Trang chủ / /

Giống Lợn Pietrain Kháng Stress

Giống Lợn Pietrain Kháng Stress
Ngày đăng: 26/07/2013

Pietrain cổ điển là giống lợn xuất xứ từ làng Pietrain ở Vương quốc Bỉ. Đây là một trong những giống lợn có tỷ lệ nạc cao nhất trên thế giới, có thể đạt 60 - 62%. Lợn đực trưởng thành nặng 270 - 350 kg/con, lợn cái nặng 220 - 250 kg/con, nuôi 6 tháng tuổi đạt 100 kg/con.

Song, lợn Pietrain có nhược điểm lớn là tim yếu, thích nghi kém với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, khi hoạt động mạnh dễ bị vỡ tim, gây chết đột tử. Lợn rất nhạy cảm với stress, tỷ lệ thịt bị nhão và nhạt màu (thịt PSE) cao, pH của thịt sau khi giết mổ giảm mạnh do thịt bị biến tính nhanh. Do đó, dù có ngoại hình đẹp và tỷ lệ nạc cao nhưng khả năng tiêu thụ lợn giống thấp do không được thị trường ưa chuộng.

Loại bỏ gen gây stress

Để khắc phục nhước điểm trên, Khoa Thú y, Trường Đại học Liege (Vương quốc Bỉ) đã nghiên cứu tạo ra dòng lợn Pietrain mới, kháng stress (Pietrain kháng gen Halothan, viết tắt là Pietrain ReHal) bằng cách lai ngược với lợn Yorkshire để chuyển một allene N từ locus halothan của lợn Đại Bạch vào bộ gen của Pietrain.

Leroy và CS (1999) đã khẳng định rằng Pietrain kháng stress thể hiện được tất cả các ưu điểm của Pietrain cổ điển nói trên nhưng đặc tính nhạy cảm với stress đã giảm rõ rệt, đặc biệt là chất lượng thịt sau khi giết mổ đã được cải thiện, tỷ lệ thịt nhão và nhạt giảm đi rõ rệt.

Khi phân tích bộ gen bằng kỹ thuật PCR, số lượng cá thể lợn có gen Halothan đã giảm rõ rệt. Do khắc phục được nhược điểm này nên giống lợn Pietrain kháng stress đã nhanh chóng được phát triển mạnh ở châu Âu và nhiều nước khác.

Tháng 10/2011, đàn lợn hạt nhân Pietrain kháng stress đã được Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhập độc quyền vào giao cho Trung tâm Giống lợn công nghệ cao nuôi dưỡng, khai thác. Trải qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học ĐH Nông nghiệp Hà Nội kết hợp với các giáo sư thuộc trường ĐH Liege (Vương quốc Bỉ) đã nhân giống thành công đàn lợn hạt nhân Pietrain kháng stress tại Việt Nam.

Đàn lợn đã cho ra các thế hệ có chất lượng tốt, bước đầu cung cấp cho thị trường cả nước lợn đực giống Pietrain kháng stress, dùng để lai với lợn cái Duroc nhằm tạo ra lợn đực cuối cùng (đực PiDu) nhằm nâng cao tỷ lệ nạc và năng suất thịt mông (thịt Jambon).

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy đặc điểm ngoại hình của giống lợn này là có bộ lông và da màu trắng đen xen lẫn nhau, tạo thành các đốm to, rõ và rất đẹp. Pietrain có ngoại hình đặc trưng của một giống lợn siêu nạc điển hình: Thân dài, mông nở, đùi to, lưng rộng, hai cơ thăn rất phát triển, cao hơn cả cột sống, tạo ra một rãnh giữa lưng chạy suốt từ vai xuống đến gần mông, tai thẳng đứng, đầu to vừa phải, mõm thẳng, 4 chân thẳng.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Phó trưởng Khoa Chăn nuôi - Thú y, Giám đốc Trung tâm Giống lợn công nghệ cao (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho biết, tại Trung tâm, tất cả lợn con sinh ra đều được đánh số tai, cân khối lượng tại các thời điểm: Sơ sinh, cai sữa, 2,0, 5,5 và 7,5 tháng tuổi; lấy mẫu máu và mẫu tế bào (khi cắt đuôi) để đưa vào phân tích gen Halothan và gen ReHal.

Kiểu gen của lợn được xác định bằng phương pháp PCR tại Phòng Thí nghiệm, Bộ môn Di truyền & giống vật nuôi, Khoa Chăn nuôi & Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhằm chọn lọc những cá thể có các kiểu gen kháng stress (gen ReHal). Tất cả các cá thể có gen Halothan đều bị loại bỏ. Tất cả lợn đều được ghi chép và theo dõi cẩn thận, lập hệ phả và có lý lịch theo dõi chi tiết.

Hiện các kết quả nghiên cứu cho thấy, lợn đực Pietrain kháng stress nhân thuần tại Việt Nam có khối lượng tại thời điểm 2 và 7,5 tháng tuổi lần lượt là 15,5 và 109,5 kg. Độ dày mỡ, độ dày cơ thăn và tỷ lệ nạc ước tính tại thời điểm 7,5 tháng tuổi lần lượt là 8,4; 61,3 và 65,1%. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng giai đoạn 2 - 7,5 tháng tuổi là 2,77 kg. Thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng, tổng số tinh trùng và chỉ tiêu tổng hợp VAC của lợn đực Pietrain kháng stress lần lượt là 270,5ml; 77%; 355,7 triệu/ml và 74,1 tỷ/lần.

