Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả mô hình HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên

Hiệu quả mô hình HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên
Ngày đăng: 16/09/2015

Qua mô hình này nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Hoàng Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Yên thì việc xây dựng các HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên không chỉ tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ dân, mà còn giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Đặc biệt, việc xây dựng các HTX chăn nuôi gà ở Tiên Yên còn từng bước hình thành cho người dân, nhất là người dân các xã 135 của huyện thói quen sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung.

Chuồng trại chăn nuôi gà Tiên Yên tập trung của gia đình anh Đặng Minh Khìn, ở thôn Khe Cầu, xã Điền Xá.

Theo đó, khi tham gia HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, các hộ chăn nuôi gà có quy mô 200 con/hộ sẽ được hỗ trợ công tác phòng trị bệnh với mức 10.000 đồng/con; hỗ trợ 50% giá giống gà 21 ngày tuổi; được hỗ trợ 2 triệu đồng/chuồng trại 20m2, cứ tăng 10m2 thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

Theo Quyết định 911/QĐ-UBND ngày 31-3-2015 của UBND huyện về cơ chế đặc thù tạm thời phát triển đàn gà Tiên Yên áp dụng đối với các xã 135 và 2 thôn khó khăn của xã Phong Dụ, nguồn vốn được lấy từ chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và ngân sách huyện.

Sau gần 6 tháng triển khai, trên địa bàn huyện Tiên Yên đã xây dựng được 4 HTX sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên tại 4 xã 135 của huyện gồm: Đại Thành, Đại Dực, Điền Xá, Hà Lâu, với tổng số xã viên ban đầu vào HTX là trên 50 xã viên.

HTX Thống Nhất (ở xã Điền Xá) là một trong những HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Tiên Yên. Kể từ khi ra đời (5-2015), HTX Thống Nhất đã thu hút được 15 hộ dân của 5 thôn trên địa bàn xã Điền Xá, huyện Tiên Yên tham gia.

Nói về những lợi ích khi tham gia HTX, ông Tô Văn Vuồng, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết: Vào HTX, các xã viên có thể chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ lẫn nhau; không phải tự tìm nguồn mua con giống hay thức ăn chăn nuôi vì đã có các doanh nghiệp của huyện tìm đến cung ứng.

Điều đó đồng nghĩa với việc các xã viên sẽ được mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất do không phải thông qua trung gian, chất lượng con giống cũng được đảm bảo. Về đầu ra cho sản phẩm, một số tư thương, nhà hàng trên địa bàn huyện cũng đã tìm đến các hộ trong HTX để ký hợp đồng thu mua với giá hợp lý.

Hơn thế, các xã viên còn được tham gia tập huấn kỹ thuật để biết cách chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Đặng Minh Khìn, ở thôn Khe Cầu, xã Điền Xá, một trong những xã viên của HTX Thống Nhất chia sẻ: Trước đây khi chưa tham gia HTX, gia đình anh chăn nuôi gà với quy mô nhỏ. Anh thường phải tự liên hệ, tìm đến các trại giống và các khu chợ lân cận để tìm mua con giống.

Với cách chăn nuôi như vậy, hiệu quả kinh tế không cao. Theo anh Khìn thì con giống tự tìm mua nên không chuẩn, do nhiều giống gà khác nhau, khó khăn cho việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tìm tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn và thường xuyên bị các tư thương ép giá nên hiệu quả chăn nuôi rất thấp.

Khi xã có chủ trương xây dựng HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia HTX Thống Nhất. Khi được đồng ý, với sự hỗ trợ của xã, tôi đã mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lên 200 con gà giống Tiên Yên...

Nhìn đàn gà đang trong giai đoạn phát triển tốt, anh Khìn phấn khởi cho biết thêm: Cái được có thể thấy ngay khi tham gia HTX là giờ đây gia đình tôi không còn phải lo về con giống và nguồn tiêu thụ sản phẩm.

Có thể khẳng định việc thành lập các HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển giống gà quý này, nâng cao thu nhập cho người dân mà hơn thế thông qua mô hình này còn từng bước hình thành thói quen sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung. Đây cũng chính là một quyết tâm mới, nỗ lực mới của huyện Tiên Yên trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu gà của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Thử Nghiệm Thuốc Kích Thích Tăng Trưởng Rau Ở Hà Nội Thử Nghiệm Thuốc Kích Thích Tăng Trưởng Rau Ở Hà Nội

Trước đó, ngày 21/3, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã tiến hành thử nghiệm thuốc kích thích tăng trưởng trên 1.000m2 rau cải ở Quảng Ngãi. Chiều 24/3, tại TP.HCM cũng bắt đầu đợt phun thuốc trên rau cải.

14/07/2012
Hải Lạng (Quảng Ninh): Hắt Hiu “Mùa Tôm Chín” Hải Lạng (Quảng Ninh): Hắt Hiu “Mùa Tôm Chín”

Người nuôi tôm, đặc biệt là nuôi theo hình thức quảng canh ở Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) vẫn nói với nhau đây là nghề “đánh bạc với trời”. Bão gió, thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập đe doạ đến kế sinh nhai của các chủ đầm

21/06/2012
Ngư Dân Bình Định Trúng “Lộc Biển” Ngư Dân Bình Định Trúng “Lộc Biển”

Từ giữa tháng 10.2011 đến nay, ngư dân Bình Định liên tục trúng mùa cá biển, trong đó trúng đậm nhất là cá nục gai. Theo các ngư dân, mỗi chuyến biển từ 1 - 2 ngày, bình quân mỗi tàu thuyền có thu nhập từ 12 - 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì mỗi thuyền còn lãi từ 4 - 25 triệu đồng

30/10/2011
Nuôi Cá Tra Lời 500 Triệu Đồng/ao Nuôi Cá Tra Lời 500 Triệu Đồng/ao

Tại ĐBSCL, trong khi nhiều nhà máy chỉ “chạy” cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động thì một số doanh nghiệp (DN) nhờ chủ động xây dựng vùng nuôi qua liên kết với nông dân nên vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu

16/04/2011
Nghề Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương: Còn Bấp Bênh Nghề Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương: Còn Bấp Bênh

Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty TNHH Xuất khẩu Đại Dương.

21/06/2012