Giống Đậu Xanh Mới ĐX11
Đậu xanh (Vigna radiata Wilczek) là cây họ đậu ngắn ngày có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Trong hệ thống sản xuất cây lương thực và cây thực phẩm của nước ta hiện nay, cây đậu xanh có vị trí quan trọng trong cơ cấu luân canh, xen canh và gối vụ. Đặc biệt ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cây đậu xanh đã trở thành cây trồng chính trong sản xuất vụ Hè.
Tình hình sản xuất, tiêu thụ và chế biến đậu xanh ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng nhờ khai thác được một số ưu điểm quan trọng của đậu xanh. Đó là khả năng cung cấp dinh dưỡng cao, dễ tiêu hoá, khả năng cải tạo đất nhờ sự cộng sinh của vi khuẩn nốt sần với hệ rễ. Cây đậu xanh là cây trồng ngắn ngày dễ luân canh, xen canh. Tuy nhiên, năng suất đậu xanh của nước ta còn thấp, chỉ đạt khoảng 4,5-6,8 tạ/ha do bộ giống đậu xanh còn nghèo nàn, đồng thời các biện pháp kỹ thuật cũng chưa được nông dân áp dụng và đầu tư.
Để giải quyết các yếu tố hạn chế trong sản xuất đậu xanh nêu trên, từ năm 2003 đến nay Tập thể cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ-Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chọn lọc thành công giống đậu xanh mới ĐX11. Giống đậu xanh ĐX11 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử từ tháng 6 năm 2008.
Giống đậu xanh ĐX11 có các đặc điểm chính như sau: Thời gian sinh trưởng từ 70-75 ngày; chiều cao cây từ 50-65 cm, dạng lá hình tam giác vỏ quả màu nâu đen, vỏ hạt dạng mỡ có màu xanh nhạt. ĐX11 có khả năng chống chịu sâu bệnh và chống đổ tốt. ĐX11 có số quả trung bình đạt từ 11,6-18,5 quả/cây; số hạt/quả từ 11,1-12,2; khối lượng 1.000 hạt biến động từ 63,0-72,4 g. Năng suất thực thu của ĐX11 cao hơn so với giống V123 (là giống đang được trồng đại trà) là 15,6% và đạt từ 15,67-17,51 tạ/ha. ĐX11 là giống có tính ổn định khá qua các mùa vụ và qua các năm. ĐX11 có hàm lượng dinh dưỡng cao: hàm lượng lipid 2,2 (%CK), hàm lượng protein 26,3 (%CK).
Hướng sử dụng: ĐX11 thích ứng rộng trong vụ Hè sau lạc xuân, ngô xuân và đậu tương xuân. Nền phân bón thích hợp cho ĐX11 là (8 tấn phân chuồng + 400kg vôi bột + 60N:90P2O5:60K2O) cho 1 ha. Mật độ trồng thích hợp trong vụ Xuân là 20cây/m2, trong vụ Hè- 15 cây/m2.ĐX11 thích nghi với nhiều loại đất khác nhau từ đất cát ven biển đến đất thịt nhẹ ở nhiều vùng sinh thái.
Hiện nay, giống đậu xanh ĐX11 đã được phát triển ở các địa phương Tĩnh Gia, Như Thanh- Thanh Hoá; Hương Sơn- Hà Tĩnh; Yên Thành - Nghệ An; Thường Tín- Hà Nội… Năng suất của các mô hình biến động từ 14,8-16,5 tạ/ha (cá biệt có gia đình đạt 72kg/ sào Bắc bộ- tương đương với năng suất 20 tạ/ha).
Như vậy, ĐX11 là giống triển vọng thay thế các giống đang trồng hiện nay, cần được mở rộng trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Đó là các giống lúa chiên trắng và chiên đen được Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh TT- Huế phối hợp huyện Hương Trà phục tráng thành công.
Giống dâu F1- VH15 có nhiều đặc điểm vượt trội. Lá dâu F1- VH15 có chiều dài trung bình từ 25 – 35cm. Đây là kích thước lớn gấp đôi so với lá của giống dâu thông thường ở địa phương. Bên cạnh đó, dâu lai F1 VH15 trồng bằng hạt, có bộ rễ cắm sâu vào mặt đất từ 4-5 m.
Vừa qua, tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đã tổ chức hội thảo tham quan, đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Trồng thử nghiệm cây hoa loa kèn chịu nhiệt”.
Sau khi “thu phục” nông dân ĐBSH với năng suất không thua kém lúa tẻ và chất lượng sánh ngang nếp cái hoa vàng, DT22 tiếp tục làm cuộc di cư ngoạn mục lên “thánh địa” lúa nếp của miền núi phía Bắc là các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang…
Viện lúa ĐBSCL vừa tổ chức hội thảo đánh giá mô hình các giống đậu nành, đậu phộng thích ứng biến đổi khí hậu. Gần 80 đại biểu của Sở NN- PTNT, Trung tâm giống, Trung tâm Khuyến nông... các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Nai tham dự.