Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Của Các Mô Hình Trồng Ca Cao Xen Trong Vườn Dừa

Hiệu Quả Của Các Mô Hình Trồng Ca Cao Xen Trong Vườn Dừa
Ngày đăng: 03/12/2013

Mặc dù đã hạn chế phần nào việc đốn bỏ ca cao để trồng các loại cây khác nhưng hiện nhiều nhà vườn vẫn còn e ngại đối với vườn ca cao. Tuy nhiên, hiện có nhiều mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Mô hình của ông Bùi Văn Hoàng ở Hữu Định (Châu Thành - Bến Tre)

Năm 2005, ông Hoàng tham gia dự án trồng ca cao của tỉnh. Đến đầu năm 2011, ông tham gia Câu lạc bộ ca cao chứng nhận UTZ và chuyển đổi sang canh tác ca cao theo tiêu chuẩn chứng nhận UTZ, với tổng diện tích đất canh tác 1ha trồng 170 cây dừa ta (35 năm) xen thêm 450 cây ca cao (8 năm tuổi).

Qua quá trình tham gia vào Câu lạc bộ ca cao UTZ, ông được tập huấn kỹ thuật canh tác ca cao và áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại vườn nhà. Đối với ca cao trung bình cho 20-25kg trái/cây/năm thì bón phân như sau: phân Yara [3 Winner (N-P-K:15-9-20) + 1 Nitratbor {(N (NO3)- N(NH4) – Ca – Bo: (14,1- 1,3- 26-0,3)}], liều lượng bón 1.2kg/cây/năm, chia làm 6 lần bón. Cây cho năng suất cao hơn thì lượng phân tăng lên tương ứng.

Với cách bón phân như trên, cây ca cao cho năng suất rất cao. Thời kỳ kiến thiết cơ bản cần tạo dáng cây thẳng đứng, các cành phân đều các hướng, thời kỳ kinh doanh cần tỉa thông thoáng trong thân để ánh nắng được chiếu vào trong thân nhằm kích thích cây ra nhiều hoa, tạo nhiều trái, hạn chế tối đa việc tỉa cành giai đoạn cây ra hoa và đậu trái non. Thường xuyên tỉa các cành vô hiệu, cành sâu bệnh. Việc tỉa cành đúng kỹ thuật ngoài việc giúp cây ra hoa tạo trái tốt còn hạn chế tối đa sự phát sinh bệnh thối trái và bọ xít muỗi chích trái.

Dù chi phí tưới nước trong mùa nắng không nhiều nhưng hiệu quả mang lại rất cao, ủ gốc và kết hợp tưới nước 4 lần/tháng trong mùa nắng giúp cây cho trái quanh năm, năng suất có thể tăng lên gấp đôi so với vườn không tưới nước vào mùa nắng và cây không bị mất sức sau mùa nắng. Cây ca cao bị hai đối tượng gây hại chính là bọ xít muỗi và bệnh thối trái-loét thân.

Để quản lý tốt hai đối tượng này, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như dọn sạch cỏ dại, tỉa cành thông thoáng, bảo tồn thiên địch trên vườn, nuôi thêm kiến vàng và hàng năm bón ít nhất một đợt phân hữu cơ trộn nấm Trichoderma.

So sánh năng suất ca cao trước khi gia nhập chương trình ca cao chứng nhận và hiện nay thì năng suất tăng cao hơn, trong khi chi phí sản xuất không tăng, tổng lượng trái đã bán của năm 2012 bình quân 26 kg trái tươi/cây/năm. Trừ chi phí phân bón, thu nhập tăng thêm từ ca cao trong năm 2012 ông Hoàng thu được 34,4 triệu đồng/ha ca cao.

Mô hình của ông Trần Văn Lộc, tại ấp Chợ Mới, xã Thạnh Ngãi (Mỏ Cày Bắc). Từ năm 1975 ông Lộc canh tác 3.500m2 vườn tạp với nhiều loại cây như cam, quýt, bưởi, sầu riêng, măng cụt và sản xuất kinh doanh cây giống. Nhờ tích lũy, ông mua thêm được 12.000m2.

Đến năm 2005 giá dừa tăng cao nhiều nông dân đổ xô trồng dừa, với mong muốn có thu nhập ổn định. Lúc đó, ông nghĩ chỉ có xen canh là hợp lý nên kết hợp với 150 cây măng cụt đã trồng sẵn từ năm 1998. Để cây dừa và măng cụt cho trái ổn định, cần thêm thời gian từ 6 đến 10 năm. Năm 2006, ông được đầu tư 500 cây ca cao (từ dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre), mua thêm 500 cây nữa để trồng khắp vườn. Để lấy ngắn nuôi dài ông trồng thêm 1.400 cây đu đủ vì lúc đó do ca cao còn nhỏ cần bóng râm.

