Hàng thủy sản Việt Nam gian nan đường vào siêu thị ngoại

Doanh nghiệp bức xúc
Tại cuộc họp của Câu lạc bộ Hàng nội địa (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam-VASEP) vừa diễn ra, nhiều DN phản ánh: Hệ thống phân phối của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang ép họ chi mức chiết khấu rất cao, nếu không chấp nhận sẽ bị cắt hợp đồng cung cấp hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo một công ty thủy sản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: 20% sản lượng của công ty bán ở thị trường nội địa, trong đó tỷ trọng tiêu thụ qua siêu thị chiếm tới 70-80%.
Tuy nhiên, công ty đang phải chịu chiết khấu tới 20% cho hệ thống siêu thị ngoại.
Thậm chí, có siêu thị yêu cầu chiết khấu 25%.
Không chỉ đòi chiết khấu cao, một số siêu thị ngoại còn yêu sách hưởng mức thưởng lớn.
Lãnh đạo DN này phân tích: Thông thường, siêu thị và nhà cung cấp xây dựng chỉ tiêu thưởng của năm theo thang bậc.
Ví dụ: Nếu năm nay siêu thị bán được 10 tỷ đồng sẽ được thưởng 1%; 11 tỷ sẽ được 2%.
Tuy nhiên, sau 10 tháng đầu năm, dự đoán doanh số bán hàng sẽ không đạt chỉ tiêu trên, siêu thị ép nhà cung cấp phải hạ chỉ tiêu xuống mức tương ứng 8,5-9,5 tỷ đồng để vẫn được hưởng mức thưởng cao.
Ngoài việc chịu mức chiết khấu cao, DN thủy sản hàng năm phải “cõng” thêm vô vàn các khoản phí khác.
Theo VASEP, chi phí này đều tăng liên tục, đơn cử như: Hỗ trợ cho lễ hội khách hàng/1 cửa hàng tăng từ 6,2 triệu đồng (năm 2013) lên 7 triệu đồng (năm 2014); hỗ trợ sinh nhật/1 cửa hàng từ 2,5 triệu (năm 2013) lên 3 triệu (năm 2014); hỗ trợ khai trương siêu thị mới cũng tăng từ 0,5% (năm 2013) lên 1% (năm 2014).
Liên kết – con đường tất yếu
Thực trạng này đang khiến một số DN chuyên xuất khẩu thủy sản muốn chuyển hướng vào thị trường nội địa phải bỏ cuộc vì chi phí quá cao.
Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng khó tiếp cận được với sản phẩm thủy sản Việt chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Công ty Tân Hải Hòa - nhận định: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sự cạnh tranh gay gắt giữa chính các DN nội địa với nhau khiến “người ngoài” dễ dàng lợi dụng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không ít DN mới tham gia thị trường, muốn bán được hàng đã chiết khấu cao cho siêu thị.
Mức chiết khấu này tăng lên theo hàng năm mà ít khi giảm.
Điều này dẫn tới hệ quả, các DN khác cũng bị “vạ lây“.
Nhằm hạn chế tình trạng này, các DN thủy sản đã cùng thành lập Câu lạc bộ Hàng nội địa để tạo tiếng nói chung với các siêu thị.
Trước mắt, các DN thống nhất không đồng ý hạ chỉ tiêu thưởng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, để tránh phụ thuộc vào hệ thống phân phối, DN cần tạo thương hiệu riêng, đồng thời bán hàng ở nhiều kênh khác nhau.
Một số siêu thị nước ngoài đã gửi đề nghị tới DN thủy sản tăng mức chiết khấu từ 0,75 đến 1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015, dù mức chiết khấu trước đó đã ở mức 10-25%.
Chưa kể, những siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20 đến 35% so với giá bán của nhà cung cấp.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), trong phiên đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của NFA ngày 15/9, Thái Lan đã đưa ra mức giá thấp nhất để chào bán 300.000 tấn gạo với giá 475 USD/tấn, trong khi Việt Nam chào bán 400.000 tấn gạo với mức giá cao hơn là 479 USD/tấn.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam do mải "chạy đua" về thứ hạng xuất khẩu nên đã không chú ý đến nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, hạn chế của các mặt hàng nông sản xuất khẩu là chủ yếu xuất thô, chất lượng hàng hóa không đồng nhất khiến cho đối tác không tin tưởng và thường xuyên ép giá.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 41.000 ha cây trồng vụ hè thu, đạt gần 55% so với diện tích gieo trồng. Những địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh như Chư Jút: 11.500 ha/15.970 ha, Krông Nô: 11.500 ha/16.778 ha…

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với Công ty Nestle’ Việt Nam hỗ trợ 50% giá mua cà phê giống cho người dân tại các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư quy định danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015, thay thế Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2012 của Bộ NN&PTNT ban hành.