Nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn
Theo lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê-đơn vị giữ vai trò động lực phát triển vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh thì để sản xuất mía đường đủ sức cạnh tranh với thị trường cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, trong đó việc nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn là quan trọng.
Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn.
Anh Nguyễn Hữu Khiêm-thôn Tân Hội, xã Tân An, huyện Đak Pơ cho biết: 8 sào mía của anh những năm trước năng suất đạt không quá 80 tấn, sau khi trừ chi phí, lãi 20 triệu đồng.
Vụ mía năm nay trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất mía tăng lên 96 tấn, sau khi trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng.
Tác nhân lợi nhuận tăng là trồng mía cánh đồng mẫu lớn được Nhà máy Đường An Khê cho mượn 100% vốn đầu tư giống, phân bón, đến vụ thu hoạch mới thu hồi lại vốn; cho không bã bùn với định suất 6 - 7 khối/1.000m2.
Tham gia cánh đồng mía mẫu lớn được áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc nên giảm 1/2 chi phí nhân công trồng mía.
Người trồng mía được hỗ trợ cước vận chuyển nên giảm gần 3 triệu đồng/ha lại không phải lo phiếu đốn vì Nhà máy thu mía dứt điểm từng cánh đồng.
Theo tính toán của anh Khiêm, 1 ha mía ở cánh đồng mía mẫu lớn của thôn Tân Hội, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng.
Việc xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn đã được triển khai 4 năm qua.
Để khởi động lộ trình này, Nhà máy đã trang bị máy móc để cơ giới hóa khâu trồng-chăm sóc-thu hoạch mía; thử nghiệm, chuyển giao cho nông dân giống mía mới năng suất cao; vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa hình thành cánh đồng mía mẫu lớn gắn với chính sách ưu đãi.
Cụ thể, ưu tiên thu mua dứt điểm sản lượng mía; tạm ứng trước nguồn vốn, cho không bã bùn để nông dân chủ động đầu tư cho cây mía; mở rộng diện tích trồng mía bằng cơ giới để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân...
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Nguyên liệu Nhà máy đường An Khê cho biết, tổng vốn Nhà máy đầu tư xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn 4 năm qua là 44 tỷ đồng; trong đó đầu tư không thu hồi 6,5 tỷ đồng, còn lại đầu tư có thu hồi vốn nhưng không tính lãi suất.
Đúc kết hiệu quả thực tế từ các cánh đồng mía mẫu lớn, cho thấy năng suất mía bình quân của ruộng mía cánh đồng mẫu lớn đạt 110 tấn/ha, tốc độ tăng năng suất mía cao hơn 40%; chi phí sản xuất mía giảm trên 30% so với sản xuất đại trà.
Lợi ích kinh tế thiết thực trên đã nhận được sự tham gia tích cực từ người trồng mía nên tổng diện tích thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn tại thị xã An Khê, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro hiện đạt 1.075 ha.
So sánh với tổng diện tích mía khu vực phía Đông là 26.000 ha thì diện tích cánh đồng mía mẫu lớn hiện chiếm tỷ lệ thấp, song đặt kết quả trên vào thực tế đất trồng mía phân bổ nhiều thửa, nhiều vùng; tập quán người dân quen giữ đất cũ để sản xuất, không muốn đổi thửa để dồn điền, là sự nỗ lực của chính quyền địa phương-nông dân-nhà máy đường An Khê.
Ông Lê Văn Dũng, thị trấn Kông Chro-người sở hữu cánh đồng mía mẫu lớn 50 ha tại xã Yang Nam, huyện Kông Chro cho rằng, để có được cánh đồng mía mẫu lớn hiện tại, từ năm 2010, ông đã thuyết phục 20 hộ dân có đất canh tác liền kề đổi đất, bán lại đất.
Đối với hộ chấp nhận bán đất, ông mua lại với giá cao hơn giá thị trường; còn hộ đổi đất sẽ được nhận thửa đất rộng hơn thửa đất đổi cho ông.
Kết quả của cái thiệt trong quyết định mua đất, đổi đất trên là cánh đồng mía mẫu lớn rất tiện cho việc đưa cơ giới vào quy trình trồng, chăm sóc, giảm chi phí đầu tư, năng suất mía bình quân đạt 100 tấn/ha.
Khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-ông Nguyễn Trường, năng suất mía từ cánh đồng mía mẫu lớn tại xã Tân An đạt 110 tấn/ha; chi phí đầu tư giảm nhờ sử dụng cơ giới hóa đồng bộ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch giải phóng được ngày công lao động nên hiệu quả kinh tế tăng lên.
Từ kết quả này, huyện đã xây dựng đề án nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn tại các xã Tân An, Phú An, Hà Tam.
Thực hiện đề án trên, huyện đã vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa gắn với cơ chế hỗ trợ cụ thể.
Theo đó, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/ha mía thu hoạch vụ 1; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với diện tích mía đã thu hoạch vụ 2 khi dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn.
Đồng thời, yêu cầu nông dân viết cam kết không được rút khỏi quy trình xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn vì chu kỳ cây mía dài, nếu 1 người rút lui sẽ phá vỡ quy trình thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn.
Không chỉ Đak Pơ, mà hiện tại, nông dân trồng mía tại An Khê, Kbang...
cũng đang thực hiện dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn.
Theo phân tích của Giám đốc Nhà máy đường An Khê-ông Nguyễn Văn Hòe trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề giá mua mía do thị trường quyết định.
Vậy nên, giải pháp tăng lợi nhuận cho nông dân trồng mía là hình thành cánh đồng mía mẫu lớn để áp dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc mía; tăng năng suất mía trên đơn vị canh tác là xu thế phát triển tất yếu.
Vì vậy, mục tiêu của Nhà máy là tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn đạt tối thiểu 1/3 tổng diện tích mía toàn vùng; trước mắt niên vụ mía 2015 - 2016 sẽ phát triển cánh đồng mẫu lớn trên 1.000 ha mía tơ.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài chính sách đầu tư chung hiện hành và chính sách riêng đối với cánh đồng mía lớn, như đầu tư không thu hồi tiền mua bã bùn; giảm 10% chi phí làm đất trồng mới so với định mức đầu tư vụ trồng 2015 - 2016...
thì Nhà máy rất cần sự nhập cuộc của cơ quan chức năng trong việc quy hoạch vùng mía chuyên canh để áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng.
Vận động và tổ chức nhóm hộ nông dân tự liên kết với nhau, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức sản xuất cánh đồng lớn...
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Phú Yên cho phép Cty CP Đầu tư thủy sản tập đoàn biển lập thủ tục triển khai dự án "Tàu đánh cá vùng biển xa và Trung tâm dịch vụ hậu cần cảng cá Phú Lạc" với tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng.
Rảo quanh các vùng trồng cây cảnh lớn tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) như Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa… thời điểm này, dễ nhận thấy có sự khác biệt so với một số năm trước đây khi có khá nhiều nhà vườn chuyên về cam cảnh, bưởi cảnh mọc lên bên cạnh các vùng quất cảnh.
Liên tiếp trong nhiều năm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được xem là địa phương có tỷ lệ người nuôi tôm "trúng" lớn. Đó là nhờ Phong Điền đã chủ động, linh hoạt trong đầu tư, sắp xếp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hướng đến vùng nuôi tôm bền vững...
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.
Mô hình đã tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, được đông đảo bà con nông dân đánh giá cao và đã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mô hình còn giải quyết việc làm, đem lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển cá nước ngọt theo quy trình VietGAP.