Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Ở Xã Ninh Thới (Trà Vinh)
Bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2013, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có 5 hộ ở 3 ấp Mỹ Văn, Trà Điêu và Rạch Đùi được hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng để đầu tư thả nuôi trên 27.000 con cá lóc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Ngô Thanh Sang, ở ấp Rạch Đùi là một trong 5 hộ được xã Ninh Thới chọn hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình nuôi cá lóc. Trong vụ nuôi đầu tiên này, với diện tích 240m2 anh Sang đầu tư thả nuôi 7.000 con cá lóc giống, trong này Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, 30% phí thức ăn và 30% thuốc phòng trị bệnh. Mặc dù đây là lần nuôi thử nghiệm đầu tiên nhưng được các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được cán bộ kỹ sư nông nghiệp của xã hướng dẫn cách chăm sóc, biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp trên cá lóc nên trong đợt nuôi này cho hiệu quả năng suất tương đối cao.
Sau thời gian 5 tháng thả nuôi đến nay, diện tích cá thả nuôi của anh đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng gần 3 tấn cá thương phẩm và được thương lái đến mua với giá 36.000 đ/kg đối với cá loại I và 25.500 đ/kg đối với cá loại II. Với giá bán này sau khi trừ đi các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước anh còn lợi nhuận trên 09 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hạnh, ở ấp Rạch Đùi, cũng là một trong 5 hộ được xã Ninh Thới chọn đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình cá lóc của xã, trong đợt nuôi này, tận dụng diện tích 320m2 mặt nước ao mương vườn của gia đình anh đầu tư thả nuôi 9.000 con cá lóc giống. Đàn cá của anh phát triển khá tốt, tỉ lệ hao hụt chỉ chiếm khoảng 6% và đến nay đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng hơn 3,7 tấn cá thương phẩm, sau khi bán trừ đi các khoản chi phí anh còn lãi trên 10 triệu đồng.
Cũng theo các hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi cá lóc cho biết, giống cá lóc dễ nuôi, ít bị bệnh, nhẹ công chăm sóc, khả năng sinh trưởng mạnh, ít bị hao hụt, nếu nuôi đúng kỹ thuật cá sẽ lớn nhanh, do xã Ninh Thới có địa hình nằm ven sông Hậu chủ động được nguồn nước nên rất thích hợp cho việc đầu tư nuôi cá lóc.
Ngoài ra, cá lóc có đặc tính là thích ăn loại thức ăn tươi sống nên ngoài việc sử dụng thức ăn công nghiệp thì nguồn các loại cá vụn thu mua từ những hộ dân hành nghề đóng đáy, chài lưới đánh bắt thủy sản ở địa phương đem về chế biến để bổ sung thêm nguồn thức ăn tươi cho cá là rất thích hợp, giảm được chi phí đầu vào.
Đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá lóc, đồng chí Tô Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thới cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc còn mới đối với người dân ở xã Ninh Thới, qua tìm hiểu bà con đã thu hoạch thì hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Hướng tới Ban Quản lý sẽ tham mưu cho Thường trực Đảng ủy cũng như Ban Chỉ đạo thông qua các tổ chức đoàn thể vận động bà con mạnh dạn đầu tư nuôi cá lóc, nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời, từng bước giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 10 về thu nhập”.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá lóc ở xã Ninh Thới rất cần được phát triển nhân rộng để bà con nông dân trong huyện đến tham quan học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào thực tế của gia đình. Mô hình nuôi này khá đơn giản, không cần diện tích lớn, thích hợp cho bà con nghèo có ít đất canh tác và cũng là một trong những phương thức góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 14 tháng 2 năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc công bố dịch lở mồm long móng gia súc.
Chim yến (CY) xuất hiện ở Bến Tre khá lâu nhưng nhiều người không quan tâm. Hiện nay, phong trào nuôi CY đang phát triển, trên 23 cơ sở, với khoảng 10.000 CY, vì nhu cầu sử dụng tổ yến và lợi nhuận khá cao.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, năm 2014, toàn huyện sẽ thu hoạch từ 8,3 – 8,5 tấn lộc nhung hươu, ước tính thu nhập trên 110 tỷ đồng.
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mang Thít (Vĩnh Long) có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cho thấy người nông dân bắt đầu quan tâm đến khoa học kỹ thuật, gắn kết với các chuyên gia để cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đạt lợi nhuận cao và bền vững…
Đầu năm 2012, đề tài khoa học “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên chủ trì được áp dụng vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ nuôi tôm.