Giúp Nông Dân Trồng Lúa Tiếp Cận Giống Xác Nhận
Vụ hè thu 2014, ở ĐBSCL có 8 đơn vị tham gia triển khai mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại ĐBSCL với diện tích canh tác 544,3 ha thuộc mô hình và 2.995 ha huy động thêm từ các nông hộ. Các mô hình đã cung cấp 17.775 tấn lúa giống cấp xác nhận phục vụ sản xuất lúa thu đông 2014 và đông xuân 2014-2015.
Việc phát triển và hoàn thiện mô hình trong giai đoạn 2014-2015 sẽ là tiền đề để các nhà làm công tác giống, ngành nông nghiệp các địa phương nâng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của ĐBSCL lên 50% diện tích vào năm 2016 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Thành công bước đầu
Từ vụ lúa hè thu năm 2014, Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại ĐBSCL" chính thức được triển khai.
Theo đó, giai đoạn 2014-2016, Viện Lúa ĐBSCL sẽ đóng vai trò chủ trì thực hiện dự án trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung ứng hạt giống lúa thuần có phẩm cấp, nâng diện tích sử dụng hạt giống xác nhận, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Theo Trần Ngọc Thạch, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong 3 năm triển khai, dự án đặt ra mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất giống tại 10 tỉnh ở ĐBSCL với tổng diện tích 2.090ha, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha với tổng sản lượng 10.000 tấn giống đạt cấp xác nhận.
Phấn đấu đến năm 2016, diện tích sản xuất giống từ mô hình và từ nguồn vốn huy động của các đơn vị tham gia sẽ duy trì ở mức 10.000ha với khả năng cung cấp trên 50.000 tấn giống, đảm bảo tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của vùng đạt 50% diện tích khi dự án kết thúc.
Ông Đoàn Văn Bấu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (bìa phải) giới thiệu mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao vụ hè thu 2014.
Các đơn vị trực tiếp tham gia dự án chủ yếu là DN, các Trung tâm giống ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Hợp tác xã sản xuất giống. Mỗi héc-ta trực tiếp tham gia mô hình sẽ được dự án tài trợ 2,52 triệu đồng và 80 kg giống lúa cấp nguyên chủng. Ngoài năng lực sản xuất sẵn có, các đơn vị này sẽ huy động thêm các nông hộ tham gia với tỷ lệ 1:4 (1 ha trong mô hình và 4 ha huy động tăng thêm).
Các đơn vị tham gia huy động phần diện tích tăng thêm bằng nhiều hình thức như Công ty Giống Cây trồng Miền Nam, các Trung tâm Giống Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đầu tư cho nông dân ngoài mô hình và thu mua lại lúa giống với điều kiện nông hộ sản xuất giống phải tuân thủ quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của đơn vị và đảm bảo chất lượng hạt giống khi kiểm định, kiểm nghiệm.
Hay như Trung tâm Giống Trà Vinh, Trung tâm Giống Sóc Trăng và HTX Giống Thốt Nốt hỗ trợ nông dân ngoài mô hình về kỹ thuật sản xuất giống, kiểm định chất lượng trên đồng ruộng, giới thiệu người có nhu cầu giống đến liên hệ để mua lúa giống.
Đặc biệt, Công ty Agimex An Giang sản phát triển diện tích sản xuất giống ngoài mô hình bằng cách cung cấp giống nguyên chủng cho nông dân sản xuất ra giống xác nhận và ký hợp đồng bao tiêu lại toàn bộ sản phẩm để cung cấp lại cho nông dân trong vùng nguyên liệu lúa hàng hóa phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu.
* Cân đối cung cầu giống lúa
Mục tiêu chính của Dự án là nâng cao năng lực và kỹ thuật sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận 1 cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Đồng thời phát triển và nhân rộng diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận trong sản xuất lúa đại trà để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao phẩm chất lúa hàng hóa.