Tiềm năng từ con lai

Từ những con đực giống Pietrain kháng stress, các nhà khoa học ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã lai với lợn Duroc thuần, tạo ra con lai PiDu có chất lượng cao, dùng làm con đực cuối cùng để lai với lợn Yorkshire hay Landrace… tạo ra con thương phẩm có chất lượng rất cao, da lông màu trắng, phù hợp với thị hiếu của người chăn nuôi Việt Nam.

Mặt khác, khi lai Pietrain với Duroc và Pidu với Landrace và Yorkshire giúp cải thiện được nhược điểm chân to và sinh sản của Duroc (Duroc chỉ đẻ 9 - 10 con/lứa/năm).

Hiện nay, ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã có một số sản phẩm như tinh lợn Pietrain kháng stress, tinh lợn đực PiDu, lợn đực giống Pietrain kháng stress, lợn đực giống lai PiDu (75; 50 và 25% máu Pietrain kháng stress). Bình quân, Trung tâm Giống lợn công nghệ cao chuyển giao cho Hà Nội khoảng 100 liều tinh tinh lợn Pietrain kháng stress/ngày.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Hữu Đoàn khi nhân giống thuần và lai giống đối với lợn Pietrain nói trên, nhà trường đã gặp phải một số khó khăn rất lớn, đó là trong nhiều tháng gần đây, giá lợn nói chung, lợn giống nói riêng đang rất hạ, trong khi giá thức ăn rất cao.

Mặt khác, như đã nói ở trên, khác với các trung tâm giống khác là được bán cả lợn đực và lợn cái giống thì Trung tâm giống của trường chỉ được bán lợn đực và tinh của chúng, còn lợn cái thì không được bán ra ngoài nhằm giữ độc quyền về con giống (theo thỏa thuận đã ký với các bạn Bỉ).

Bên cạnh đó, nhà trường phải chi phí tương đối lớn để phân tích máu của tất cả lợn con sinh ra trong phòng thí nghiệm nhằm loại thải các cá thể có gen halothan ra khỏi quần thể, rất tốn kém… nhưng giá bán giống và tinh lợn giống không cao hơn so với các trung tâm khác nên Trung tâm luôn gặp phải không ít khó khăn.

Đề nghị Nhà nước và các cơ quan của Bộ NN-PTNT cộng tác giúp đỡ để Trung tâm của trường giữ và nhân được đàn giống lợn quý nói trên, phục vụ cho ngành chăn nuôi lợn nạc của nước nhà.

Ngày 14/11/2011, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định số 290/QĐ-CN-GSN, công nhận lợn đực giống Pietrain kháng stress nhân thuần tại Việt Nam là tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, áp dụng trong toàn quốc.

Đặc biệt, Ngày 14/3/2013, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã ký Thông tư số 18/2013/TT-BNNPTNT với nội dung: Bổ sung giống lợn Pietrain kháng stress vào Danh mục giống vật nuôi được phép SX, kinh doanh tại Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Giống Sắn KM94 Giống Sắn KM94

Giống được Bộ Nông nghiệp và PTNN công nhận giống quốc gia năm 1991 trên toàn quốc.

13/04/2013
Giống Cỏ VA06 Nuôi Bò Đạt Hiệu Quả Cao Giống Cỏ VA06 Nuôi Bò Đạt Hiệu Quả Cao

Hiện nay, chăn nuôi bò trên địa bàn xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam phát triển mạnh. Tổng đàn trên 2.500 con nên nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò rất lớn. Nông dân ở đây tận dụng đất hoang, đất vườn trồng cỏ nuôi bò thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

03/04/2013
Hải Phòng Trồng Thử Nghiệm 2 Giống Đậu Rau Mới Hải Phòng Trồng Thử Nghiệm 2 Giống Đậu Rau Mới

Đây là 2 trong số nhiều giống đậu tương rau có nguồn gốc từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau châu Á (Đài Loan) được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập nội và trồng thử nghiệm thành công ở nhiều thời vụ khác nhau, trên nhiều loại đất khác nhau ở một số tỉnh như: Hà Tây, Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng từ năm 1997 đến nay.

16/07/2012
Eben - Giống Khoai Tây Dùng Cho Chế Biến Eben - Giống Khoai Tây Dùng Cho Chế Biến

TS. Trương Công Tuyện, tác giả giống khoai tây Eben và hiện là chủ nhiệm dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất giống và kỹ thuật thâm canh giống khoai tây thương phẩm Eben phục vụ chế biến", cho biết: Đây là giống khoai tây dùng cho chế biến có nguồn gốc từ Philippine, được nhập nội vào Australia rồi đưa vào Việt Nam năm 2000.

17/07/2012
Một Số Lưu Ý Về Kỹ Thuật Canh Tác Giống Mía ROC22 Một Số Lưu Ý Về Kỹ Thuật Canh Tác Giống Mía ROC22

Giống ROC22 có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu mía đường Đài Loan, do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia nhập nội và đưa vào mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia vùng Nam Trung bộ từ 1999-2004, đã được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử từ năm 2004. Giống ROC22 đã được sản xuất thử từ năm 2005-2009 tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa trên diện tích từ 250-300 ha mỗi năm.

02/08/2013