Hà Nội Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghệ Cao
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội: Hà Nội hiện là một trong 10 địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với tổng đàn lợn 1,42 triệu con, đàn gia cầm thủy cầm trên 23 triệu con, đàn trâu bò gần 160.000 con.
Năm 2013, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 52,1% tỷ trọng trong nông nghiệp. Để chăn nuôi có bước phát triển hiệu quả, công tác nâng cao chất lượng con giống được ngành nông nghiệp Hà Nội đặt lên hàng đầu.
Từ cải tạo đàn gia súc
Nhìn lại trước năm 2009, với tổng đàn bò sữa trên địa bàn TP 7.000 con nhưng chất lượng giống thấp, sản lượng sữa chỉ đạt dưới 4.000 lít/chu kỳ/con (305 ngày). Bò Holstein Friesian HFF3 đạt dưới 35%, còn chủ yếu bò HFF1, HFF2 chiếm trên 60%. Bò sữa thuần chủng, số lượng quá ít với tỷ lệ dưới 5%.
Nhưng 5 năm trở lại đây, TP đã triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ nhập giống bò sữa ngoại và mua bò cái sữa HFF2 trở lên, phối tinh bò sữa nhập ngoại, tinh phân ly giới tính...
Đến nay, số lượng và chất lượng đàn bò sữa đã được cải thiện đáng kể, được người chăn nuôi đánh giá cao với tổng đàn đạt trên 13.000 con, tỷ lệ bò cái HFF3 chiếm trên 65%, bò thuần chủng đạt trên 10%. Năng suất sữa bình quân hiện tại đạt 4,5 tấn/con/chu kỳ.
Không chỉ với bò sữa, đối với đàn bò thịt, một số giống bò chất lượng cao được tập trung đưa vào trên nền bò lai Sind thời gian qua là bò Droughmater, Brahman, bò BBB (Blanc - Blue - Belgium), Angus… Để khuyến khích việc đưa các giống bò này vào thực tiễn sản xuất, TP đã có chính sách hỗ trợ miễn phí cho người chăn nuôi khi áp dụng phương pháp lai thụ tinh nhân tạo (TTNT).
Đồng thời tăng cường các hình thức tuyên truyền, tập huấn đến người dân, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề cao để thực hiện tốt công tác TTNT bò. Đến nay, đa số người chăn nuôi đã áp dụng phương pháp TTNT cho bò. Chỉ tính riêng trong năm 2013, gần 20.000 bê lai chất lượng cao được sinh ra, cho hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với các giống bò cũ.
Trong chăn nuôi lợn, trước đây, người dân vẫn chủ yếu sử dụng các giống lợn địa phương, vừa tiêu tốn thức ăn, chất lượng thịt xẻ lại thấp. 5 năm qua, TP tập trung việc cải tạo và phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến. Đến nay, chất lượng giống lợn có bước chuyển biến tích cực, với số lượng đàn nái đạt 153,7 ngàn con.
Các giống lợn ngoại hiện nay gồm Pidu, Pietrain, Duroc, Yorkshire, Landrace… cho năng suất, chất lượng tăng rõ rệt. Một số cơ sở sản xuất giống lợn chất lượng cao hiện đang có uy tín như trang trại của ông Nguyễn Đắc Cử ở Sơn Tây, ông Nguyễn Văn Thanh ở Ứng Hòa. Đây là những cơ sở với trang trại quy mô hàng ngàn lợn giống ông, bà nhằm cung cấp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận.
