Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới
Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và để việc sản xuất rau màu của tỉnh phát triển bền vững, Sóc Trăng đã triển khai các mô hình trồng rau theo chuẩn an toàn tại các vùng chuyên canh rau màu trong tỉnh. Và bước đầu các mô hình này đã mang đến hiệu quả rõ rệt.
Tháng 06/2014, huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình “Trồng rau trong nhà lưới hở bằng hệ thống tưới phun tự động theo hướng an toàn”, theo đó 10 hộ tham gia sẽ được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng/hộ và được hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt mô hình gồm: hệ thống tưới phun mưa, lưới che chắn, hạt giống. Nông dân tham gia được tập huấn kỹ thuật và phải làm theo quy trình canh tác như làm đất, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây và có ghi chép rõ ràng về quá trình sản xuất, chi phí và lợi nhuận thu được.
Qua đánh giá bước đầu, trồng rau trong nhà lưới ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. So với kiểu trồng thông thường trên cùng đơn vị diện tích, trồng theo mô hình này sản lượng rau có thể tăng từ 3% đến 5%, lượng thuốc trừ sâu cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ. Không những thế, ưu điểm của mô hình là có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm, có thể trồng quanh năm, ngay cả vào mùa mưa, về hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán 1.200.000 - 2.500.000 đồng/1000m2. Ông Thái Hiền nông dân huyện Châu Thành cho biết: “Từ khi tham gia mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới thấy hiệu quả nhiều hơn, giảm công lao động, dịch bệnh cũng giảm, nên số phân thuốc cũng giảm theo”
Tỉnh Sóc Trăng với điều kiện đất đai thuận lợi cho việc trồng rau màu quanh năm, từ lâu đã hình thành nhiều vùng đất chuyên canh rau màu điển hình như: thành phố Sóc Trăng, Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Phú Tân, Phú Tâm, An Hiệp huyện Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu nổi tiếng về cây hành tím. Tổng diện tích rau màu trên toàn tỉnh hằng năm trên 50.000ha. Trong những năm qua, để đạt năng suất tối đa, nhiều vùng chuyên canh rau màu sử dụng phân hóa học quá mức tạo điều kiện cho dịch hại phát triển ngày càng mạnh, dư lượng để lại cho sản phẩm ngày càng cao, không an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, trong mùa mưa, các diện tích trồng rau trong tỉnh bị giảm do gặp bất lợi về thời tiết, gây thiệt hại về thu nhập của bà con.
Từ thực trạng trên, tỉnh Sóc Trăng ngay từ năm 1998 đã có chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất rau an toàn, chủ yếu thực hiện các nghiên cứu và xây dựng mô hình thực nghiệm. Từ năm 2002 đến nay, từ nguồn kinh phí chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh và các nguồn kinh phí khác, Sở Nông Nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật trỉển khai chương trình sản xuất rau an toàn trên diện rộng, đến nay đã khoanh vùng và chọn khu vực sản xuất rau an toàn tại xã Đại Tâm, Tham Đôn huyện Mỹ Xuyên, xã An Hiệp, Phú Tân huyện Châu Thành, Phường 3, Thành Phố Sóc Trăng và vùng trồng củ hành tím thị xã Vĩnh Châu.
Theo đó, có tổng số hơn 2.700 nông dân tham gia vào các mô hình thực nghiệm rau an toàn trong toàn tỉnh, với 17 nhà lưới, 60 mô hình sản xuất rau trái vụ ứng dụng màng phủ nông nghiệp và phủ lưới, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu với diện tích 06 ha trên các loại cây trồng; 6 mô hình thực hành nông nghiệp tốt như GLOBALG.A.P, VietGAP trên cây hành tím 143ha tại thị xã Vĩnh Châu, rau ăn lá 2ha tại phường 4 thành phố Sóc Trăng.
Qua kết quả triển khai các lớp tập huấn giúp nông dân nắm được quy trình sản xuất rau an toàn, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác như sử dụng thuốc ít độc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật trên rau, đặc biệt là đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.
Ông Trần Văn Toàn - Phó trạm trưởng Trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết:“Đối với mô hình trồng màu trong nhà lưới, khi có lưới che chắn phía trên nên các bệnh hại giảm rất rõ, nếu có sử dụng thuốc thì chủ yếu sử dụng thuốc sinh học. Bà con tham gia mô hình đánh giá lợi nhuận mô hình này cao gấp 4 lần so với trồng lúa”
Ngoài việc tăng thu nhập, mô hình trồng rau trong nhà lưới còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tận dụng lao động nông nhàn, tạo ra tập quán sản xuất rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau quanh năm cho thị trường, chống thiếu rau trong mùa khô. Vấn đề còn lại là khâu tiêu thụ rau an toàn trong tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa đúng với tiềm năng, bà con sản xuất rau an toàn vẫn tiêu thụ với giá tương đương với các loại rau thông thường.
Trong thời gian tới cùng với việc triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGap, các cấp lãnh đạo cũng đặc biệt quan tâm tạo đầu ra cho nông sản đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp nghề trồng rau ở Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài ra, trong năm 2014, công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vùng nuôi, quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, môi trường được quan tâm đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Theo nhiều tiểu thương, giá cua thương phẩm trên thị trường không ổn định như các mặt hàng thủy sản khác, mà thường xuyên biến động và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Nhưng theo quy luật, hàng năm vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá cua thương phẩm lại tăng, thậm chí có thể tăng gấp 1,5 lần.
Do phải “treo ao” ngưng nuôi tôm vì thiếu nước mặn, tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, một số hộ dân tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã mày mò thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ ngày 1.2, các vùng nuôi tôm trên cát ở các xã Cát Hải (thôn Tân Thắng), Cát Khánh (thôn An Quang Đông) thuộc huyện Phù Cát (Bình Định); các xã Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức (khu vực Xóm Mới), Mỹ Thành (phía đông đường Hưng Lạc - Vĩnh Lợi) thuộc huyện Phù Mỹ bắt đầu thả tôm nuôi vụ 1.2015.
Tuy nhiên, do phát triển tự phát, tôm sú lại là loài mẫn cảm với thời tiết nên hiệu quả sản xuất giảm dần. Từ năm 2006 trở lại đây, một số đối tượng nuôi mới được đưa vào khảo nghiệm, trong đó cá bống bớp đã dần khẳng định giá trị, tính phù hợp và được coi là đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản của huyện. Đặc biệt mô hình nuôi cá bống bớp thả xen tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.