Hiệu quả từ cây vụ đông sớm ở Nam Điền
Những năm gần đây, phong trào trồng cây vụ đông, đặc biệt là cây vụ đông sớm của xã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Vụ đông năm nay, xã Nam Điền gieo trồng 122ha, tích cực đưa vào trồng những giống rau, quả mới, có chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với thị trường.
Trong đó có 35 đến 40% diện tích trồng cây vụ đông sớm, với các cây: cà chua (Magic, Montavi, Savior, Tre việt 1, Tiền phong 1, HT152, HT160, HT108), ngô (ngô lai LVN-4, LVN-145, C919, P9698, CP999, P4199, ngô nếp MX2, MX4, nếp lù, G500); cây bí (bí xanh đá, bí sặt), rau mùi, thì là, hành, tỏi và rau các loại.
Gặp anh Phạm Văn Quyền đang chăm sóc cho giàn cà chua đông sớm, anh khoe: “Tôi vào bầu cà chua từ đầu tháng 8 và đưa ra ruộng trồng sau 20 ngày.
Tuy gặp mưa lớn thời điểm mới trồng nhưng tôi thực hiện hướng dẫn che phủ ni lông, dặm tỉa tốt nên vẫn bảo đảm được diện tích và cây phát triển tốt.
Hiện một số diện tích cà chua dài ngày bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch thường từ nay đến tháng 2 năm sau; còn những diện tích cà chua sử dụng giống sinh trưởng hữu hạn chỉ hơn 1 tuần nữa là thu hoạch xong”.
Do có kinh nghiệm qua nhiều vụ sản xuất, anh luôn làm tốt các khâu từ chọn giống đến bón phân cân đối, cắt tỉa nhánh phụ thường xuyên, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh sạch sẽ vườn… nên năm nào ruộng cà chua của anh cũng đạt năng suất 2 - 2,5 tấn/sào.
Với giá bán từ 10 - 15 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá cà chua chính vụ, mỗi năm gia đình anh có lãi 40 - 50 triệu đồng từ 5 sào trồng cà chua đông sớm.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Hiến, xóm 6, chúng tôi thấy những vườn bắp cải xanh tươi, cuộn chặt đang được thu hoạch.
Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, anh đã tranh thủ trồng bắp cải vụ sớm, tăng thêm thu nhập.
Anh Hiến cho biết, trồng bắp cải vụ đông sớm ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, năng suất cao.
Ở vụ đông sớm, mỗi sào có thể trồng 1.200 cây bắp cải.
Bên cạnh đó, bắp cải đầu vụ bán giá cao hơn chính vụ nên so với các loại cây khác thì trồng bắp cải vụ đông sớm hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Vụ đông năm nay, gia đình anh trồng 3 sào vụ sớm bằng giống bắp cải KK Cross.
Đây là giống chịu nhiệt, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng bệnh tốt, bắp tròn cao, cuốn rất chắc, độ đồng đều cao, giữ được lâu trên đồng ruộng.
Sau gần 3 tháng trồng, hiện tại, gia đình anh đã thu hoạch được một nửa diện tích với giá bán tại ruộng là 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, 1 sào bắp cải vụ sớm cho thu lãi 5 - 8 triệu đồng...
Ngoài ra ở vụ đông sớm này, anh còn trồng 4 sào hành, là cây có tinh dầu cay, hạn chế được sâu bệnh, ít phải bón phân, mỗi sào cho 1,2 tấn củ, lãi trên 7 triệu đồng/sào.
Không chỉ có anh Quyền, anh Hiến, nhiều hộ nông dân ở Nam Điền đang thu hoạch cây vụ đông sớm.
Anh Trần Văn Tiều ở xóm 8, trồng bí xanh sớm xung quanh bờ ao, bắc giàn ra mặt ao với diện tích gần 1 sào, thu hoạch quả giữa tháng 10 nên bán được giá lên tới 12 nghìn đồng/kg, nay giá xuống còn 6.000 đồng/kg, cả vụ cũng cho thu nhập 9 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm 1, trồng cà chua giống nhiệt Cánh đồng xanh F1 với diện tích 2 sào, dự kiến khoảng 7 - 10 ngày nữa được thu, giá bán trên 10 nghìn đồng/kg.
