Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ta Thả Đồng
Đi dọc tuyến quốc lộ 12B qua xóm Lạng, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) người đi đường sẽ thấy rất nhiều những “trại gà” của những hộ nông dân ngay trên những cánh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Trên từng khoảnh ruộng, khu ruộng có đến hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn.
Để mục sở thị về mô hình nuôi gà ta thả đồng này chúng tôi đã tìm đến một hộ chăn nuôi ngay trên đồng ruộng. Ông chính là Bùi Văn Đông ở xóm Lạng là hộ chăn nuôi gà thả đồng, ông tâm sự: “Chăn nuôi gà thả đồng ở đây đã trở thành phong trào từ nhiều năm trở lại đây, ngay trên cánh đồng Bãi Đa này cũng có đến 6 - 7 hộ nuôi với số lượng 100 - 200 con/lứa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Trước kia thấy vài hộ nuôi thấy hiệu quả nên từ đó nhiều hộ cũng học tập nuôi theo. Đến nay gia đình tôi cũng nuôi được 6 năm. Trung bình mỗi lứa tôi nuôi khoảng 200 con, cái hay ở nuôi gà thả đồng sau mỗi vụ thu hoạch là tận dụng được những hạt thóc rơi, thóc vãi… ngoài ra gà còn tìm bắt côn trùng như: sâu, dế mèn, trâu trấu để ăn lên gà chóng lớn mà lại tiết kiệm lớn chi phí chăn nuôi. Đặc biệt, nuôi gà ngoài đồng cách xã được khu dân cư nên gà ở xã Kim Bình rất ít khi bị xảy ra dịch bệnh, thất thoát cho người chăn nuôi. Người nuôi chỉ cần tiêm phòng vacxin đúng định kỳ là có thể đảm bảo”.
Ngoài thức ăn tận dụng được ngoài bãi chăn thả thì người nuôi cho ăn thêm thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo. Còn thức ăn xanh là rau, cỏ ngoài động gà tự tìm kiếm và không sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo nhận định của nhiều hộ nuôi ở đây cho biết, nuôi gà thả đồng vừa dễ lại không tốn công chăm sóc, hiệu quả thu về lại cao.
Chuồng trại được các hộ thiết kế đơn giản nhưng phải đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Chuồng nuôi chỉ ghép từ những thanh tre, thanh lứa và phải làm sàn chuồng để gà nằm tránh rét, tránh chuột và các con vật khác tấn công. Bên cạnh đó người nuôi dựng thêm một “túp lều tranh” cạnh đó để dễ bề quản lý đàn gà của gia đình mình. Ông Đông cầm nắm thóc ra cạnh khu chuồng rắc nắm thóc và gọi vài câu chích, chích, chích… bập, bập, bập… từng con gà từ đằng xa cũng chạy về xúm lại bên ông. Nhìn con nào, con nấy thật mượt lông, khỏe khoắn. Khi được hỏi ông về nuôi gần với các hộ như thế này liệu có bị lẫn sang nhau không? ông chia sẻ: “khó lẫn lắm vì gà cũng là loài khá thông minh, nếu lẫn sang đàn nhà bên tối đến chúng sẽ ngơ ngác và kêu”. Gà ở đây chạy nhảy nhiều nên thịt rất săn chắc, thơm ngon và quan trọng nhất là gà sạch, không bị dịch bệnh nên được các thương lái rất ưa chuộng. Với giá bán như hiện nay từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí, mỗi lứa người nuôi cũng thu về 20 - 25 triệu đồng, lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng.
Rời hộ ông Đông chúng tôi ghé qua hộ ông Quách Văn Viển cũng có đàn gà hàng 100 con đang thả trên cánh đồng Bãi Đa thuộc xóm Lạng, xã Kim Bình. Nhìn đàn gà của mình phát triển tốt ông phấn khởi: “Đàn gà của tôi nuôi đến tết âm lịch Quý Tỵ này bán là vừa hay đẹp, gần đến tết giá gà ở xã Kim Bình ngày càng được giá, nên năm nay chắc cũng có một lứa gà lãi cao”.
Từ hiệu quả bước đầu đưa lại, nuôi gà thả đồng là một bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi ở xã Kim Bình. Tin tưởng rằng mô hình nuôi gà ta thả đồng ở đây sẽ càng nhân rộng và phát triển hơn nữa. Giúp bà con phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ngay từ đầu hè nên nhiều diện tích chè tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị cháy búp, gây thiệt hại lớn.
Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An …và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ đã phấn khởi nhờ trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả đáng kể. Mặc dù, hiện nay giá ớt trên thị trường đôi lúc biến động, nhưng đa số bà con đều thu nhập cao hơn so với trồng lúa.