Thời điểm nầy là vườn xen canh 150 cây măng cụt; 240 cây dừa dứa; 1.000 cây ca cao; 1.400 cây đu đủ. Do cây đu đủ cần chăm sóc bón phân tưới nước đầy đủ, các cây trồng khác cũng được quan tâm nên phát triển rất nhanh và kết quả thật bất ngờ sau 7 tháng trồng đã có thu nhập từ cây đu đủ, đến 18 tháng cây đu đủ tàn thì cây ca cao đã bắt đầu cho trái. Đến nay, sau 7 năm trồng ca cao, vườn của gia đình ông Lộc chỉ còn cây dừa và ca cao.

Trong thời gian qua, ông chỉ dùng phân hữu cơ từ thân, lá ca cao trong quá trình tỉa cành, tạo tán tự hoai mục trong vườn kết hợp bổ sung đất bùn dưới mương hàng năm, hầu như không dùng phân hóa học. Về hiệu quả kinh tế của cây ca cao, ông cho là không cao lắm nếu so với cây có múi và một số cây đặc sản khác.

Năng suất vườn ông Lộc dao động từ 1 tấn tới 1,5 tấn hạt 1ha tùy năm trúng hoặc thất mùa, nhưng rất đáng quan tâm vì đây là cây trồng xen trong vườn dừa. Ông thường nói vui với bạn bè: Dừa là cây “chín”, ca cao là “mười”. Vì trồng ca cao xen trong vườn dừa tăng gấp đôi thu nhập trên cùng một diện tích so với chỉ trồng thuần dừa.

Mô hình của ông Nguyễn Đức Tín, xã Tam Phước (Châu Thành)

Năm 2005, ông bắt đầu trồng ca cao. Đến đầu năm 2012, qua thông tin từ cán bộ khuyến nông, từ dự án phát triển ca cao chứng nhận, ông quyết định tham gia dự án và chuyển đổi sang canh tác ca cao theo tiêu chuẩn chứng nhận UTZ với tổng diện tích đất canh tác 1ha, trồng 250 cây dừa xiêm (3-7năm tuổi) xen thêm 300 cây ca cao (8 năm tuổi).

Trong quá trình tham gia vào Câu lạc bộ ca cao UTZ, ông Tín được tập huấn kỹ thuật và áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại vườn nhà (cách làm này tương tự như ông Bùi Văn Hoàng nêu trên). So sánh năng suất ca cao của ông Tín trước khi gia nhập chương trình ca cao chứng nhận (bình quân 21kg trái/cây/năm) và hiện nay thì năng suất tăng cao hơn rõ rệt, trong khi chi phí sản xuất không tăng, tổng lượng trái đã bán của năm 2012 bình quân 28kg trái tươi/cây/năm.

Trừ chi phí phân bón, thu nhập tăng thêm từ ca cao trong năm 2012 được 24,6 triệu đồng/ha ca cao. So với các cây trồng xen trong vườn dừa, ông nhận thấy cây ca cao trồng phù hợp nhất vì không phải tỉa thưa dừa như trồng bưởi, dừa và ca cao sử dụng loại phân gần giống nhau.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Cá Ghép Trong Ao Mô Hình Nuôi Cá Ghép Trong Ao

Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.

22/03/2014
Trồng Nấm Nghề Mới Ở Quế Nham Trồng Nấm Nghề Mới Ở Quế Nham

Với mong muốn phát triển nghề trồng nấm, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung xây dựng làng nghề, mở rộng phạm vi sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

24/02/2014
Hiệu Quả Từ Việc Trồng Tiêu Bằng Trụ Cây Sống Hiệu Quả Từ Việc Trồng Tiêu Bằng Trụ Cây Sống

Vườn tiêu hơn 500 trụ là nguồn thu nhập chính đối với gia đình anh Lê Trung Nhớ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê - Gia Lai). Anh Nhớ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó khoảng 500 trụ được trồng bằng cây trụ chết (gỗ) mới thu hoạch được 2 năm thì xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào 500 trụ tiêu trồng bằng cây keo này mà thôi.

24/02/2014
Mô Hình Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn Mô Hình Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn

Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.

22/03/2014
Tình Trạng Sùng Đất Hại Cây Trồng Lan Rộng Tình Trạng Sùng Đất Hại Cây Trồng Lan Rộng

Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.

24/02/2014