Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới
Publish date: Wednesday. January 14th, 2015

Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và để việc sản xuất rau màu của tỉnh phát triển bền vững, Sóc Trăng đã triển khai các mô hình trồng rau theo chuẩn an toàn tại các vùng chuyên canh rau màu trong tỉnh. Và bước đầu các mô hình này đã mang đến hiệu quả rõ rệt.
Tháng 06/2014, huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình “Trồng rau trong nhà lưới hở bằng hệ thống tưới phun tự động theo hướng an toàn”, theo đó 10 hộ tham gia sẽ được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng/hộ và được hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt mô hình gồm: hệ thống tưới phun mưa, lưới che chắn, hạt giống. Nông dân tham gia được tập huấn kỹ thuật và phải làm theo quy trình canh tác như làm đất, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây và có ghi chép rõ ràng về quá trình sản xuất, chi phí và lợi nhuận thu được.
Qua đánh giá bước đầu, trồng rau trong nhà lưới ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. So với kiểu trồng thông thường trên cùng đơn vị diện tích, trồng theo mô hình này sản lượng rau có thể tăng từ 3% đến 5%, lượng thuốc trừ sâu cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ. Không những thế, ưu điểm của mô hình là có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm, có thể trồng quanh năm, ngay cả vào mùa mưa, về hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán 1.200.000 - 2.500.000 đồng/1000m2. Ông Thái Hiền nông dân huyện Châu Thành cho biết: “Từ khi tham gia mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới thấy hiệu quả nhiều hơn, giảm công lao động, dịch bệnh cũng giảm, nên số phân thuốc cũng giảm theo”
Tỉnh Sóc Trăng với điều kiện đất đai thuận lợi cho việc trồng rau màu quanh năm, từ lâu đã hình thành nhiều vùng đất chuyên canh rau màu điển hình như: thành phố Sóc Trăng, Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Phú Tân, Phú Tâm, An Hiệp huyện Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu nổi tiếng về cây hành tím. Tổng diện tích rau màu trên toàn tỉnh hằng năm trên 50.000ha. Trong những năm qua, để đạt năng suất tối đa, nhiều vùng chuyên canh rau màu sử dụng phân hóa học quá mức tạo điều kiện cho dịch hại phát triển ngày càng mạnh, dư lượng để lại cho sản phẩm ngày càng cao, không an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, trong mùa mưa, các diện tích trồng rau trong tỉnh bị giảm do gặp bất lợi về thời tiết, gây thiệt hại về thu nhập của bà con.
Từ thực trạng trên, tỉnh Sóc Trăng ngay từ năm 1998 đã có chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất rau an toàn, chủ yếu thực hiện các nghiên cứu và xây dựng mô hình thực nghiệm. Từ năm 2002 đến nay, từ nguồn kinh phí chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh và các nguồn kinh phí khác, Sở Nông Nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật trỉển khai chương trình sản xuất rau an toàn trên diện rộng, đến nay đã khoanh vùng và chọn khu vực sản xuất rau an toàn tại xã Đại Tâm, Tham Đôn huyện Mỹ Xuyên, xã An Hiệp, Phú Tân huyện Châu Thành, Phường 3, Thành Phố Sóc Trăng và vùng trồng củ hành tím thị xã Vĩnh Châu.
Theo đó, có tổng số hơn 2.700 nông dân tham gia vào các mô hình thực nghiệm rau an toàn trong toàn tỉnh, với 17 nhà lưới, 60 mô hình sản xuất rau trái vụ ứng dụng màng phủ nông nghiệp và phủ lưới, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu với diện tích 06 ha trên các loại cây trồng; 6 mô hình thực hành nông nghiệp tốt như GLOBALG.A.P, VietGAP trên cây hành tím 143ha tại thị xã Vĩnh Châu, rau ăn lá 2ha tại phường 4 thành phố Sóc Trăng.
Qua kết quả triển khai các lớp tập huấn giúp nông dân nắm được quy trình sản xuất rau an toàn, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác như sử dụng thuốc ít độc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật trên rau, đặc biệt là đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.
Ông Trần Văn Toàn - Phó trạm trưởng Trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết:“Đối với mô hình trồng màu trong nhà lưới, khi có lưới che chắn phía trên nên các bệnh hại giảm rất rõ, nếu có sử dụng thuốc thì chủ yếu sử dụng thuốc sinh học. Bà con tham gia mô hình đánh giá lợi nhuận mô hình này cao gấp 4 lần so với trồng lúa”
Ngoài việc tăng thu nhập, mô hình trồng rau trong nhà lưới còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tận dụng lao động nông nhàn, tạo ra tập quán sản xuất rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau quanh năm cho thị trường, chống thiếu rau trong mùa khô. Vấn đề còn lại là khâu tiêu thụ rau an toàn trong tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa đúng với tiềm năng, bà con sản xuất rau an toàn vẫn tiêu thụ với giá tương đương với các loại rau thông thường.
Trong thời gian tới cùng với việc triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGap, các cấp lãnh đạo cũng đặc biệt quan tâm tạo đầu ra cho nông sản đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp nghề trồng rau ở Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.


Related news

Đẩy mạnh nuôi bò theo hướng thâm canh Đẩy mạnh nuôi bò theo hướng thâm canh

Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tuesday. June 2nd, 2015
Bình Thuận chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn Bình Thuận chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn

Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2015, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trên 254 ngàn con, tăng 3,26% so cùng thời điểm năm 2014. Đàn heo tăng chủ yếu ở Hàm Tân và Đức Linh, đây là 2 địa phương có quy mô nuôi khá lớn, chủ yếu là loại hình chăn nuôi trang trại và gia trại (Đức Linh tăng 13,3% và Hàm Tân tăng 11,03%).

Tuesday. June 2nd, 2015
Giải pháp nâng chất lượng đàn trâu Giải pháp nâng chất lượng đàn trâu

Hiện ở nhiều vùng quê, nông dân đang phát triển, nhân đàn trâu, bởi thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Để nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi trâu hàng hóa, việc đảm bảo nguồn giống chất lượng đóng vai trò quan trọng nhằm tăng sản lượng thịt. Đây là yêu cầu cấp thiết cho nghề chăn nuôi trâu phát triển bền vững.

Tuesday. June 2nd, 2015
Bình Định đầu tư dự án chăn nuôi chất lượng cao Bình Định đầu tư dự án chăn nuôi chất lượng cao

UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm đầu tư Dự án Chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn tỉnh do Công ty Cổ phần Đầu tư chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư.

Tuesday. June 2nd, 2015
Nuôi thử nghiệm giống vịt xiêm Pháp theo hướng an toàn sinh học Nuôi thử nghiệm giống vịt xiêm Pháp theo hướng an toàn sinh học

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Bạc Liêu đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi vịt xiêm Pháp theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót Balasa, với quy mô 500 con vịt xiêm Pháp, tại 5 huyện Giá Rai, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Hồng Dân.

Tuesday. June 2nd, 2015