Hiệu Quả Bước Đầu Từ Trồng Cây Thức Ăn Chăn Nuôi
Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.
Để giải quyết vấn đề về nguồn thức ăn, phục vụ cho mục đích nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh; đồng thời đi trước đón đầu, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho trang trại bò sữa Thanh Hóa 2, thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2014, huyện Như Thanh đã thực hiện mô hình trồng cây ngô dày với quy mô 5 ha tại xã Phú Nhuận.
Theo như các hộ dân thực hiện mô hình cho biết, khác với ngô thương phẩm trồng để lấy hạt, cây ngô dày được trồng chỉ để lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Xét về lợi ích kinh tế, đây là loại cây không những đem lại giá trị dinh dưỡng cao cho gia súc mà còn đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác đang được canh tác trên một đơn vị diện tích.
So sánh hiệu quả kinh tế của loại cây làm thức ăn chăn nuôi, bà Lê Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Theo tính toán bước đầu từ mô hình vừa thực hiện, 1 ha ngô dày được canh tác trong khoảng thời gian 75-80 ngày cho năng suất 35 đến 40 tấn/ha/vụ, với giá bán 850-900.000 đồng/tấn, bà con nông dân thu về khoảng 29-35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24-30 triệu đồng/ha/vụ.
Như vậy, với 1 ha được bố trí trồng ngô dày có thể canh tác 3 vụ/năm, nếu thâm canh tốt đạt 4 vụ/năm sẽ giúp bà con nông dân thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 2 lần so với trồng ngô thương phẩm lấy hạt.
Với hiệu quả kinh tế trên, vụ đông 2014 - 2015 tới đây, huyện Như Thanh dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi gia súc lên 130 ha. Được biết, toàn bộ diện tích này đã được trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 nhận thu mua làm thức ăn cho 600 con bò sữa sẽ được nhập về vào cuối tháng 10 năm nay.
Ngoài hiệu quả kinh tế đem lại, theo bà Dung: xét về lâu dài, huyện Như Thanh hy vọng, việc mở rộng diện tích trồng thức ăn chăn nuôi gia súc sẽ giúp người dân dần nhận thấy tầm quan trọng của nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi, từ đó thay đổi tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, hướng đến nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao.
Nếu ở huyện Như Thanh, việc mở rộng diện tích trồng thức ăn chăn nuôi mới đem lại hiệu quả về canh tác thì ở huyện Thọ Xuân, người dân đã triệt để tận dụng những khu đất cằn cỗi, đất bạc màu, đất ven đê, đầu bờ ruộng, thậm chí là đất vườn nhà để trồng cỏ voi. Gần đây, huyện chuyển những diện tích đất canh tác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ngô, rồi lấy sản phẩm trồng được làm thức ăn chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với việc chỉ trồng để bán sản phẩm.
Điều này được chứng minh ở xã Hạnh Phúc. Với 1 tấn ngô dày và cỏ được trồng để bán thu được 850-900.000 đồng (chưa trừ chi phí), nhưng người dân dùng làm thức ăn để vỗ béo 1 con bò trong 2 tháng, khi xuất bán, trừ chi phí còn lãi tới 2 triệu đồng, cao hơn gấp 2,5 lần so với trồng cây thức ăn để bán và gấp 4,5 đến 5 lần so với trồng ngô thương phẩm. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, nên hiện tại, ngoài 109 ha cỏ voi, huyện Thọ Xuân đang tiếp tục rà soát những diện tích sản xuất hiệu quả kinh tế thấp đưa sang trồng cỏ và ngô dày.
Hiệu quả từ thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi là một chủ trương đúng của ngành nông nghiệp, bởi nó không chỉ đơn thuần là chuyển đổi cây trồng trong trồng trọt, mà còn là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc những năm tới.
Với mục tiêu nâng cao giá trị chăn nuôi gia súc, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi; phấn đấu, ngoài duy trì vùng trồng cây ngô dày hiện có cung cấp nguyên liệu cho các trang trại bò sữa, năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 8.100 ha trồng cỏ, đến năm 2025 diện tích này sẽ được tăng lên 15.000 ha.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình đang gây ra vấn nạn về ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đặc biệt là khu vực vùng nông thôn.
Làm nghề thả lưới đánh bắt cá trong lòng hồ tự nhiên xã Ia Băng (huyện Đak Đoa - Gia Lai) đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên anh Rơ Châm Nhol (làng O Ngó) thấy người ta thả hàng vạn con cá giống đã được thả trở lại xuống lòng hồ này. “Mình thả lưới ở hồ này đã lâu, thường vào mỗi buổi chiều thả lưới đánh bắt cá làm thực phẩm trong bữa ăn của gia đình
Kết quả thí nghiệm cho thấy: 15 con heo dùng nuôi trong thí nghiệm đều tăng trọng tốt. Heo nuôi ở chuồng có hầm ủ biogas tăng trọng cao nhất (108,6 kg/con) kế đến là đối chứng (99 kg/con), thấp nhất là heo nuôi trên đệm lót sinh thái (97,1 kg/con). Khử mùi khí NH3 và H2S tốt nhất thuộc về nghiệm thức nuôi bằng đệm lót sinh thái, khả năng phòng bệnh ở mô hình nuôi trên đệm lót sinh thái cũng tốt, heo không bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế, kế đến là biogas và đối chứng - anh Phong phấn khởi.
Nuôi ong quy mô hộ gia đình là nghề truyền thống ở tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.100 hộ với 15.582 đàn ong nuôi đang được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế.
Viện Nuôi trồng Thủy sản II đưa ra lời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ con số thiệt hại 30% ở vụ nuôi 2013 và khuyến cáo người nuôi chỉ nên nuôi với mật độ thưa, chọn con giống tốt, sạch bệnh, nuôi an toàn sinh học và nên có thời gian cho đất nghỉ ngơi để cắt mầm bệnh. Theo Trung tâm Thú y vùng VII, việc công bố kết quả tìm ra tác nhân gây hội chứng EMS chỉ mới là bước đầu. Các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra cơ chế gây bệnh, giải pháp phòng trị vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng đến cuối năm nay sẽ có kết quả tốt.