Hạt điều Việt Nam trở thành ông trùm thế giới
Nếu trước đây một cái máy bóc vỏ lụa mua từ Ý có giá tới 27.000 euro (gần 650 triệu đồng tính theo tỉ giá hiện nay) thì hiện nay doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu hạt điều Việt chỉ phải bỏ ra 250 triệu đồng do sử dụng công nghệ trong nước.
Chính vì vậy hầu hết DN chế biến hạt điều đều sử dụng máy móc trong nước sản xuất.
“Không chỉ tiết kiệm được hàng tỉ đồng chi phí đầu tư máy móc, thiết bị mà điều đáng nói là chất lượng, công nghệ máy móc Việt Nam còn hiệu quả, chính xác không thua kém hàng ngoại” - ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Công ty Khuôn máy Việt, hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tự tin nói.
Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh
Ông Khôi cho biết thêm, ngành chế biến xuất khẩu hạt điều có chín công đoạn thì hiện nay tám công đoạn sử dụng máy móc, thiết bị trong nước.
Điều này hoàn toàn khác với cách đây 4-5 năm.
Khi đó DN điều hầu như phải nhập khẩu 100% máy móc từ Trung Quốc, Ý, Ấn Độ.
Có những loại máy nhập từ Ý giá hơn 1 tỉ đồng, sắm hết chín công đoạn, mỗi DN phải bỏ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đối với những công ty quy mô lớn.
Để khắc phục tình trạng phải phụ thuộc máy móc ngoại, DN điều đã liên kết với các DN cơ khí trong nước nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại máy móc, thiết bị cho các công đoạn chế biến xuất khẩu hạt điều.
Nếu so về giá thành, giá máy móc Việt Nam chỉ bằng 50%-80% giá máy móc nhập khẩu.
“Nhiều loại máy móc do DN Việt chế tạo có thể nói tốt không thua kém các nước trên thế giới, thậm chí có một số tính năng vượt trội hơn các máy móc hiện đại của Ý, Ấn Độ.
Ví dụ như máy bóc vỏ lụa của nước ta tỉ lệ hạt tróc vỏ cao hơn, thổi sạch hơn máy nhập từ Ý.
Máy cắt vỏ hạt điều trong nước độ bung nhân đạt tỉ lệ cao nhất 90%, 10% còn lại là do hạt điều bị dị dạng.
Như vậy có thể nói đạt độ chính xác tới 100%” - ông Khôi khẳng định.
Không chỉ chủ động được công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư máy móc, DN hạt điều còn giảm được chi phí nhân công.
Theo ông Công, hầu như hiện nay các máy móc của công ty đều tự động hóa, độ chính xác cao nên sử dụng lao động rất ít.
Nếu trước đây cần khoảng 100 lao động thì với máy móc trong nước sản xuất chỉ cần 20-30 lao động.
Điều này giúp giảm được nhiều chi phí, giảm được giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Xuất khẩu máy móc “made in VietNam”
Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Công ty Gia Lợi (Long An), nói hiện nay các DN ngành điều đang xuất khẩu ra nước ngoài cả những máy móc có độ chính xác cao như máy sấy, đo độ ẩm, dò kim loại, phân tách màu, phân tách cỡ hạt, khử trùng, đóng gói thành phẩm.
Đặc biệt, nhiều DN ngành điều còn chế tạo những máy móc chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, điều chiên, điều snack… xuất khẩu.
Chính điều này làm tăng giá trị của hạt điều Việt.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết hiện nay có khoảng 10 DN hội viên xuất khẩu được máy móc, thiết bị ngành điều ra nước ngoài.
Chủ yếu xuất khẩu sang châu Phi.
Đáng chú ý, trước đây Việt Nam nhập khẩu máy móc từ Ấn Độ, một trong những nước có công nghệ chế biến điều tiên tiến nhưng giờ nước này lại đi mua máy móc của Việt Nam.
Uớc tính mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 1,3 triệu tấn hạt điều.
Vinacas cho hay để phát triển công nghệ, tăng sức cạnh tranh, hiệp hội có Ban Khoa học công nghệ để liên kết với các DN ngành cơ khí, các viện, trường đại học nghiên cứu cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ trong chế biến hạt điều.
Hạt điều Việt chiếm 50% thị phần thế giới
Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng năm 2015, xuất khẩu điều tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh hầu hết mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta đều giảm sút.
Cụ thể, số lượng nhân điều xuất khẩu đạt 272.000 tấn với kim ngạch gần 2 tỉ USD, tăng 6% về lượng và trên 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo năm 2015 xuất khẩu điều sẽ đạt 2,5 tỉ USD, trong đó nhân điều là 2,3 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng vị trí số một thế giới và chiếm 50% thị phần thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Cuối tháng 10 này, mẻ lúa J02 đầu tiên trồng tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngược tàu ra Bắc báo hiệu một xu hướng mới "Nam sản, Bắc tiêu" cho hạt gạo Nhật.
Với mục đích bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân, chiến lược đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đang là hướng đi mới của tỉnh Cà Mau.
Bằng một quyết định điều chỉnh kịp thời, hợp lý, tỉnh Tuyên Quang đã cứu được hàng ngàn công trình thủy lợi, hồ đập đang kêu cứu, không phát huy hết công năng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Bưởi Diễn là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại tới đối tượng cây trồng này.
Đó là sáng tạo của anh Trần Minh Tiến ở thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương (Hải Phòng). Chỉ đầu tư 16 triệu đồng là có thể lắp đặt hệ thống tưới tự động rất hiệu quả cho 600 m2 vườn đào.