Ông Đoàn Văn Bấu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa, cho biết: "Vụ hè thu vừa qua, HTX tham gia mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao với diện tích 40ha và 22 nông hộ tham gia. Sau khi lúa giống được thu hoạch, 70% sản lượng sẽ phục vụ cho nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa của hợp tác xã và nông dân tại địa phương. 30% còn lại sẽ đóng bao và bán ra thị trường".
Theo ông Đoàn Văn Bấu, khi tham gia dự án, điều mong mỏi nhất của bà con là được ngành nông nghiệp, các nhà khoa học hỗ trợ thông tin định hướng thị trường lúa giống để tránh tình trạng cung vượt cầu hoặc sản xuất giống này nhưng nông dân lại gieo sạ giống khác".
Cân đối cung cầu giống cấp xác nhận cũng là bài toán mà ngành nông nghiệp, các nhà làm công tác giống đang băn khoăn bởi việc sản xuất theo định hướng thị trường còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, quá nhiều loại giống đưa vào sản xuất khiến nông dân không biết chọn lựa giống nào để sử dụng cho phù hợp. Trong khi thị hiếu của nông dân về giống cũng khiến người sản xuất giống băn khoăn không thể sản xuất giống đón đầu thị trường.
Vì thế việc xã hội hóa công tác giống cần huy động tốt sự tham gia liên kết giữa DN và nông dân sao cho chặt chẽ để DN đặt hàng giống lúa nào cần sản xuất và tổ chức bao tiêu cho nông dân để phục vụ nhu cầu lúa giống đưa vào gieo sạ đại trà.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Để việc vận động mở rộng diện tích sản xuất ngoài mô hình của các đơn vị tham gia dự án đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho phần diện tích sản xuất giống huy động thêm ngoài mô hình với 50% giống lượng nguyên chủng, 100% phí cho kiểm nghiệm, kiểm định và bao bì.
Các đơn vị tham gia dự án cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất giống và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chế biến hạt giống. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lúa hàng hóa liên kết bao tiêu lúa giống cho các đơn vị tham gia mô hình để ổn định đầu ra".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, việc nâng dần tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận là yêu cầu cấp bách để xóa dần khoảng cách về năng suất lúa giữa các địa phương.
Để Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại ĐBSCL" cơ quan chủ trì đề tài cần huy động sự tham gia tích cực của các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh giống, doanh nghiệp và nông dân.
Đồng thời giao Cục Trồng trọt rà soát, xác định cơ cấu giống chủ lực và giống bổ sung cho từng vùng, từng địa phương để làm cơ sở xác định nhu cầu giống, loại giống cần sản xuất.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo tập huấn cho nông dân gieo sạ bằng giống xác nhận. Như vậy, diện tích gieo sạ bằng giống xác nhận ở ĐBSCL mới đạt tỷ lệ như mong muốn và các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống lúa mới tìm được đầu ra ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Ớt chỉ thiên trồng được quanh năm, sau 2 tháng rưỡi thu hoạch, năng suất từ 15- 20 tấn/ha/vụ. Từ năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm đã có kế hoạch thực hiện mô hình trồng ớt tại 10 xã với 25ha. Qua vận động trồng được 8ha, so canh tác 3 vụ lúa/năm, ớt chỉ thiên cho lợi nhuận cao hơn 3- 4 lần.
Trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên gọi trái lý gai. Hạt giống trái này được mang đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước New Zealand vào năm 1904. Năm 1958, New Zealand chính thức lấy tên là kiwi từ loài chim kiwi tiêu biểu của đất nước này. Thực tế nơi trồng nhiều kiwi không phải là New Zealand, nhưng kiwi của New Zealand lại là loại số 1 thế giới.
Dù kim ngạch xuất khẩu thanh long tiếp tục có sự bứt phá ấn tượng ở hầu hết các thị trường, nhưng người nông dân đang được khuyến cáo phải tập trung vào chất lượng của trái để tránh rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như bài học đối với dưa hấu đầu năm nay
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).
Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...