Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Vườn - Ao - Chuồng
Từng bước mày mò học cách làm ăn và tham gia các lớp học dành cho nông dân, ông Lê Văn Trang ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã có của ăn của để từ mô hình làm kinh tế không mới là vườn - ao - chuồng (VAC).
Năm 2004, ông Trang đầu tư trồng chanh dây, nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định, ông chuyển sang nuôi bò và vịt đẻ trứng.
Với số tiền lãi từ việc nuôi hai con bò và 600 con vịt, ông quyết định mở rộng mô hình làm kinh tế VAC của mình. Theo phương châm “tích lũy từ ít thành nhiều” để làm kinh tế, hai vợ chồng ông đào ao nuôi cá, tận dụng trồng rau muống nước trên mặt ao để làm thức ăn cho heo, gà, vịt. Ông còn trồng cỏ quanh bờ ao cá.
Nhờ vào nguồn nước thường xuyên trong ao giúp bờ ao luôn đủ độ ẩm nên cỏ phát triển tốt. Nguồn cỏ làm nguồn thức ăn quanh năm cho bò. Xung quanh các ao cá, ông còn trồng 250 gốc cau. Hai vợ chồng ông làm ruộng, trồng bắp, hoa màu, vừa thu hoạch để bán, số còn lại làm thức ăn cho vật nuôi. Vừa có nguồn thu nhập vừa xoay vòng tận dụng làm thức ăn, mô hình VAC của gia đình ông đã phát huy hiệu quả kinh tế.
Nhờ đầu tư chuồng trại sạch sẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, đàn heo nhà ông Trang lúc nào cũng khỏe mạnh, chóng lớn. Mỗi lần ông xuất chuồng khoảng chục con heo. Hiện tại, trong chuồng gia đình nhà ông Trang đang nuôi 9 con heo nái và gần 100 con heo thịt lớn nhỏ.
Làm ăn theo hướng tích lũy rồi mở rộng dần mô hình VAC, đến nay diện tích ao thả cá của nhà ông Trang là 1.500m2. Năm nay, trong ao cá nhà ông Trang có khoảng 3.000 con cá rô phi, diêu hồng. Lúc nhiều nhất có hơn 8.000 con cá các loại. Mới đây, gia đình ông còn đầu tư xây ao cá bằng xi măng với diện tích 500m2 để nuôi cá trê, cá lóc.
Ông Trang kể, có lần ông đầu tư làm 1.000 bịch nấm rơm, nấm bào ngư nhưng không thành công về mặt kinh tế. Không nản chí, ông vẫn quyết tâm làm ăn và chọn mô hình VAC này làm “chiếc cần câu” thoát nghèo. Sự hỗ trợ qua lại giữa vườn - ao - chuồng đã giúp ông nâng cao hiệu quả sản xuất, không để lãng phí nguyên vật liệu. Mỗi năm trừ chi phí, thu nhập của gia đình ông còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Nhịp-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm cho biết, tuy có những lần bị thất bại, nhưng với tính cần cù, chịu khó và được sự hỗ trợ của hội nông dân các cấp, ông Trang vẫn nỗ lực vươn lên làm kinh tế.
Đến nay, mô hình VAC của ông Trang đã mang lại hiệu quả, tạo thu nhập tương đối bền vững và tạo công ăn việc làm cho các lao động trong gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do nông dân làm ra. Điều này rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp trong việc giúp người dân tìm đầu ra bền vững cho nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đàn bò tăng nhưng đàn trâu lại có xu hướng giảm. Thời điểm này, toàn tỉnh có gần 70 nghìn con trâu, giảm trên 600 con so với cùng kỳ.
Sau gần chục năm nuôi dê, anh Lê Văn Hồng, thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có thu nhập cao từ loài vật này.
Xã Lùng Khấu Nhin (Lào Cai): Thêm 44 hộ được nhận lợn giống luân chuyển Đến nay, 41 hộ dân tại xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã được nhận luân chuyển 44 con giống lợn đen địa phương, trong đó có 41 con cái, 3 con đực.
Sau 3 năm triển khai mô hình chăn nuôi bò để giảm nghèo, 15 hộ dân ở xã Đa Lộc (Đồng Xuân - Phú Yên) đã giảm nghèo bền vững, có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này vừa được biểu dương tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Ngoài ra, quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện các mục tiêu như: Nâng cao chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi; bố trí quỹ đất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xử lý môi trường; nguồn vốn đầu tư…