Điều Ghi Được Ở Xã Có Tỷ Lệ Đại Gia Súc Được Nuôi Nhốt Cao Nhất Tỉnh Lào Cai
Ngày đăng: 27/06/2012
Hầu hết gia đình ở xã Việt Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) nuôi trâu; 100% đàn trâu khi thả có người chăn dắt và khi đưa về được nhốt trong chuồng. Những đợt rét khốc liệt xảy ra vài năm gần đây khiến đàn gia súc của nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng Việt Tiến không có bất cứ con trâu nào bị chết rét…
Cũng như nhiều xã vùng cao khác, chăn nuôi đại gia súc ở Việt Tiến khá phát triển và trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân ở đây có thói quen chỉ nuôi trâu mà không nuôi bò hoặc ngựa. Trong số hơn 600 hộ của xã, hầu hết các hộ đều nuôi trâu, tổng đàn trâu của xã nhiều năm qua ổn định và dao động trong khoảng từ 800 - 900 con. Con trâu không chỉ giúp bà con nơi đây sức kéo mà còn là nguồn thu không nhỏ. Mặc dù ở Việt Tiến, trâu được nuôi chủ yếu tại hộ gia đình, quy mô còn nhỏ, nhưng ngày càng thể hiện rõ nét là một nghề và đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trâu theo hướng tập trung, hàng hóa.
Theo ông Hà Văn Lên, Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến, trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ xã đều nghị quyết về phát triển đàn đại gia súc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đồng cỏ, đồi rừng ở địa phương. "Thuận lợi ở Việt Tiến là đại đa số các hộ dân sống bằng nghề nông, cấy lúa, trồng hoa màu, có nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng và hầu như nhà nào cũng nuôi trâu. Do đó, chủ trương này được bà con đồng tình ủng hộ, đồng thời có ý thức để vừa phát triển đàn đại gia súc, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, vừa bảo vệ được mùa màng, đồi rừng", ông Bí thư Đảng ủy xã cho biết.
Vấn đề khó nhất trong chăn nuôi đại gia súc là việc chăn thả, nếu thả rông sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông - lâm nghiệp, đến vệ sinh môi trường cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai nghị quyết tới người dân, xã đặc biệt quan tâm đến công tác này. Chủ trương phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên được nhân dân tán đồng, tất cả 11 thôn bản trong xã đã đưa quy định cấm thả rông gia súc vào hương ước với chế tài xử lý bằng tiền mặt và là một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hằng năm. Vì vậy, tất cả các hộ nuôi trâu ở Việt Tiến đều thực hiện triệt để không thả rông gia súc, trâu khi thả đều có người chăn dắt và khi đưa về nhà trâu đều được nhốt cẩn thận.
Việt Tiến vẫn là xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên chưa có nhiều hộ làm chuồng trại kiên cố. Đại đa số hộ chăn nuôi trâu ở đây tận dụng những vật liệu sẵn có như gỗ, tre, nứa... làm chuồng trâu, mùa đông thì gia cố, che chắn tránh gió lùa kết hợp với đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Chuồng trâu đều được làm ở vị trí hợp lý, không gần nhà ở, không ảnh hưởng đến nguồn nước và đặc biệt là không nhốt trâu dưới gầm nhà sàn. Chuồng trâu bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, vừa bảo vệ được đàn trâu, không để trâu phá hoại mùa màng, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời bà con tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng. Mặc dù trong những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại khốc liệt kéo dài khiến đàn gia súc của nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng xã Việt Tiến không có bất cứ con trâu nào bị chết rét. Ông Hoàng Mạnh Thắng, ở bản Già Hạ, xã Việt Tiến nói vui: Mấy vụ rét vừa rồi, tôi phải đi nơi khác mua thịt trâu chết rét về ăn, chứ ở xã làm gì có!
Ông Trần Bá Quả, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: Vấn đề là mỗi hộ dân xác định bảo vệ con trâu cũng là bảo vệ tài sản của gia đình mình, bảo vệ sản xuất nên tự giác thực hiện. Việc gia súc được nuôi nhốt là một trong những thuận lợi của xã khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, vì xã đã giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn.
Ở một xã nghèo như Việt Tiến, hầu hết các hộ có nuôi trâu, vậy mà những vấn đề đặt ra trong phát triển đại gia súc đã được giải quyết rất tốt. 100% đàn trâu được nuôi nhốt (là xã có tỷ lệ gia súc được nuôi nhốt cao nhất tỉnh) và có người chăn dắt, sản xuất nông - lâm nghiệp được bảo vệ, vệ sinh môi trường được bảo đảm... là tiền đề quan trọng để Việt Tiến phát triển nghề nuôi trâu theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Bỏ phố ra bìa rừng trồng rau sạch thu hơn trăm triệu/tháng
Xuất thân từ thành phố với công việc ổn định thu nhập cao, chị Hoàng Thị Mai đã lên vùng núi lập nghiệp với mô hình trồng rau sạch.
13/11/2019
Cử nhân bỏ phố về quê ướp trà
Lê Sơn Hải trồng chè theo cách truyền thống tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên với khát vọng xây dựng nhãn trà hữu cơ.
15/11/2019
Mít ruột đỏ thu tiền tỷ
Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3
18/11/2019
Khởi nghiệp trồng rong nho chỉ với 400.000 đồng
Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng và bao tiêu sản phẩm rong nho, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
19/11/2019
Thầy giáo dạy toán kiếm chục triệu mỗi tháng từ nghề 'tay trái' tại Ninh Bình
Có niềm đam mê riêng là trồng tảo xoắn. Nhờ nghề tay trái, thầy giáo say mê loại tảo “thần kỳ” kiếm thêm cả chục triệu đồng mỗi tháng.
20/11/2019