Công trình đa lợi ích

Là tỉnh phát triển mạnh ngành chăn nuôi, sau 3 năm được hưởng lợi từ dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), người chăn nuôi ở Bình Định đã thấy rõ hữu ích của các công trình khí sinh học (hầm biogas).
Họ nhận định đây là công trình đa lợi ích.
Bình Định là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển rất mạnh với đàn bò 270 ngàn con, đàn heo 760 ngàn con và đàn gia cầm trên 7 triệu con.
Chăn nuôi phát triển, yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra càng trở nên bức bách.
Từ khi được hưởng lợi từ dự án LCASP, ngành chăn nuôi Bình Định đã cơ bản giải quyết được vấn đề này.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT kiêm GĐ dự án LCASP Bình Định, thực hiện dự án từ năm 2013 đến nay, Bình Định đã xây dựng được hơn 4.000 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi nhỏ.
Qua xử lý vi khuẩn, hầm biogas đã mang lại lợi ích lớn.
Ông Nguyễn Đức Thành ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) cho biết, hầm biogas là công trình đa lợi ích, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, người sử dụng còn được dùng chất đốt sạch.
Nông dân còn sử dụng bã thải bón ruộng, còn tốt hơn cả phân chuồng.
“Từ trước đến giờ, nông dân chỉ dùng phân bò làm phân chuồng bón cho cây trồng, không bao giờ dùng phân heo vì nghĩ rằng nó làm phát sinh rầy.
Bây giờ, phân heo đưa xuống hầm biogas, sau khi được phân giải, khi bón cho cây trồng không còn lo ngại gì”, ông Thành chia sẻ.
Ông Đào Văn Hùng giải thích thêm: “Khi đưa phân heo vào hầm biogas, vi khuẩn hiếm khí đều chết tiệt vì hầm biogas chỉ cho phép vi khuẩn yếm khí hoạt động.
Đến khi đưa phân heo từ hầm biogas ra ngoài môi trường, gặp không khí, vi khuẩn yếm khí lại bị tiêu diệt.
Do đó, phân heo từ hầm biogas đưa ra không còn loại vi khuẩn nào tồn tại, bón cho cây trồng rất tốt”.
Hiện người chăn nuôi ở Bình Định có sử dụng hầm biogas ngoài dùng khí thải trong đun nấu, còn biết tận dụng làm điện thắp sáng, chạy lò hấp, chạy máy nước nóng…Đồng thời dùng nước thải hầm biogas tưới cỏ, bắp để nâng cao hiệu quả cây trồng.
Ông Đào Văn Hùng cho biết thêm, qua điều tra tiềm năng, ngành chức năng nhận thấy nhu cầu xây dựng hầm biogas của người dân còn rất cao.
Theo kế hoạch, sau khi Bình Định hoàn thành kế hoạch được giao, BQL dự án các bon thấp Trung ương sẽ tiếp tục cho triển khai trên địa bàn Bình Định đến năm 2018 theo nhu cầu của địa phương.
Như vậy, người chăn nuôi trong tỉnh vẫn còn cơ hội được hưởng lợi từ LCASP.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12/2, Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2014-2015. Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá, tuyển chọn và giới thiệu các giống lúa mới triển vọng đã qua khảo nghiệm có năng suất cao, thích nghi với điều kiện canh tác, giúp nông dân lựa chọn những giống lúa phù hợp trong sản xuất.

Cụ thể hóa mục tiêu này, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã đầu tư hạ tầng cơ sở nhân giống, tạo giống thủy sản, trong đó có Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Được đưa vào hoạt động giữa năm 2012 nhưng do yếu tố khách quan nên đến đầu năm 2013, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai mới bắt đầu triển khai phần việc ương cá giống.

Sau hơn 2 năm mới có dịp quay lại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu vào trồng thành công tại vùng đất này.

Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.

Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.