Giàu Lên Nhờ Nuôi Bò Sữa
Đó là câu chuyện đổi đời của hơn 20 hộ nghèo, thành viên HTX bò sữa Long Hòa (P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) trong hơn 10 năm qua.
Vườn chanh thua bò sữa
Kinh nghiệm này được nông dân Lý Việt Bắc rút ra sau 3 năm “tăng hu” gầy nuôi được 4 con bò sữa. Anh Bắc cho biết gia đình anh có 6 miệng ăn (cha mẹ già, hai vợ chồng anh và hai đứa con) nhưng chỉ có 2 công vườn trồng chanh. Mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn trái, nhưng giá cả bấp bênh, chưa bao giờ bán được tới 8.000 đồng/kg. Vợ anh làm công nhân xí nghiệp, còn anh cũng phải đi làm mướn kiếm thêm nhưng cũng không dư dả gì.
Năm 2007, anh tham gia dự án nuôi bò lai sind, nhưng cả nhà cũng “ăn trước trả sau”. Đầu năm 2012, Ban chủ nhiệm HTX bò sữa Long Hòa rủ anh gia nhập HTX và cho mượn con giống nuôi. Anh tham gia ngay. Qua 3 năm, anh Bắc chưa trả được con giống, nhưng đã có 2 con cho sữa, bán sữa được gần 400.000 đồng/ngày. Đây là số thu nhập thường nhật mà anh Bắc chưa từng có trong suốt mười mấy năm trời làm vườn và luôn cả làm mướn.
Anh Bắc nói: “Ngày hai lần phải dậy rất sớm để vắt sữa, chở tới nhà máy giao. So với làm vườn hoặc nuôi heo thì nuôi bò khỏe hơn. Chăm sóc sức khỏe định kỳ cho bò đã có thú y lo. Bò sữa lại không kén ăn. Chuối trái, chuối cây, rau cỏ gì nó cũng ăn tuốt luốt”. Vì vậy, anh Bắc đã phá bỏ 2 công vườn chanh và trồng cỏ, xen dừa để có nguồn thực phẩm tươi cho bò. Anh cho hay chỉ cần bò đẻ thêm một lứa nữa là anh trả lại con giống cho HTX.
Còn vợ chồng chị Võ Ngọc Tuyền không có ruộng đất nên nhận nuôi một lúc 6 con. Sau hơn 8 năm, chị đã cất được căn nhà khang trang vào giữa năm ngoái. Theo lời ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX bò sữa Long Hòa, đáng nể nhất là trường hợp anh em ông Bé Tư, Bảy Đàn, Bé Chín, vốn là những hộ nghèo “rớt mồng tơi”, nhưng chỉ sau 9 năm tham gia HTX nuôi bò sữa, ai nấy đều xây được nhà tường.
Mô hình bền vững
Năm 2000, nông dân xã Long Hòa bắt đầu làm quen với việc nuôi bò sữa và đã cử đại diện đi tham quan mô hình nuôi bò ở H.Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Bình Dương. Đến năm 2002, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) xây nhà máy ở Khu công nhiệp Trà Nóc (Q.Bình Thủy) và bán giống hỗ trợ 800.000 đồng/con. Mỗi người bỏ ra thêm 4 triệu đồng/con mua bò sữa về gây nuôi. Nhà máy cử người hướng dẫn quy trình nuôi, chăm sóc và thu mua toàn bộ sữa vắt ra. Ai cũng mừng vì có hiệu quả. Vậy là năm 2004, HTX bò sữa Long Hòa ra đời.
Ban đầu HTX có 10 thành viên, nuôi 25 con bò. Sau đó, Chương trình Heifer Việt Nam (thuộc Tổ chức Heifer quốc tế) hợp tác với Trường đại học Cần Thơ giúp thêm 20 con giống để hỗ trợ hộ nghèo. Cứ sau 3 năm nuôi, bò đạt trọng lượng 250 kg thì hộ nhận nuôi trả lại một bê giống để HTX luân chuyển cho hộ khác nhận nuôi.
Trung bình, bê con nuôi khoảng 1 năm là thành bò nái đẻ và bắt đầu vắt sữa, thời gian cho sữa từ 8 đến 10 tháng/năm. Mỗi con vắt được 12 - 14 lít/ngày, giá bán cho nhà máy ổn định 14.000 đồng/kg (1 lít sữa cân nặng 950 gr). Cứ như thế, đến nay tổng đàn bò của HTX đã tăng lên 245 con (trong đó có 120 con cho sữa) với 27 hộ xã viên.
Chủ nhiệm HTX Võ Thanh Cần cho biết HTX đứng ra ký hợp đồng mua cung cấp lại cho xã viên các loại thức ăn viên, phụ phẩm bắp, khóm và đăng ký sản lượng sữa của mỗi hộ cung cấp hằng ngày cho nhà máy Vinamilk.
Qua hơn 10 năm nuôi bò sữa, đến nay hầu hết xã viên đã khá giả. Nhiều hộ xã viên có quy mô đàn nuôi lên tới 25 - 30 con. “Vì vậy, gia đình tui có hơn 10 công vườn nhưng tui cũng chỉ để dành trồng cỏ cho bò ăn, rồi vắt sữa bán”, ông Cần tự tin nói.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm trở lại đây, nông dân ở một số nơi trong tỉnh Cà Mau dần được tiếp cận với loại hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt nhiều kết quả bước đầu. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Huyện Trần Văn Thời đã phát triển được loại hình này ở xã Khánh Hưng với cây thanh long ruột đỏ.
Cao su - một trong những nông sản chủ lực ở khu vực Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, một phần do giá mủ xuống thấp, một phần do việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều vườn cao su liên kết và cao su tiểu điền, nông dân đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí.
Do thời gian qua, giá một số loại nấm đứng ở mức thấp nên mùa vụ này, nhiều nông dân trồng nấm không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu tiêu thụ bịch phôi nấm không cao bằng các vụ nấm khác trong năm. Hiện lượng nấm mèo khô tồn tại các trại nấm còn khá nhiều vì giá thu mua thấp, chỉ có từ 70-72 ngàn đồng/kg.
Khi mùa dưa hấu chính vụ đã qua, giá dưa từ 2.000 đồng/kg được thu mua tại ruộng vào thời điểm cách đây hơn 1 tháng nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ruộng dưa còn thu hoạch vào thời điểm này ít nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Thới Bình phối hợp với ban, ngành, các cấp thực hiện phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng.