Hiệu Quả Chăn Nuôi Bò Tại Thông Nông
Những năm qua, huyện Thông Nông có những chính sách hỗ trợ nhân dân thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm tiến tới sản xuất hàng hoá, trong đó, việc triển khai đồng bộ Chương trình 30a của Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi bò sinh sản góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Lũng Rịch và Lũng Kiến, xã Lương Thông là 2 xóm vùng cao của huyện phát triển mô hình chăn nuôi bò. Đến thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo của gia đình ông Trịnh Văn Pu, xóm Lũng Rịch, được ông cho biết: Đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn bò lên hơn 20 con.
Thu nhập từ bán bò và cho thuê bò làm sức kéo không chỉ giúp gia đình ông thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của xóm, mô hình đã được nhân rộng ra các hộ trong xóm.
Các mô hình như gia đình ông Pu hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Thông Nông. Các hộ đều mạnh dạn vay vốn ban đầu để mua bò cái sinh sản, nghiên cứu học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đã đạt những hiệu quả đáng khích lệ.
Ông Lãnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Cần Nông (Thông Nông) cho biết: Từ năm 2013 đến nay, xã Cần Nông đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 100 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo.
Sau khi tiếp nhận bò giao cho bà con, các cán bộ xã đã thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc bò đúng theo quy trình kỹ thuật đã cam kết để đàn bò phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Thông Nông đã đưa mục tiêu phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa là trọng tâm để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.
Đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho phát triển chăn nuôi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện tiến hành khảo sát tình hình từng địa phương để lựa chọn những giống bò phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi. Năm 2013 - 2014, với tổng nguồn vốn Chương trình 30a được giao hơn 2 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ 1.300 con bò cái sinh sản cho các hộ dân thuộc 11 xã, thị trấn, trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã: Cần Nông, Cần Yên, Lương Can, Bình Lãng, Lương Thông.
Cùng với hỗ trợ về vốn, giống, việc trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân cũng được chú trọng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn những hộ gia đình thuộc đối tượng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo có đủ điều kiện chuồng trại, diện tích trồng cỏ voi để hỗ trợ.
Đồng thời, hướng dẫn bà con cách chăm sóc bò đúng kỹ thuật và ký cam kết với chính quyền xã về chăn nuôi gia súc đúng theo quy định.
Chỉ đạo các xã chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc bảo vệ đàn gia súc tại địa phương, Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho nông dân phát triển chăn nuôi, đàn gia súc của huyện Thông Nông tăng trưởng và phát triển khá ổn định. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Lê Thao Giang, Phó Phòng NN&PTNT huyện Thông Nông cho biết: Thực hiện Chương trình 30a của Chính Phủ, từ năm 2011, huyện đã có kế hoạch xin hỗ trợ bò cái sinh sản cho nông dân.
Dưới sự chỉ đạo của huyện, Phòng NN&PTNT huyện đã lập kế hoạch cụ thể, đưa cán bộ có chuyên ngành về thú y và chăn nuôi xuống tận các trại giống để lựa chọn những con bò đủ tiêu chuẩn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, từ đó sẽ dần thực hiện cải tạo đàn bò. Đến thời điểm hiện nay, những con bò giao cho các hộ dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2013, toàn huyện có tổng đàn bò 9.000 con; giảm được 6,44% hộ nghèo.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế địa phương. Chưa có nhiều hộ phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn. Nhiều khu vực, người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đầu tư, quy hoạch phát triển có chiều sâu.
Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư sống rải rác gây khó khăn trong việc phát hiện và phòng trừ dịch, bệnh gia súc. Trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do giống bò vận chuyển đến địa phương thời gian đầu chưa thể thích nghi với môi trường, bà con còn thói quen chăn thả tự nhiên, thiếu nguồn thức ăn, do vậy còn có một số rủi ro nhất định, một số con bị chết do rét.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Thông Nông đang đẩy mạnh thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ nông dân cả về vốn, phòng chống dịch bệnh..., để trong tương lai, chăn nuôi bò sẽ phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy KT - XH, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Trong thời gian qua cá rô đầu vuông đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là loại cá phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh tật và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh loài cá này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do con giống chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam dẫn đến giá cá giống còn quá cao, quãng đường vận chuyển xa nên cá dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.
Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.
Năm 2010, năm phát triển mạnh nhất, diện tích atisô Đà Lạt cũng chỉ dừng lại ở 90ha. Không chỉ là cây thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng mà atisô Đà Lạt còn được Bộ Y tế đưa vào bộ hồ sơ "dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển" của quốc gia. Trong bộ hồ sơ này, atisô là một trong 6 dược liệu được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu (cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm).
Huyện M’Đrak là vùng trồng mía lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Niên vụ này (2011- 2012), toàn huyện có trên 7.000 ha mía. Hiện giá mía giảm, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, cháy… khiến người trồng mía nơi đây đang đứng trước tình cảnh khó khăn.