Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba Của Ông Thái Văn Quận

Mặc dù mô hình nuôi ba ba còn khá mới đối với nông dân huyện Mỹ Xuyên, thế nhưng gia đình ông Thái Văn Quận, ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông đã tiên phong nuôi thử nghiệm mô hình này và hiệu quả rất cao, ước tính thu hoạch đợt này trên 200 triệu đồng.
Năm 2011, ông Thái Văn Quận đã tiến hành thả nuôi 1.000 con ba ba giống trên diện tích 114 mét vuông mặt nước, chia làm 2 ao để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giới tính đực, cái. Sau gần 2 năm chăm sóc, hiện nay ba ba có trọng lượng khoảng 1,3 kg, với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, ước tính thu hoạch đợt này trên 200 triệu đồng. Trên mặt ao, ông Quận thả lục bình với mục đích làm mát. Toàn bộ các ao đều có hệ thống dẫn nước và thoát nước, thức ăn cho ba ba được xay nhỏ từ các loại cá tạp. Ông Quận cho biết: "Bên cạnh nuôi ba ba thương phẩm, tôi còn nuôi ba ba giống, trung bình mỗi con bán 5.000 đồng, đến nay tổng số tiền bán ba ba giống được trên 20 triệu đồng".
Hiện nay, nhiều hộ đã đến tham quan học tập mô hình nuôi ba ba của ông Quận, trong thời gian tới, UBND xã Ngọc Đông sẽ đề xuất với ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên nhân rộng mô hình này, góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi của xã, giúp tăng thu nhập cho nông hộ.
Ông Tăng Thanh Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Đông cho biết: "Để mô hình nuôi ba ba được nhân rộng và đạt hiệu quả cao, bà con cần phải được tập huấn kỹ thuật nuôi, đến khâu chăm sóc và thu hoạch, bởi vì thời gian nuôi kéo dài khoảng 2 năm, cộng với chi phí nuôi khá cao, nhất là về con giống và thức ăn. Hy vọng đây sẽ là mô hình nuôi mới, giúp nông dân huyện nhà có thêm nguồn thu nhập đáng kể".
Có thể bạn quan tâm

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

Thành lập vào năm 2007, tới nay Bệnh viện cây trồng đã mở 6 lớp đào tạo kỹ năng “Bác sĩ cây trồng” với 240 lượt người tham gia.