Các anh Trần Văn Chiến, Nguyễn Văn Châu ở xóm 2, trồng bắp cải sớm cũng đang cho thu hoạch... Ngoài chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất vụ đông của UBND huyện, nhờ bám sát thị trường, UBND xã và HTXDVNN Nam Điền đã định hướng cho người nông dân lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của xã cho giá trị kinh tế cao trong sản xuất.
HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV.
Hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu được đầu tư nâng cấp phù hợp với yêu cầu sản xuất vụ đông.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm rau quả, phát triển vụ đông bền vững, xã chỉ đạo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất mới chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu nhằm tăng hàm lượng mùn trong đất, hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng mặn, phèn đặc trưng của đất ven biển.
Hiện HTXDVNN Nam Điền đã và đang xây dựng các mô hình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, một số mô hình bước đầu đã khẳng định được hiệu quả.
Điển hình là mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp đã hạn chế ảnh hưởng của mưa lớn, ngăn chặn cỏ dại, tiết kiệm công lao động, hạn chế rửa trôi, bay hơi của phân bón, giảm sâu bệnh hại…
Sau khi thu hoạch xong diện tích rau màu sớm, Nam Điền chỉ đạo nông dân tiếp tục trồng và chăm sóc cây vụ đông và rau màu ưa lạnh như: bắp cải, su hào, khoai lang…
Qua thực tế phát triển vụ đông sớm ở Nam Điền cho thấy, mặc dù rau màu đầu vụ được nông dân Nam Điền thu hoạch sớm và bán giá cao hơn 2 - 5 lần so với chính vụ nhưng hầu hết nông sản được người nông dân tự lo tiêu thụ qua thương lái nên lợi nhuận thực tế vẫn chưa tương xứng với công sức của người nông dân.
Cây rau màu sớm bán được giá nhưng kèm theo đó tỷ lệ rủi ro trong canh tác cũng rất cao do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác.
Như năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn vào cuối tháng 8 và giữa tháng 9 nên nhiều diện tích ươm cà chua và rau cải bị chết cây non do nhiễm bệnh lở cổ rễ.
Tỷ lệ ươm cây con sống so với những năm trước chỉ đạt khoảng 70%.
Trong tháng 10 có 3 trận mưa rào, tuy thời gian ngắn nhưng lượng mưa lớn khiến diện tích gieo rau mùi, rau cải lấy hạt phải gieo nhiều lần, cây hành và cà chua bị nhiễm bệnh sương mai, đốm lá, thối nhũn; vì vậy cây sinh trưởng chậm và mùa vụ bị chậm lại khoảng 15 - 20 ngày so với các năm trước
Sự chủ động về thời vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và lựa chọn những cây trồng thị trường tiêu thụ mạnh đã mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nam Điền, góp phần vào thắng lợi chung trong sản xuất vụ đông của toàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Khác với các năm trước, vào thời điểm đầu vụ thu hoạch, sầu riêng thường bán với giá cao hơn so với giữa vụ, năm nay do nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại tình trạng một số nhà vườn và thương lái dùng thuốc ép chín sầu riêng nên sức mua dè dặt, giá bán sầu riêng không cao.
Những năm gần đây, nhiều người dân ở ấp I, xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thành công với mô hình nuôi lươn trên cạn. Hiện toàn ấp có khoảng 20 hộ nuôi lươn, mỗi hộ nuôi từ 20 - 30m2.
Lúa chết phải gieo sạ lại, lúa trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã làm giảm năng suất, tăng chi phí trong khâu thu hoạch,... là những gì mà người dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt do tình hình mưa bão trong thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 7 đến nay.
Nhiều loại cá nước ngọt hiện đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá bán giảm sâu. Không ít nông dân lo trắng tay vì có thể thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng.
Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam-LPS/2012/062”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR) tài trợ. Tham dự có tiến sĩ Laurie Bonne, chuyên gia nghiên cứu chuỗi giá trị ở Úc và phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bản, Trường đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm dự án.