Giữ Lửa Nghề Nuôi Ngựa Đua
Tâm huyết với nghề đã giúp ông Hà Văn Nở trở thành người nuôi ngựa đua có tiếng ở Đức Hòa
Là một xã vùng hạ của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, xã Đức Hòa Thượng là nơi có người nuôi ngựa đua nhiều nhất. Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Văn Nở, chủ nhân của hơn 10 con ngựa đua đang trong thời kỳ sung sức. Ở xã Đức Hòa Thượng, ông Nở được đánh giá là người mát tay trong việc nuôi ngựa đua.
Tay ngang... nuôi ngựa
Khi tiếp chuyện, chúng tôi bất ngờ hơn khi biết trước đây ông là nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Quốc doanh Long An và đoàn Trung Hiếu (Công an TP HCM). Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích: “Lúc nhỏ, tôi mê ngựa đua lắm nhưng trong người sẵn có máu nghệ sĩ nên quyết định theo nghiệp cầm ca từ năm 18 tuổi.
Đến năm 2005 thì tôi giã từ ánh đèn sân khấu về với cuộc sống đời thường”. Sau nhiều năm sinh sống ở TP HCM, năm 2010, ông Nở quyết định về quê nhà ở Đức Hòa nghỉ ngơi. Và đây là lúc ông thực hiện niềm đam mê thời trẻ của mình: nuôi ngựa đua.
Để khởi nghiệp, ông vay vốn ngân hàng mua 2 con ngựa đua lai giống ngựa Anh Quốc với giá 60 triệu đồng/con về nuôi thử. Từ một nghệ sĩ chuyển sang nuôi ngựa đua là điều không đơn giản. Nuôi ngựa đua đòi hỏi người nuôi ngoài những kiến thức cơ bản còn phải có đam mê và sự nhẫn nại.
Thời gian đầu, để tích lũy kinh nghiệm, ông Nở chịu khó học hỏi cách chăm sóc từ bạn bè trong giới nuôi ngựa. Là tay ngang vào nghề nên ông cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả gấp bội. Thế nhưng, dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn dậy sớm dẫn ngựa đi “thuần”, sau đó dắt về nhà cho ăn uống, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại. Công việc nặng nhọc là vậy nhưng ông không từ nan, trái lại, rất chịu khó học hỏi. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ông Nở đã thuần thục việc chăm sóc và huấn luyện ngựa đua.
Ông chia sẻ: “Nuôi ngựa đua, ngoài tính nhẫn nại, còn phải có kiến thức. Chuyện tưởng chừng rất đơn giản như chích thuốc cho ngựa không phải ai cũng làm được. Nếu chích thuốc quá liều, ngựa sẽ sốc thuốc và chết. Ngựa bị áp-xe nếu tắm bằng nước, vết thương dơ sẽ bị nhiễm trùng”.
Công việc chăn nuôi đang tiến triển tốt thì giữa năm 2011, trường đua Phú Thọ đóng cửa nên nhiều hộ phải bán ngựa hoặc giết thịt bán rẻ. Tiếc công sức bỏ ra, ông Nở vẫn cố gắng gầy đàn. Chi phí hằng ngày cho mấy chú ngựa này khoảng 200.000 đồng nên mỗi ngày ông phải dậy sớm, chật vật đi cày, xới đất thuê cho bà con trong xã mới trang trải đủ chi phí nuôi. Với niềm đam mê ấy, hiện ông Nở sở hữu hơn 10 con ngựa đua đủ loại.
Khó mấy vẫn theo nghề
Lúc hưng thịnh, làng nuôi ngựa đua ở xã Đức Hòa Thượng có khoảng 1.000 con ngựa chiến. Tuy nhiên, khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, giờ chỉ còn chưa đầy 100 con. Gặp không ít khó khăn trong việc duy trì đàn ngựa nhưng ông Nở vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. “Đức Hòa vốn nổi tiếng về nghề nuôi ngựa đua. Gặp nghề đang suy nên nhiều người buông xuôi. Nếu mình bỏ nghề thì sẽ có lỗi với tiền nhân và con cháu” - ông Nở tâm sự.
Cách ông Nở chăm sóc chu đáo, gọi tên từng con ngựa đua đã nói lên nhiệt huyết ấy ở ông. Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại, ông Nở giới thiệu cho chúng tôi từng con ngựa với những cái tên rất đẹp như Rubi, Sapphire, Hồng Ngọc... Thấy tôi có vẻ tò mò về những cái tên này, ông Nở giải thích: “Ngựa đua bắt buộc phải có tên nên tôi đặt tên theo sở thích. Mỗi cái tên mang thông điệp yêu thương của người chủ dành cho nó. Muốn có ngựa tốt, cần phải có tình yêu với chúng, niềm đam mê, coi chúng như người bạn và chăm sóc chúng như chính con đẻ của mình”.
Trường đua ngựa Phú Thọ đã đóng cửa nên khách hàng mua ngựa cũng thưa dần. Tuy nhiên, với uy tín trong nghề và kỹ năng huấn luyện ngựa khéo léo, ông Nở vẫn có khách hàng riêng, điển hình như khu du lịch cáp treo Vũng Tàu. Theo ông Nở, để cho ra lò một con ngựa đua thực thụ, đòi hỏi nhiều kỹ năng chăm sóc, huấn luyện của người nuôi. “Ngựa đua phải mất từ 3-4 năm mới thi đấu được.
Do vậy, để tích lũy sức bền, ngoài dinh dưỡng hợp lý, người nuôi phải tập dượt cho ngựa thường xuyên. Quan trọng hơn, người nuôi phải có kiến thức thú y vững vàng để biết cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại bởi ngựa rất hay đổ bệnh” - ông Nở cho biết. Hiện một con ngựa đua 2-3 tuổi, ông Nở có thể bán với giá 100 triệu đồng.
“Giờ dù khó khăn đến mấy, tôi cũng quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng, coi đó là cách lưu giữ nghề truyền thống” - ông Nở bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.
“Với gần 4.300ha nhãn cho thu hoạch với chất lượng quả rất cao, bán được giá gấp đôi, gấp ba so với nhãn thường, tư thương lại thu mua mạnh nên vụ nhãn năm nay người dân huyện Sông Mã rất phấn khởi” - ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) hào hứng thông tin.