Cao su tăng giá, người trồng vẫn không vui
Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh Phú Yên có gần 4.000ha cao su, trong đó 672ha được trồng mới trong năm 2013. Trong số diện tích trên thì diện tích có thể khai thác mủ là 2.000ha, tập trung ở hai huyện Sông Hinh trên 1.200ha, Sơn Hòa 800ha.
Theo nhiều người trồng cao su, thông thường tháng 5 là thời điểm bắt đầu thu hoạch mủ. Tuy nhiên cuối tháng 5 vừa qua, tại các vườn trồng cao su ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), vỏ tái sinh của cây cao su còn bị sẹo bởi dấu cạo mủ cũ. Ông Đinh Văn Quyền, một người trồng cao su tại xã Sơn Định, cho biết: “Trong hai năm qua, vườn cây cao su của tôi phát triển chậm, ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Trước đây, trung bình 2ha cao su một ngày cạo 15kg mủ, nay không được 12kg, trong khi đó thuê một ngày công lao động hiện nay là 150.000 đồng”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, cũng ở xã Sơn Định, cho hay: Năm ngoái, ở đây ít người cạo mủ cao su, một phần vì giá giảm, một phần cây ít mủ. Mới đây, giá mủ cao su tăng đôi chút, người trồng cạo mủ thì lượng mủ cho ra ít. Có gia đình bỏ công thu hoạch nhưng không có lãi là bao nên nhiều người không màng đến việc cạo mủ cao su.
Theo UBND xã Sơn Định, hiện toàn xã có 457,7ha cao su. Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Định, cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Năm ngoái, phần lớn diện tích cao su không thể khai thác mủ khi đã đến vụ khai thác, một phần vì giá thấp, một phần vì cao su ít tái tạo mủ. Riêng năm nay, sản lượng mủ cũng giảm nhiều so với các năm trước.
Hiện thương lái thu mua mủ cao su với giá 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân vụ2014, tương đương với giá mủ năm 2013 nhưng chỉ bằng 1/3 giá của năm 2010. Ông Bùi Văn Dũng có vườn cao su rộng 3ha ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), nhẩm tính: Thuê hai công cạo mủ một ngày trả 300.000 đồng, trong khi đó chỉ cạo được khoảng 30kg mủ nên lãi không đáng là bao. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hưng trồng 3ha cao su, cho hay: Năm ngoái, hầu như không ai thu hoạch cao su vì giá quá rẻ. Còn với giá như năm nay, chúng tôi tận dụng công gia đình, thu được 200.000 đồng/ngày.
Vườn cao su ở các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), được người dân khai thác cầm chừng, đợi khi giá mủ lên mới cạo. Trước đây, vườn cao su của ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Đức Bình Đông, được thu hoạch luân phiên theo kiểu Đ2 (cách một đêm thu hoạch một đêm), mỗi ngày thu hoạch 350 cây cho hai thùng mủ. Cách đây 5 năm, số lượng mủ này bán được 400.000 đồng. Nay vườn cây cho mủ kém, ông Tâm cạo mỗi ngày một thùng mủ, bán khoảng 120.000 đồng, kiếm đủ tiền đi chợ, còn dư chút ít thì mua phân thuốc.
Theo UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện có 3.400ha cao su; trong đó, 1.200ha đã cho mủ. Tuy nhiên, hai năm gần đây, giá mủ giảm nên người dân chỉ khai thác cầm chừng. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Nguyên nhân giá mủ cao su giảm là do tác động của thị trường và nhà máy chế biến mủ cao su đặt tại huyện giảm mua mủ. Huyện đã chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân sử dụng công lao động nhàn rỗi trong gia đình cạo mủ cao su để giảm chi phí.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.
Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh.