Nuôi gà làm giàu
Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi gà của anh Tây, là Bí thư Chi đoàn khu vực 9, phường Châu Văn Liêm (Ô Môn, TP Cần Thơ), nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, cách trung tâm quận Ô Môn hơn 3 km.
Lúc này, anh Tây đeo khẩu trang kín mặt, mang bao tay đang ở bên trong chuồng gà làm vệ sinh. Sau một hồi, anh đem mấy chục cái máng nhựa đựng thức ăn, nước uống cho gà đem đi rửa sạch. Tiếp đến anh mới đem trở vào vị trí ban đầu rồi đổ thức ăn, nước uống cho gà.
Từ bên trong chuồng gà, anh Tây nói: “Cần phải làm vệ sinh chuồng thật kỹ, rửa từng máng đựng thức ăn để tránh nhiễm bệnh. Hơn nữa, tôi phải quan sát biểu hiện của từng con gà xem có dấu hiệu bất thường không để còn ngăn ngừa”.
Anh Tây là con út trong gia đình 8 anh em, do hoàn cảnh khó khăn nên anh học hết lớp 10 rồi dừng lại để lo phụ giúp gia đình. Năm 22 tuổi, anh Tây trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được phân công làm nhiệm vụ ở Lữ Đoàn Công binh 25 thuộc Quân khu 9 đóng tại tỉnh Vĩnh Long.
Anh Tây kể: “Ở đây, cha mẹ làm ruộng mấy chục năm mà vẫn chưa thoát cảnh nghèo. Hơn nữa, hàng xóm cũng chỉ làm những mô hình nhỏ lẻ không có gì mới để học tập. Trong khi bản thân muốn vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình”.
Với kiến thức và tính kỷ luật nghiêm túc trong công việc, anh đi khắp các tỉnh ĐBSCL tham quan nhiều mô hình khác nhau để học hỏi. Năm 2011, trong chuyến đi thăm nhà bà con ở Hậu Giang thấy mô hình nuôi gà thả vườn có hiệu quả là nhẹ chăm sóc mà thời gian thu hoạch sớm, phù hợp với khả năng của mình nên mua về nuôi thử.
Để có được vốn đầu tư, anh Tây được Đoàn phường giới thiệu ngân hàng chính sách quận cho vay 20 triệu đồng về xây dựng chuồng trại. Sau đó, anh mượn thêm của người thân 30 triệu nữa để mua 500 con giống từ bên tỉnh Bến Tre và thức ăn để nuôi.
Anh Nguyễn Mai Độ, Bí thư Đoàn phường Châu Văn Liêm nhận xét, đây là một trong những mô hình làm kinh tế hiệu quả do đoàn viên làm chủ từ nhiều năm nay. Anh Tây không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều thanh niên khác trong phường học tập. |
Trong quá trình nuôi, anh học lớp tập huấn kỹ thuật SX nông nghiệp, nghe quy trình, kỹ thuật nuôi gà. Vụ đầu, sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch có lãi trên 30%.
Từ thắng lợi ban đầu, năm sau anh đầu tư xây dựng thêm 1 chuồng nữa với diện tích gần 100 m2 để nuôi gần 1.000 con gà. Ban ngày, anh thả rong cho chúng đi lại trên nền đất sạch sẽ, thoáng mát bao lưới xung quanh, tối cho vào chuồng ngủ.
Nói về kinh nghiệm nuôi, anh Tây chia sẻ: “Gà rất khó nuôi bởi nếu khi gặp trời lạnh sẽ bị bệnh, bỏ ăn mà không biết cách trị thì gà sẽ bị chết. Vì thế, nên cần phải theo dõi thường xuyên kể cả ngày lẫn đêm.
Ban đầu, khi thấy triệu chứng là báo ngay cho kỹ sư ở Trạm Thú y quận xuống hỗ trợ. Dần dẫn tích lũy kinh nghiệm, học tập thêm từ thực tế nuôi và nghiên cứu sách, báo nên giờ đã yên tâm không phải lo về quy trình, kỹ thuật”.
Năm 2014, anh xuất chuồng được 7 đợt với gần 6.000 con gà thịt, bán với giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 150 triệu đồng. Theo anh Tây tính toán, trung bình giá thành nuôi 1 con đến khi bán là khoảng gần 70.000 đồng.
Vì thế, nếu giá như hiện nay (70.000 đồng/kg) mà nuôi không đạt 1 con từ 1,3 kg trở lên thì coi như từ huề đến lỗ. Hiện tại, trong chuồng có 500 con gà thịt đang chuẩn bị bán, trọng lượng từ 1,2 - 1,6 kg. Tuần sau bán xong lứa này anh sẽ mua thêm 800 con để nuôi mới.
“Hiện nay thị trường gà đã bão hòa, không còn hút hàng như những năm trước nên không tăng số lượng mà duy trì nuôi ổn định là mỗi đợt khoảng 1.000 con để cung cấp cho bạn hàng quen thuộc của mình”, anh Tây nói.
Ngoài diện tích lúa 0,4 ha gia đình đang trồng hằng năm, sang đầu năm 2015 này, anh còn trồng thử nghiệm trồng 0,4 ha dưa hấu đang phát triển tốt.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện các tỉnh phía Nam có nhiều diện tích cây ăn trái như dừa, bưởi… đang đối diện với dịch bệnh đục trái. Đây là loại dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam bị cấm xuất rau, trái sang một số thị trường trong một thời gian dài.
Khoảng giữa tháng 4 đến nay, cá, tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra dịch bệnh và chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; khiến hàng trăm hộ nuôi ăn không ngon ngủ không yên.
Vài năm gần đây nông dân xã Phú An (Cai Lậy - Tiền Giang) chọn cây chanh bông làm cây trồng chủ lực trong chuyển đổi kinh tế vườn, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng chanh bông tím, trong đó có ông Nguyễn Văn Tám ở ấp 6.
Chi cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) vừa xây dựng mô hình nuôi cá thâm canh tại ba xã: Hồng Thái, Trung Sơn, Quang Châu (Việt Yên) với tổng diện tích 11ha.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL vừa mới diễn ra.