Chăm Gia Cầm, Thủy Sản Chờ Sau Tết
Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội và cưới hỏi. Với nhiều hộ chăn nuôi gia cầm và thủy sản ở tỉnh Bắc Giang thì đây là mùa làm ăn. Vì thế, thời điểm này, vừa thu hoạch sản phẩm bán Tết, các hộ vừa tập trung chăm sóc đàn gia cầm và ao cá để bảo đảm nguồn cung ra Giêng.
Nhạy bén nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhung, phố Bà Ba, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) nuôi gà đã nhiều năm nay, lúc nào trong chuồng cũng có hàng nghìn con gà. Gia đình ông vừa bán hơn 1.000 con với giá 75 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 15 triệu đồng. Ông Nhung cho biết: “Hiện nhà tôi còn 1.500 con gà gần 3 tháng tuổi để bán sau Tết. Để phòng bệnh cho gà khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại, tôi tiêm đầy đủ vắc-xin, rải đệm lót sinh thái dưới nền chuồng và đốt lò sưởi để giữ ấm; thường xuyên quét dọn sạch khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng để diệt mầm bệnh, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng và chất khoáng nhằm tăng sức đề kháng”. Nhiều hộ dân khác ở Yên Thế cũng đang tập trung chăm sóc đàn gà để cung cấp ra thị trường dịp sau Tết.
Bên cạnh đó, đón bắt nhu cầu mua gà giò làm lễ, cúng Rằm tháng Giêng nên ngay từ tháng 9 dương lịch năm trước, nhiều hộ dân vào đàn nuôi toàn gà trống. Ông Hoàng Văn Bốn, thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm (Yên Thế) nói: “Năm nào gia đình tôi cũng nuôi 1.000 con gà trống để bán làm lễ sau Tết. Loại gà này được 3-4 tháng là trổ mã rất đẹp, mào nở to, đỏ rực, đuôi cong, lông đỏ, chân vàng óng và nhỏ, nặng từ 1,8 -2 kg/con. Giá bán cao hơn các loại gà khác cùng thời điểm từ 7-10 nghìn đồng/kg”.
Tuy nhiên, theo ông Bốn, so với gà mía lai, gà mào chậm lớn nên ông phải phối trộn cám ngô với rau làm thức ăn để giảm chi phí. Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết: Sau Tết Nguyên đán, toàn huyện bán gần 1 triệu gà thương phẩm, trong đó 50-60 nghìn con bán vào Rằm tháng Giêng”.
Tìm hiểu tại một số huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động, ngoài nuôi gà thương phẩm, nhiều hộ còn nuôi gà chọi để đa dạng chủng loại, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Điển hình như nhà ông Nguyễn Văn Thuật, xã Hương Lạc; Nguyễn Văn Khôi, thôn Đồng Cống, xã Tân Thanh (Lạng Giang) dịp này đang nuôi từ 30-50 con gà chọi bán ngoài Tết. Bà Nguyễn Thị Oanh, chuyên kinh doanh gà ở chợ Hà Vị (TP Bắc Giang) nói: “Để có gà trống đẹp, cân nặng đồng đều từ 1,8-2 kg/con, tôi đã đến nhiều hộ ở huyện Yên Thế, Lạng Giang đặt cọc trước. Gà ngon, nuôi 4-5 tháng bao giờ cũng có giá hơn 100 nghìn đồng/kg”.
Nguồn cung thủy sản dồi dào
Cũng như gia cầm, sau Tết, cá là loại thực phẩm được tiêu thụ mạnh và thường được giá vì phần lớn các hộ đã thu hoạch từ trong năm để tránh thất thu do rét. Chớp thời cơ này, tại các vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã Nghĩa Trung (Việt Yên), phường Đa Mai (TP Bắc Giang), nhiều hộ có ao sâu, kín gió, thuận tiện nguồn nước đã lưu cá qua đông để đánh bắt vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch.
Bà Dương Thị Tân, tổ dân phố Thanh Mai, phường Đa Mai cho biết: “Cuối năm nước ao thường bị cạn trong khi nhiệt độ xuống thấp nên cá chậm lớn, dễ chết rét vì thế tôi chọn ao có mực nước sâu để dồn cá nuôi qua tết; tranh thủ ngày nắng ấm, khử trùng nước ao, cung cấp đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tránh dịch bệnh. Sau Tết, tôi dự kiến thu hoạch 10 tấn cá”.
Dự kiến ngay sau Tết, toàn tỉnh thu hoạch 2.000 tấn cá thương phẩm các loại, bán ra thị trường khoảng 2 triệu con gà.
Cá được lưu qua đông chủ yếu là những giống chịu rét tốt như: Trắm cỏ, chép lai, rô phi… Khai thác lợi thế ở các hồ, đập thủy lợi có mực nước sâu như: Hồ Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, hồ đập Va, xã Đông Phú (Lục Nam), hồ suối Cấy, xã Đồng Hưu (Yên Thế), nhiều hộ dân liên kết nuôi cá thu hoạch ngoài Tết, ước 30-40 tấn cá/hồ/lứa.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Với nguồn cung dồi dào như hiện nay, lượng gà và cá bảo đảm đủ nguồn thực phẩm cho thị trường trong và sau Tết. Thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập một số đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tránh rét cho vật nuôi”.
Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng Hai dương lịch có khả năng xảy ra 3-4 đợt không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, thời tiết mưa nhỏ, kèm theo giá rét.
Theo Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), với điều kiện thời tiết như vậy, dịch cúm gia cầm, tụ huyết trùng trên gà dễ bùng phát; cá hay mắc bệnh đốm đỏ, nấm thủy mi. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, giữ ấm cho gà và thủy sản; cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Thời tiết chuyển mùa, cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc phòng bệnh, sử dụng máy sục để tăng lượng ô -xi trong ao.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ liên tục trúng đậm cá cơm, 1 tàu cá thu về hàng chục triệu đồng mỗi đêm
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Trà Vinh có khoảng 8.500 hộ thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm giống trên diện tích khoảng 5.500ha bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.
Theo Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ cung ứng hơn 250.000 tấn đạm cho vụ Đông Xuân, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân bón của cả nước.
Khoảng nửa tháng nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục tăng, thị trường trở nên sôi động, nhiều thương lái không ngại khó khăn len lỏi tận vùng nông thôn tìm mua dừa.
Tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, hàng chục điểm bán nho được bày bán với giá siêu rẻ. Những người bán thừa nhận đây là nho Trung Quốc nhưng đề bảng nho Mỹ cho dễ bán.