Đến nâng cao chất lượng giống gia cầm
Về chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, nét nổi bật trong những năm qua là tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; cùng với việc duy trì và phát triển các giống bản địa như giống gà ri, gà Mía, vịt cỏ… Các giống nhập nội chủ yếu là gà bố mẹ, đến nay đã sản xuất 54.702.980 con giống/năm, trong đó trại giống của nước ngoài 96.000 con; các công ty trong nước 349.000 con; các trang trại 64.000 con; nông hộ 64.300 con…
Trong chăn nuôi nông hộ, từ năm 2012, TP đã đưa giống gà kiêm dụng thịt - trứng từ Cộng hòa Séc là Dominant Patridge (thường gọi là gà D300). Đến nay đã cho hiệu quả rõ rệt, đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi cũng như thị hiếu người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Tích Phương ở Chương Mỹ đã được nhiều người chăn nuôi gà biết đến từ việc cung cấp giống gà D300 này. Về thủy cầm, chủ yếu tập trung chủ yếu ở một số huyện như Phú Xuyên, Thường Tín. Đến nay tổng số đàn thủy cầm là 12.780 con, sản xuất 700 ngàn con giống/năm, cung cấp cho 31 tỉnh, thành...
Công tác nâng cao chất lượng giống 5 năm qua đạt được hiệu quả trên do TP có chính sách phù hợp, bên cạch đó ngành nông nghiệp Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn đến người dân. Hàng năm, đã có hàng ngàn lượt người chăn nuôi được tập huấn, hàng trăm cán bộ kỹ thuật được đào tạo nghề TTNT chuyên sâu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng giống vật nuôi trong 5 năm qua trên địa bàn TP cũng gặp không ít khó khăn như sự quan tâm của các cấp, các ngành ở một số địa phương chưa thật sự được chú trọng. Phương thức chăn nuôi hiện còn trên 60% là nhỏ lẻ, giá cả thị trường, thức ăn chăn nuôi, giá giống quá nhiều biến động, không ổn định.
Đặc biệt công tác quản lý giống, việc giám định bình tuyển bò chưa được triển khai đồng bộ, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất giống chất lượng cao. Việc xuất, nhập, lưu thông con giống quản lý còn thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phát triển giống trên địa bàn TP.
Để công tác phát triển giống tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, với bò sữa cần áp dụng thí điểm cấy phôi, tăng số lượng bò được áp dụng bằng tinh phân ly giới tính; với bò thịt, đưa tiếp một số giống như bò Charolais, Angus, Lymousine…
Với lợn và gia cầm, tập trung giữ các giống bản địa nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó tập trung xây dựng các vùng, các xã trọng điểm chuyên canh sản xuất giống nhằm đáp ứng phát triển giống tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh, thành.
Xây dựng nhãn hiệu thương hiệu về chất lượng giống để tạo sự phát triển bền vững, hiệu quả. Đây cũng là một xu thế tất yếu của Thủ đô phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 4/12/2014, tại xã Mađaguôi (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cùng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup (nhà tài trợ chính của gói hỗ trợ trao bò cho hộ nghèo), trao 68 con bò giống cái giúp 68 hộ nghèo ở các xã Mađaguôi, Đạ Tồn, Đạ Oai và thị trấn Mađaguôi.
Tốt nghiệp Trung cấp Hàng Hải, sau 3 năm làm thủy thủ, Trần Bá Tuấn (27 tuổi) quyết định quay về quê hương xây dựng trang trại chăn, mang lại lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm.
Năm nay, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã dành 145 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng cỏ VA 06 phục vụ phát triển chăn nuôi trâu, bò tại 3 xã Xuất Hoá, Miền Đồi, Chí Đạo quy mô mỗi xã 3 ha với hơn 60 hộ tham gia, trong đó huyện trích ngân sách 75 triệu đồng, Chương trình 135 hỗ trợ 70 triệu đồng.
Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc HTX Khoai lang Tân Thành (Bình Tân - Vĩnh Long) cho biết: Hiện khoai lang tím Nhật có giá 620.000 đ/tạ, tăng gần 200.000 đ/tạ so với tháng trước, khoai lang trắng cũng có giá 370.000 đ/tạ.
Việc nuôi cua xanh kết hợp tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh đang mang lại hiệu quả cao tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).