi và xuất khẩu cá hồi, xuất khẩu cá hồi đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm.

Theo Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, hiện các thủy sản chủ lực đang được nuôi ở các tỉnh phía Nam là cá tra, tôm... hầu như không bị phát hiện kháng sinh cấm.