Hà Nội Tiếp Tục Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Vùng Trọng Điểm
Sáng 22/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn TP năm 2014.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư đã tạo chuyển biến tích cực trong kinh tế của các địa phương, góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đến nay, toàn TP đã phát triển ổn định được 69 xã và 15 vùng chăn nuôi trọng điểm, cùng 2.924 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện chiếm tỷ lệ 40,5% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn TP. Trong những năm qua, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư tiếp tục có sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được TP quan tâm. Ngoài những chuỗi liên kết do các doanh nghiệp chăn nuôi gia công, TP hiện đang tổ chức liên kết 19 chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng chục sản phẩm chăn nuôi như: Sữa Ba Vì, trứng gà 729, gà đồi Sóc Sơn,…
Dù liên tục tăng trưởng khá và hiện đứng trong tốp đầu cả nước về tổng đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm của thị trường Hà Nội. Việc phát triển chăn nuôi theo các vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư đang vấp phải trở ngại lớn do người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất. Các chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao vào các khu chăn nuôi tập trung còn thiếu; đồng thời, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi theo chuỗi chưa đạt hiệu quả mong đợi, do trình độ tiếp cận của người nông dân hạn chế,…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá cao những hiệu quả tích cực từ Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư, nhất là đối với việc nâng cao đời sống cho người nông dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng nhắc nhở ngành chăn nuôi cần thẳng thắn nhìn nhận, năng suất và chất lượng sản phẩm của TP còn thua kém nhiều so với một số nước phát triển. Để chăn nuôi tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đề nghị, các đơn vị tiếp tục tham mưu, làm tốt công tác quy hoạch, tiến tới mở rộng các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm và ngoài khu dân cư; Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững; Chú trọng đào tạo kiến thức cho người nông dân, nhất là áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi theo chuỗi.
Đối với bài toán vốn, Phó Chủ tịch cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất về việc sử dụng nguồn ngân sách từ các Quỹ Tín dụng Nhân dân, Quỹ Khuyến nông TP, nhằm hỗ trợ và khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2015, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trên 254 ngàn con, tăng 3,26% so cùng thời điểm năm 2014. Đàn heo tăng chủ yếu ở Hàm Tân và Đức Linh, đây là 2 địa phương có quy mô nuôi khá lớn, chủ yếu là loại hình chăn nuôi trang trại và gia trại (Đức Linh tăng 13,3% và Hàm Tân tăng 11,03%).
Hiện ở nhiều vùng quê, nông dân đang phát triển, nhân đàn trâu, bởi thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Để nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi trâu hàng hóa, việc đảm bảo nguồn giống chất lượng đóng vai trò quan trọng nhằm tăng sản lượng thịt. Đây là yêu cầu cấp thiết cho nghề chăn nuôi trâu phát triển bền vững.
UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm đầu tư Dự án Chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn tỉnh do Công ty Cổ phần Đầu tư chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Bạc Liêu đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi vịt xiêm Pháp theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót Balasa, với quy mô 500 con vịt xiêm Pháp, tại 5 huyện Giá Rai, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Hồng Dân.
Nuôi tôm hùm xuất khẩu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao được ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư nhân rộng.