Thành Phố Bắc Giang Bảo Vệ Thủy Sản Mùa Mưa Bão

Nuôi thủy sản là một trong những lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa ở các xã ngoại thành. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước dâng cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá. Vì vậy, người sản xuất cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi này phát triển bền vững, hiệu quả.
Thiệt hại sau mưa bão
Xã Song Mai có 156 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các thôn Phúc Hạ, Phương Đậu, Bùi, Hà, Muỗng với hơn 300 hộ tham gia. Sản lượng cá ước đạt 1.200 tấn/năm, trị giá khoảng 24 tỷ đồng, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Mặc dù vậy, do ở vùng trũng nên sau những trận mưa dồn dập, diện tích nuôi thủy sản của xã bị ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2013, sau cơn bão số 5 và số 6, 90 ha ao, hồ nuôi thủy sản bị tràn bờ. Xã có 17 thôn thì 7 thôn nằm trong vùng “rốn” nước bị mất trắng tôm, cá. Gia đình bà Nguyễn Thị Được, thôn Bùi có 4,3 ha thả cá ở cánh đồng Trạng, mùa mưa năm trước, nước ngập trắng đồng, 100% diện tích ao, hồ của bà chìm trong dòng nước chừng nửa tháng, ước thất thoát khoảng 6 tấn cá, thiệt hại hơn 120 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, khi nước rút, những chân ruộng vừa nuôi cá vừa cấy, bị nhiễm dịch bệnh. Số cá còn sót lại sau lũ chết nổi trắng ao. Bà Được phải mua 100 lít chế phẩm EM về xử lý môi trường để vụ sau mới thả được cá. Vậy là cả năm lao động, gia đình bà gần như trắng tay vì mưa lũ. Không riêng gia đình bà Được, mùa mưa năm trước, hơn 100 hộ ở Song Mai cũng bị thiệt hại nặng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thân Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn bộ vùng nuôi cá chưa cứng hóa mương tiêu úng, lòng mương lại bị bùn đất lắng đọng, vì vậy thoát nước chậm. Ở những cánh đồng trũng vừa cấy lúa, vừa thả cá, bờ vùng, bờ thửa thấp, dễ bị vỡ khi có mưa lớn.
Nhiều hộ dân chưa có điều kiện đầu tư xây dựng bờ đập kiên cố. Cách chống bão lũ chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế như đắp bờ, vây lưới khi khẩn cấp. Trong trường hợp mực nước sông Thương lên nhanh, mưa lớn kéo dài thì người dân không kịp ứng phó”.
Xã Dĩnh Trì cũng là một trong những vùng nuôi thủy sản tập trung của TP. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, những ngày này, người dân dồn sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kinh nghiệm của các hộ chuyên canh cá cho thấy nếu mưa to sẽ gây ngập úng cục bộ gần 50% diện tích ao, hồ, có thể gây thiệt hại hàng chục tấn cá.
Ông Dương Văn Liền, thôn Rừng Trong chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề gột cá giống. Tuy có sửa sang bờ ao, vây chắn lưới nhưng gặp mưa lớn, nước vẫn tràn ao, cá con trôi mất nhiều vì đây là vùng dộc trũng nên thường ngập sâu. Năm ngoái, tôi mất 6 tạ cá chép giống”.
Hiện nay, xã có 97 ha nuôi thủy sản của hơn 100 hộ, chủ yếu ở các thôn: Cầu, Thuyền, Thành Trung, Rừng Trong… Mùa mưa năm ngoái, 46 ha ao, hồ thả cá bị tràn bờ, nhiều hộ mất trắng như gia đình ông Giáp Văn Đoàn (thôn Thành Trung), Vũ Văn Ninh (thôn Cầu), Nguyễn Văn Chung (thôn Thuyền)…
Được biết năm 2013, TP có 240 ha ao, hồ bị ngập, thất thoát hơn 300 tấn cá. Nhiều vùng do thoát nước kém, một số hộ dân đã bỏ ao, không nuôi thả như ở thôn Trước (xã Tân Tiến), thôn Núm (xã Dĩnh Trì)…
Chủ động đối phó
Hiện nay, TP có gần 600 ha nuôi thủy sản ở các xã Song Mai, Dĩnh Trì, Tân Tiến, phường Đa Mai với tổng sản lượng ước hơn 2.800 tấn/năm. Với tiềm năng này, nguồn lợi thủy sản là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, cho thu nhập khá ở các xã ngoại thành.
Xác định như vậy, TP tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ nguồn thủy sản cho từng hộ dân, xây dựng phương án khẩn cấp đối phó mưa lũ.
Thời gian qua, TP đầu tư gần một tỷ đồng cải tạo hệ thống kênh tiêu Văn Sơn, đoạn chảy từ thôn Cốc đến thôn Riễu (xã Dĩnh Trì) đổ về xã Tân Tiến; tập kết dự phòng hàng nghìn mét khối đất kịp thời ứng cứu bờ vùng, bờ thửa bị lún, sụt.
Trạm bơm Cống Sông chủ động bơm tiêu ra sông Thương, giữ mực nước đệm thấp cho xã Song Mai, phường Đa Mai. UBND xã Song Mai hỗ trợ 40 triệu đồng khơi thông hệ thống thoát nước từ đồng Sòi, đồng Khánh đến Núi Cao, Cống Rụt; cải tạo trạm bơm Trường Xuân chủ động tiêu úng cho 7 thôn Phương Đậu, Vĩnh An, Hà, Muỗng, Nhân Lễ, Đồng, Bùi; vận động các gia đình mua máy bơm tự tiêu nước cho các hồ, đầm nhỏ.
Vùng nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa ở xã Đa Mai vây lưới, gắn tôn quanh bờ không để cá vượt lũ. Chủ động hơn, nhiều hộ dân có kinh nghiệm thu hoạch vét thủy sản từ tháng 5 đến tháng 6 trước khi bắt đầu mùa mưa bão.
Ông Triệu Sơn Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế TP cho rằng: “Để ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại do thiên tai ở các vùng chuyên canh thủy sản, mùa này và những năm tiếp theo, các xã, phường cần khẩn trương rà soát vùng nguy cơ ngập úng, khơi thông hệ thống thoát nước, sửa chữa, vận hành trạm bơm để chủ động giữ mực nước an toàn. Đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất kiểm tra, tu bổ, gia cố bờ đầm, đặt cống xả tràn, vây lưới chắn. Các hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó”.
Bên cạnh đó, sau mưa bão, cần quan tâm vệ sinh, kiểm tra môi trường nước, có biện pháp khử trùng ao, hồ thích hợp để tiếp tục nuôi trồng hiệu quả. Cùng đó, Trạm Khuyến nông TP cử cán bộ theo dõi phòng, chống dịch bệnh cho tôm, cá sau mỗi trận mưa lớn, tránh lây lan, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển thủy sản.
Có thể bạn quan tâm

