Giúp Nông Dân Tăng Thêm Thu Nhập
Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh phân cấp quản lý dạy nghề nông thôn về cho địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động trong việc quản lý, dạy nghề cho nông dân nhưng cũng là khó khăn cho địa phương vì chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện.
Trao đổi vấn đề này với cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai, được biết, trên cơ sở từ chủ trương chung, Phòng đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2014.
Trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề, huyện đã lập kế hoạch nhu cầu đào tạo nghề của người dân ở từng thôn làng, sau đó tổ chức tuyên truyền, dựa trên nhu cầu học nghề của người dân và phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp mở lớp.
Với quy trình như vậy, đến thời điểm trung tuần tháng 7-2014, huyện Ia Grai đã mở được 9/19 lớp thuộc hai nhóm nghề: nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Tại lớp học trồng chăm sóc thu hoạch tiêu ở xã Ia Pếch, anh Siu H’Lét, làng Sa Hâu, cho biết: Thời gian gần đây, một số hộ trên địa bàn xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tiêu. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng, chăm sóc trên cây tiêu của bà con chỉ là học hỏi những người đi trước. Vì thế, được học nghề là cơ hội tốt cho bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc cây tiêu để tiêu đạt chất lượng và cho năng suất cao.
Còn anh Ping, xã Ia Chía tham gia lớp học sửa chữa máy cày công suất nhỏ, tâm sự: Gia đình tôi mới mua được chiếc xe công nông, trước đây chưa tham gia lớp học nghề này nên không nắm được quy trình vận hành máy. Bây giờ được học, khi về làng mình sẽ phát huy và sống được bằng nghề, bởi ở các làng trong vùng có rất nhiều máy nông nghiệp.
Tại xã Ia Dêr, lớp học trồng rau sạch được các thầy, cô trường Cao đẳng nghề Gia Lai dạy cho chị em ngay trên ruộng rau. Theo quan sát của chúng tôi, bà con dân tộc thiểu số xã Ia Dêr rất có ý thức trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau.
Hầu hết ruộng rau của bà con chủ yếu là bón phân bò trộn lẫn trấu, thuốc bảo vệ thực vật dùng rất ít. Chính vì thế, rau của các hộ dân ở xã Ia Dêr khi đem bán ở các chợ ngoại thành Pleiku, như: Chợ Bà Định (đường Nguyễn Trãi), chợ Yên Thế được người dân tin tưởng mua nhiều. Chị Siu Khoát, làng Beng II, cho biết: Nhà mình có 2 ruộng rau chừng khoảng 1 sào, chuyên để trồng rau bán.
Khi được tham gia lớp học trồng rau sạch, mình mới biết là mình làm đúng quy trình. Mình nghĩ, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau không tốt, vừa mua thuốc tốn tiền vừa không có lợi cho sức khỏe. Vì thế, hầu hết ruộng rau của mình đều chỉ rải phân bò và phân đạm để cho cây rau phát triển thôi. Quan trọng kỹ thuật trồng và khâu làm đất sạch thì rau sẽ phát triển, ít bị sâu bệnh.
Huyện Ia Grai xác định, dạy nghề cho người dân là phải gắn với giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con ngay từ những nghề bà con đang làm, nên hầu hết các lớp nghề được mở ra đều đáp ứng với nhu cầu ứng dụng thực tế của bà con. Mỗi vùng, địa phương có lợi thế cây trồng, vật nuôi khác nhau.
Đơn cử như các xã: Ia Hrung và Ia Bă lợi thế thổ nhưỡng tập trung phát triển cây cà phê; Ia Dêr trồng rau sạch; Ia O, Ia Khai trồng, chăm sóc mủ cao su. Và dựa vào những lợi thế thổ nhưỡng về cây trồng như thế, huyện Ia Grai mới phân khai mở các lớp dạy nghề.
Cùng với đó, trên cơ sở đăng ký nhu cầu học nghề của bà con, các cơ sở dạy nghề đã dạy nghề, dạy những vấn đề bà con chưa nắm được để không chỉ giúp bà con nâng cao trình độ tay nghề về những nghề mà bà con đang làm mà còn hướng dẫn bà con cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước khi chưa được học nghề.
Đó cũng là những giải pháp của huyện Ia Grai, giúp nông dân sau khi học nghề không rơi vào cảnh thất nghiệp, ly hương. Theo thống kê hiện toàn huyện Ia Grai có trên 92.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 49,6%, tương đương với 42.639 người.
Ở đây, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn, nên đời sống của người dân, nhất là ở 5 xã đặc biệt khó khăn: Ia O, Ia Khai, Ia Chía, Ia Grăng và Ia Krái vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2014, dự kiến huyện Ia Grai đào tạo cho trên 500 lao động nông thôn và giúp cho các hộ học nghề có được việc làm và thu nhập ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá điêu hồng làm mô hình trình diễn tại hộ ông Trịnh Công Trung - ấp 10 - xã Tân Thạch (Châu Thành).
Trong năm, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa màu tiếp tục được quan tâm. Cụ thể, thực hiện 7 mô hình trình diễn rau an toàn (RAT); 4 mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ và nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lồng ghép trong các chương trình, dự án... Từ đó, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng (bắp 7 tấn/ha, đậu nành 2,1 tấn/ha, rau muống lấy hạt 2,5 tấn/ha). Sản xuất RAT diện tích trên 150ha, đạt 83,5% kế hoạch nhưng hầu hết diện tích rau đều sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Từ con gà, con vịt cho đến con heo đang đẩy người chăn nuôi ở Bình Định lâm cảnh khốn đốn. Nguyên nhân do sau Tết, giá cả các loại vật nuôi nói trên đều tuột, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn “bình chân như vại”.
Cao su được Hà Tĩnh công nhận là cây mũi nhọn kinh tế bởi nguồn lợi đưa lại rất lớn. Thế nhưng bão số 10 vừa qua đã làm cho gần 800/1.600ha cao su ở Kỳ Anh bị gãy đổ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là bài học xương máu cho việc quy hoạch thiếu cân nhắc bởi Kỳ Anh thường xuyên "hứng bão" thế nhưng nơi đây vẫn cứ trồng cao su bằng mọi giá.
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.