Thức Ăn Tăng Giá, Người Nuôi Cá Gặp Khó
Từ đầu năm đến nay, trong khi sức mua các sản phẩm chăn nuôi đều giảm mạnh, không đảm bảo lợi nhuận của người chăn nuôi thì giá thức ăn lại liên tục tăng cao, nhất là thức ăn thủy sản...
Trong hơn 6 tháng, thức ăn thủy sản đã 3 lần tăng giá, với mức tăng tổng cộng 800 - 1.000 đồng/kg. Lỗ vốn là một chuyện, song thời điểm này, người nuôi đang rơi vào cảnh "kiệt sức", không còn khả năng tái đàn...
Ông Nguyễn Văn Thanh, người nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi 8.000m2 mặt nước cá tra thương phẩm 7 tháng tuổi, cá đã quá lứa nhưng chưa xuất bán được. Năm rồi, vào thời điểm này, giá cá tra ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg, nay chỉ còn 19.500 - 20.000 đồng/kg, trong khi phải bán 23.000 đồng/kg trở lên mới có lời. Giá cá bán ra còn ở mức thấp, trong khi giá thức ăn lại tăng nên tôi rất lo lắng".
Hiện giá thức ăn cho cá tra loại 26% đạm ở mức 12.000 - 12.200 đồng/kg. Trong khi đó, từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều hộ nuôi cá chỉ bán được với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, còn giá các loại thức ăn thủy sản tăng thêm 200 - 500 đồng/kg so với tháng trước.
Theo tính toán của người nuôi cá, chi phí thức ăn thường chiếm 70 - 80% giá thành sản xuất, do đó, nếu tính bình quân trong 7 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 1,5 - 1,7kg/con, người chăn nuôi phải đầu tư trên 23.000 đồng/kg. Như vậy, nếu bán với giá 20.000 đồng/kg, người nuôi cá chỉ từ huề đến lỗ, không có lời. Đó là chưa kể chi phí thuốc thú y và công chăm sóc...
Thức ăn tăng, trong khi giá cá ngày càng giảm nên hiện nay người nuôi cá tra đã chọn cách cho ăn cầm chừng hoặc "bỏ đói cá" nhằm giảm lỗ bởi chi phí chăn nuôi. Ông Tăng Trình, hộ nuôi cá ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: "Ao cá 6.000m2 của tôi đã ngưng không cho ăn từ 3 tháng nay, phần vì đại lý không bỏ thức ăn, phần vì giá cá giảm quá thấp nên nếu cho cá ăn liên tục sẽ càng lỗ nặng". Ông Trình cho biết thêm, đa phần diện tích còn lại hiện nay là những hộ có vốn lớn còn những hộ nhỏ lẻ đều neo ao, bỏ nghề vì không cầm cự nổi.
Theo Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, hiện có 30 - 40% số người nuôi cá tra neo ao, bỏ nghề. Theo ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, với giá cá tra giảm còn 19.500 - 20.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi lỗ ít nhất trên 2.000 đồng/kg, nguyên nhân chính là do chi phí đầu vào tăng, trong khi việc đầu tư nuôi cá không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người nuôi cá bỏ ao vì không chịu được "nhiệt". Tại huyện Châu Thành, cuối năm 2012, diện tích nuôi cá tra toàn huyện là 227ha thì đến nay giảm chỉ còn 180ha...
Ông Đức cho biết thêm, khó khăn của người nuôi cá đã tồn tại từ lâu nhưng để giải quyết thì vẫn là một câu hỏi lớn? Theo ông Đức nếu Nhà nước có chính sách can thiệp về giá hỗ trợ người nuôi cá, làm sao giữ giá cá thấp nhất cũng phải ngang bằng với giá thành sản xuất thì người chăn nuôi mới mong cầm cự nổi. Thêm nữa, cần quản lý giá thức ăn chăn nuôi thật hiệu quả, không để các doanh nghiệp thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý.
"Quan trọng nhất, phải có cơ quan đứng ra quản lý, giải quyết vấn đề chiếm dụng vốn chăn nuôi của các công ty thu mua, chế biến thủy sản thì mới mong gỡ khó cho người dân. Vì hiện tại, trước áp lực tăng giá thức ăn, giá cá giảm, người chăn nuôi buộc phải bán để cắt lỗ... trong khi doanh nghiệp lại tiếp tục chiếm dụng vốn của người dân bằng cách hợp đồng thỏa thuận sẽ thanh toán 20 - 30% số tiền sau khi bắt cá và thanh toán hết sau 1 tháng.
Nhưng thực tế, nếu may mắn thì sau 5-6 tháng, người dân mới nhận được tiền, còn nếu không may gặp các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì bị chiếm dụng vốn, quỵt nợ. Hậu quả là người nuôi vừa cạn vốn, vừa mắc nợ ngân hàng, không thể đầu tư nuôi trở lại... Lúc này người nuôi cá lao đao nhưng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết..." - ông Đức nói.
Có thể bạn quan tâm
Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam chiếm một diện tích rất lớn, khoảng trên 35.000 ha, tiềm lực và tiềm năng đều thua kém so với các vùng khác trong tỉnh
Hiện tại, các mô hình nuôi cá, nuôi heo… không còn là cách làm giàu duy nhất mà ngày càng có nhiều nông dân trẻ, chủ trang trại tìm tòi, học hỏi đầu tư chăn nuôi nhiều loại động vật mới lạ, cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dúi - loại động vật hoang dã, sống trong các vùng đồi núi đã mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước.
Hơn 10 ngày trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hai huyện Cần Đước, Long An có số lượng tôm thẻ chết hàng loạt khiến hơn 30% diện tích nuôi tôm của hai huyện này tạm thời bị bỏ không, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Long (TP.Vũng Tàu)
Năm 2011 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Quân Bình và Cẩm Giàng. Qua đánh giá cho thấy mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.