Phần lớn diện tích lúa đông xuân chính vụ đã xuống giống ở Sóc Trăng đang tập trung ở giai đoạn làm đòng đến trổ bông. Theo ghi nhận của chi cục Bảo Vệ Thực Vật trong tuần qua, các loại dịch hại thường xuyên xuất hiện trên lúa như đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá đều giảm về diện tích cũng như mật số lây nhiễm. Đang chú ý là bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn đòng trổ.

Nhiều năm qua, sản phẩm mận Bắc Hà đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các loại mận trồng ở Bắc Hà (Lào Cai) được “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước luôn là nỗi canh cánh của các cấp, các ngành hữu quan trên “Cao nguyên trắng”.

Đối với các vườn bưởi được trồng hơn 3 năm, năng suất vụ này khoảng 3,5 - 4 tấn/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhà vườn lời hơn 100 triệu đồng. Với việc bưởi đang được giá và hút hàng như hiện nay, nhà vườn trồng bưởi đang kỳ vọng vào mùa bưởi tết thắng lợi. Huyện Long Mỹ có trên 10ha trồng bưởi, tập trung nhiều ở các xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và Thuận Hưng.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để góp phần hạn chế tình trạng tôm chết lan rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống cấp và tiêu nước phục vụ nuôi thủy sản.

Lươn sống ở mương, lạch, nơi đầm lầy, ruộng lúa. Lươn không chỉ là món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng mà theo các thầy thuốc đông y, còn là vị thuốc có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp... Vì vậy, lươn trở thành loại thực phẩm có giá trị cao.