Hiệu Quả Nuôi Cừu Vỗ Béo Ở Xã Phước Thái (Ninh Thuận)
Tháng 5-2014, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước, Ninh Thuận) đã triển khai mô hình chăn nuôi “cừu vỗ béo” cho 10 hộ dân. Sau thời gian nuôi, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ nuôi tăng thêm thu nhập.
Tham gia mô hình, có 140 con cừu được triển khai cho 10 hộ nuôi. Theo đó, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua con giống và làm chuồng trại. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và cử cán bộ thường xuyên xuống từng hộ theo dõi trong quá trình nuôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình nuôi cừu vỗ béo của các hộ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, trọng lượng bình quân mỗi con giống ban đầu khoảng từ 10-15 kg, sau hơn 3 tháng vỗ béo, cừu đạt trọng lượng khoảng 30 kg thì xuất bán. Nếu tính theo giá thị trường, mỗi hộ có lãi khoảng từ 10-14 triệu đồng.
Ông Lưu Văn Long, thôn Hoài Trung cho biết: Nuôi cừu vỗ béo này không khó, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc cẩn thận là cừu tăng trọng nhanh. Thức ăn của cừu rất đơn giản, có thể tận dụng được những thức ăn có sẵn là cỏ, lá nho, táo và cho ăn thêm những thức ăn tinh như cám bột, nước hèm nấu rượu… Trung bình mỗi lứa, gia đình xuất bán khoảng 15 con cừu, sau khi đã trừ chi phí, thu lãi gần 14 triệu đồng.
Ông Thọ Trường Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Qua 2 đợt đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, huyện, thì nuôi cừu vỗ béo mang lại hiệu quả cao hơn so nuôi cừu ngoài mô hình… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân thoát nghèo. Từ 10 hộ nuôi cừu vỗ béo ban đầu, đến nay, xã đã có 30 hộ đăng ký nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) vừa ra mắt và đưa ra thị trường gạo Jasmine GLOBAL G.A.P (ảnh) được sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn tỉnh An Giang và chế biến, đóng gói tại nhà máy chi nhánh Satra Đồng Tháp, sản xuất theo quy trình sạch tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu), do Tổ chức TUV SUD Management Service GmbH (Đức) chứng nhận.
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp người trồng mía giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để họ gắn bó lâu dài với cây mía, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, việc đầu tư, hỗ trợ mía giống cho năng suất và chất lượng cao trước niên vụ mới được bà con đồng tình hưởng ứng.
Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 2 ha theo hướng VietGAP tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy trồng loại cây này đem lại lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, do chưa tổ chức tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, cho nên bà con không nên nóng vội mở rộng diện tích trồng giống cây này.
Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, nhưng thủy sản vẫn đang vững vàng ở vị trí số 1 trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các viện nghiên cứu thủy sản.
Từ Quốc lộ 4D vào trung tâm xã Sa Pả (Sa Pa - Lào Cai), lác đác giữa những triền lúa xanh là ruộng rau bắp cải tươi tốt đang cho thu hoạch. Tôi gặp chị Vàng Thị Dậu ở thôn Giàng Tra vừa lên chợ Sa Pa bán rau về, chị cho biết: Nhiều hộ trong xã đã thu hoạch xong vụ bắp cải đầu tiên, nhưng ruộng của gia đình chị vẫn còn nhiều rau chưa bán. Hằng ngày, những người buôn trong vùng vào tận ruộng của các hộ dân mua rau mang ra thị trấn Sa Pa hoặc thành phố Lào Cai bán.