Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nuôi Bò Chuyên Thịt

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ triển khai thí điểm mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt" cho nông dân 2 xã Phổ Hòa và thị trấn Đức Phổ. Qua thời gian thực hiện, mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Gia đình ông Phạm Đình Khương ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) là một trong 64 hộ được chọn tham gia mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt". Năm con bò trong chuồng của nhà ông Khương, con nào cũng to lớn, béo tốt. Ông Khương cho hay: Tham gia mô hình này ông được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và được hỗ trợ 30% chi phí tiền thức ăn cho bò.
Nhờ chăm sóc và cho bò ăn đúng theo hướng dẫn, sau thời gian ngắn vỗ béo, hai con bò chuyên thịt của gia đình ông tăng trọng nhanh và có thể xuất bán. Nở nụ cười tươi rói, ông Khương cho biết thêm, cặp bò lai này ông mua cách đây 4 tháng với giá 42 triệu đồng, giờ đã có nhiều thương lái trả giá gần gấp đôi nhưng ông chưa bán.
Cùng ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa, gia đình anh Nguyễn Xuân Tòng cũng được chọn thực hiện mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt". Tham gia mô hình thấy hiệu quả vì giống bò mới tăng trọng nhanh và cho thịt cao hơn nhiều so với các giống bò khác nên anh Tòng mạnh dạn đầu tư nuôi đến 6 con.
Cũng như các hình thức nuôi bò vỗ béo khác, nhưng với mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt" thực hiện theo quy trình mới và vỗ béo trên cơ sở bò có tầm vóc và có trọng lượng cao như bò lai Charolaise, Droughmaster hay bò lai Brahman. Tỷ lệ máu ngoại càng cao thì khả năng tăng trọng và tỷ lệ thịt càng cao. Về tầm vóc, các giống bò chuyên thịt có mình dài, khung xương lớn, vai và mông nở, bốn chân chắc khỏe, ngực sâu và rộng, tầm vóc càng lớn nuôi thâm canh càng tăng trọng nhanh.
Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: Sau thời gian 2 tháng rưỡi nuôi vỗ béo, hầu hết các giống bò lai chuyên thịt phát triển nhanh và tăng trọng vượt so với kế hoạch. Khi bắt đầu nuôi theo quy trình này phải lựa chọn bò từ 16 tháng tuổi trở lên để nuôi vỗ béo. Lúc bò trưởng thành, thành thục thì chúng ta đầu tư thức ăn để tạo sản phẩm thịt cao nhất ở giai đoạn nuôi này. Đa số người dân qua mô hình đều nhất trí cao với các giống bò lai chuyên thịt này, vì thích nghi với điều kiện ở địa phương. Khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt, hiệu quả kinh tế cao".
Hiệu quả ban đầu từ mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt" mang lại, đã mở ra hướng mới cho người chăn nuôi, góp phần giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện anh Nguyễn Ngọc Luân lấy bằng tiến sĩ lọc dầu ở Cộng hòa liên bang Đức và từ bỏ các công việc hấp dẫn về làm nông nghiệp một huyện thuần nông vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai đã làm nhiều người hết sức ngạc nhiên. Nhưng đối với anh, việc giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của họ là ước mơ đã được ấp ủ bấy lâu nay.

Nhiều công ty bán giống mắc ca lên tới vài trăm nghìn/cây là quá đắt so với giá thực tế của loại cây này. Việc phát triển quá nhanh diện tích cây mắc ca, cũng như thiếu kiểm soát trong công tác quản lý giống khiến nhiều hộ dân mua phải giống kém chất lượng.
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV dịch vụ phát triển nông nghiệp Dasco đã liên kết với Viện Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Cần Thơ triển khai dự án phát triển công nghệ trồng nấm sạch gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ ở Đồng Tháp.

Vụ lúa mùa năm 2015, huyện Sa Pa (Lào Cai) sẽ mở rộng diện tích cấy lúa chịu lạnh lên 40 ha. Đây là giống DS 1 do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh cung ứng và sẽ được gieo cấy tại các xã Tả Van, Sử Pán, Nậm Sài, Thanh Phú và Nậm Cang, mỗi xã cấy từ 7 – 10 ha, với khoảng 110 hộ dân tham gia.

Thông tin này tại hội thảo Khoa học “Phát triển cây tiêu và ứng dụng trụ sống Núc Nác trong trồng tiêu”. Sáng nay (17/4), Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, tổ chức hội thảo Khoa học “Phát triển cây tiêu và ứng dụng trụ sống Núc Nác trong trồng tiêu”.