Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chè Cây Cao Góp Phần XĐGN

Chè Cây Cao Góp Phần XĐGN
Ngày đăng: 29/08/2014

Trong khi nhiều gia đình ở 4 xã phía bắc: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình, Sín Chải (huyện Tủa Chùa) đang băn khoăn trong việc nên mở rộng diện tích hay tạm ngừng phát triển trồng chè, vì giá rẻ, sản phẩm khó tiêu thụ thì 2 năm qua, gia đình anh Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải, lại có thu nhập khá từ chè cây cao.

Năm 2013, gia đình anh Chư tự chế biến được 450kg chè khô, bán với giá 200.000 đồng/kg, tổng số tiền thu được 90 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, gia đình anh Chư tự thu hoạch và chế biến, bán cho khách hàng quen trên 300kg chè khô.

Anh Thào A Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải, cho biết: Toàn xã có trên 3.000 gốc chè cây cao, nhưng tập trung nhiều ở các bản: Sín Chải 1, Cáng Tỷ, Hấu Chua... Bản Hấu Chua có 50/100 hộ có chè cây cao, với tổng số gần 1.000 cây, trong đó gia đình anh Hạng A Chư có trên 400 cây.

Hơn 10 năm về trước, người dân trong xã Sín Chải coi chè cây cao như vật kỷ niệm của thế hệ trước để lại cho con cháu hôm nay. Chè được trồng ở xung quanh bản, trên đồi, trên đường liên bản. Tuy nhiên, người dân địa phương chẳng ai sử dụng, vì họ không có thói quen uống chè.

Mặt khác, người dân không biết kỹ thuật thu hoạch, chế biến, bảo quản; địa hình xa xôi cách trở không có người vào thu mua, vì thế chè cây cao ở xã Sín Chải chẳng có giá trị về kinh tế. Mặc dù vậy, hàng nghìn cây chè vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ, bảo vệ từ nhiều chục năm nay.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hạng A Chư, bản Hấu Chua vào ngày đầu tháng 8, hàng chục cây chè cây cao đường kính từ 30 – 50cm trước nhà và hàng chục cây khác của họ hàng, người thân anh Chư mọc sát nhau nom thật thích mắt.

Gia đình anh Chư có số lượng chè cây cao nhiều nhất bản, và nhất xã Sín Chải. Anh Chư nói: Cây chè ở bản Hấu Chua nói riêng, các bản khác trong xã Sín Chải nói chung được trồng từ năm nào không ai biết. Lúc tôi còn nhỏ, chè đã to gần bằng cây bây giờ.

Mấy năm gần đây, tôi và một số người trong bản may mắn được các cơ quan ở huyện Tủa Chùa và sở, ngành ở tỉnh cho đi tham quan mô hình chè ở các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên... tại những nơi này người dân giàu có nhờ trồng chè. Giá chè loại ngon ở các địa phương trên từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Ngoài ra, tôi và một số người dân trong bản được tập huấn nhiều đợt về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè.

Tuy nhiên, qua nhiều lần tự chế biến không đạt, tôi rút kinh nghiệm và học thêm kỹ thuật từ nhiều người khác. Năm 2012, tôi đã biết chế biến chè đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu dùng của thị trường. Hai năm qua, gia đình tôi tự thu hoạch, tự chế biến, vì chè ngon nên khách hàng đến tận nhà mua hết.

Do không có vốn nên tôi chỉ chế biến chè của gia đình, thu mua số lượng nhỏ cho anh em họ hàng, chưa dám thu mua chè cho bà con trong bản, trong xã. Thời gian tới, nếu đầu ra ổn định như hiện nay tôi sẽ đầu tư vốn thu mua chè cho bà con trong bản, trong xã, giúp họ có thêm thu nhập, mạnh dạn sản xuất chè.

Chè chất lượng tốt nên đã có nơi tiêu thụ, biết sản xuất chè theo hướng hàng hóa, đường giao thông đến bản Hấu Chua, đến xã Sín Chải thuận lợi, đây là động lực giúp anh Chư làm giàu chính đáng trên mảnh đất cao nguyên đá đầy gian khó.

Còn quá sớm để khẳng định chè cây cao ở bản Hấu Chua và ở xã Sín Chải sẽ là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng thu nhập từ chè mà gia đình anh Chư có được trong hai năm qua là cơ sở để những hộ dân có chè cây cao hy vọng tăng thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.


Có thể bạn quan tâm

Đổi Đời Nhờ Xích Chi Đổi Đời Nhờ Xích Chi

Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 70km, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi An Bình (xã Thạnh Tiến) là một minh chứng cho sự năng động đó.

28/10/2014
Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Sản Xuất Cà Chua An Toàn Theo Liên Kết Chuỗi Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Sản Xuất Cà Chua An Toàn Theo Liên Kết Chuỗi

Vụ hè thu năm 2014, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương triển khai thực hiện mô hình sản xuất cà chua an toàn (VietGAP) thuộc đề tài khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.

28/10/2014
Vĩnh Châu (Sóc Trăng) Xuống Giống Hành Tím Sớm Vụ Đông Xuân Năm 2014 Vĩnh Châu (Sóc Trăng) Xuống Giống Hành Tím Sớm Vụ Đông Xuân Năm 2014

Theo số liệu từ trung tuần tháng 10 đến nay, nông dân trong thị xã đã xuống trên 100 ha hành tím sớm, rải rác ở một số địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa; trong đó, Vĩnh Phước xuống giống nhiều nhất trên 80 ha. Ngoài các địa phương nói trên thì một số hộ xuống giống vào cuối tháng 9/2014, đến nay hành đã gần 1 tháng tuổi, với hi vọng hành bán được giá cao khi thu hoạch.

28/10/2014
Bệnh Trên Cây Sắn Vẫn Tiếp Tục Diễn Ra Bệnh Trên Cây Sắn Vẫn Tiếp Tục Diễn Ra

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.

28/10/2014
Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

28/10/2014