Vải Lục Ngạn Tìm Đường Sang Nhật

Nhằm tránh phụ thuộc Trung Quốc, nông dân xã Hồng Giang (huyện Lục Ngan) đang thử nghiệm xuất khẩu vải sang Nhật - một thị trường khó tính nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho loại đặc sản này.
Vải Lục Ngạn (Bắc Giang) là đặc sản có tiếng, tuy nhiên ngoài việc tiêu thụ trong nước, loại quả này lâu chỉ có Trung Quốc là thị trường chính. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất tốt, nhưng đi kèm với đó là nỗi lo được mùa mất giá.
Để tránh tình trạng này, đồng thời mở ra cơ hội mới cho quả vải, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) phối hợp cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp thí điểm khoảng 10 tấn vải làm theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm để chào hàng sang Nhật Bản.
Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang nói: "Nếu thành công, sang năm sẽ hướng dẫn cho người dân ngay từ đầu năm. Chúng tôi đang có hướng đưa quả vải sang nước thứ 3 nhằm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là một cơ hội". Ông cho biết thêm đã có khách hàng Nhật Bản tới đây ăn thử và tỏ ra thích vải.
"Ban đầu quy trình kiểm tra có thể ngặt nghèo bởi Nhật là một thị trường rất khó tính, nhưng khi thành công rồi thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn", ông Tình nhận định. Nếu được chấp nhận vào thị trường này, cơ hội sẽ mở ra cho vải ở Hồng Giang nói riêng và quả vải Việt Nam nói chung.
Không chỉ dừng ở thị trường Nhật Bản, đại diện người dân trồng vải còn đặt kỳ vọng đưa đặc sản của địa phương sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Australia hay khu vực Tây Âu. "Mỹ là niềm mơ ước và cần cả một quá trình dài hạn với sự giúp đỡ, đầu tư từ các cấp cao hơn", ông chia sẻ.
Không chỉ vải mà nhiều giống nông sản khác của Việt Nam cũng đang tìm đường sang nhiều quốc gia khác nhau để tránh phụ vào Trung Quốc, thị trường lớn nhất của rau quả xuất khẩu Việt Nam (chiếm hơn 32% thị phần). Hồi cuối tháng 5, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu quả thanh long sang New Zealand. Hiện loại quả này của Việt Nam đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đu đủ là loại cây trồng quen thuộc của người dân nông thôn. Nhưng không có nhiều người biết đu đủ là loại cây trồng có thể “đổi đời” cho một số hộ nông dân. Trường hợp như gia đình anh Nguyễn Văn Mít, ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên (Tây Ninh) là một thí dụ. Với trình độ văn hoá chỉ mới lớp 7, anh Nguyễn Văn Mít gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một nghề để mưu sinh.

Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.

Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau.