Hết Nghèo Nhờ Heifer

Sau 3 năm triển khai Dự án "Cải thiện đời sống của nông dân thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình Heifer" ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, 60 hộ đã có cuộc sống ổn định...
Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho biết, tháng 6.2008, Hội ND tỉnh chọn 2 ấp Bình Lợi và Bình Hòa, xã Đức Tân thành lập 3 nhóm, mỗi nhóm 20 hộ chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, có ít đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất tham gia dự án. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1,1 tỷ đồng.
Mỗi năm có 8-10 triệu đồng
Sau khi tập huấn kỹ thuật, mỗi hộ được dự án cho mượn một con bò cái lai Sind, trị giá 6,9 triệu đồng. Chương trình còn hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng để làm chuồng trại, 300.000 đồng làm hố ủ phân, 200.000 đồng để trồng cỏ. Sau 3 năm, các hộ phải trả lại 1 con bò cái cho chương trình để chuyển cho hộ khác nuôi. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay 2 triệu đồng để trồng rau, nuôi cá…
Hàng tháng các nhóm sinh hoạt để nắm tình hình đàn bò, việc sử dụng vốn vay nếu có vấn đề gì sẽ xử lý kịp thời và triển khai công việc thời gian tiếp theo. Ngoài ra, các thành viên còn góp quỹ để thăm hỏi và hỗ trợ nhau khi khó khăn, ốm đau...
Ông Trương Minh Trong- Chủ tịch Hội ND xã Đức Tân cho biết, sau 3 năm triển khai dự án, mỗi gia đình có thêm từ 3 - 4 con bò, trị giá khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nếu nuôi bò tốt, hàng năm mỗi hộ sẽ có thu nhập từ 8 -10 triệu đồng.
Hộ anh Nguyễn Văn Hoa ở ấp Bình Lợi sau khi trả chương trình 1 con, hiện anh còn 4 con bò, tổng trị giá trên 45 triệu đồng, trong đó có 1 đang mang thai. Riêng 2 triệu đồng tiền vay, anh mua vịt về nuôi, bình quân mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa lãi 300.000 - 400.000 đồng, cộng với tiền làm thuê mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng.
Gia đình anh Đỗ Ngọc Ký ở gần nhà anh Hoa là 1 trong 60 hộ tham gia chương trình. Sau khi trả dự án con bò vốn, hiện anh còn 3 con, trong đó 1 con đang mang thai với tổng trị giá gần 30 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ nuôi vịt, đi làm thuê, mỗi tháng anh cũng kiếm thêm khoảng 1,5 triệu đồng.
Thêm nhiều hộ hưởng lợi
Ông Trong cho biết, hầu hết các hộ tham gia dự án đều chí thú làm ăn, đàn bò từ 60 con nay tăng lên 111 con và 56 hộ đã trả bò giống cho dự án. "Hầu hết các hộ tham gia chương trình đều sử dụng vốn vay có hiệu quả và đã thoát nghèo" - ông Trong khẳng định.
Từ thành công của các hộ tham gia dự án, Hội ND tỉnh đang nhân rộng mô hình này. Theo ông Phạm Minh Hùng, hiện nay 56 con bò các hộ trả dự án đã được chuyển cho các hộ khác nuôi, trong đó 7 con đang mang thai. So với ngày đầu triển khai dự án, tổng đàn bò tăng 85%. Bình quân mỗi năm, giá trị bò tăng 380 triệu đồng, mỗi hộ tham gia dự án tích lũy gần 3,2 triệu đồng/năm.
"Chúng tôi dự kiến, sau 3 năm sẽ chuyển chương trình cho 60 hộ kế tiếp, nhất là những hộ có thu nhập thấp, để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Qua thực tế cho thấy, đây là chương trình góp phần xóa nghèo bền vững, cần phải được nhân rộng" - ông Hùng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.

Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.

Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Chuối mô là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm chuối mô cho thu hoạch một lần. Năng suất trồng chuối trên địa bàn xã Bản Cầm đạt 30 – 32 tấn/ha. Hiện, chuối mô trên địa bàn xã chủ yếu được tư thương Trung Quốc thu mua, tổng giá trị thu về hơn 21 tỷ đồng.

Các chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi là tam nông) đã thật sự là “dòng chảy trong lành”, tưới mát và làm khởi sắc những vùng quê.