Triển vọng với mô hình nuôi bò thịt
Để đảm bảo hộ chăn nuôi có được giống bò tốt, chủ nhiệm dự án đã chọn những giống bò chất lượng cao là bò lai Sind và lai Brahman để người dân chăn nuôi. Nhờ sự hướng dẫn này mà đàn bò nuôi thuộc dự án ít xảy ra dịch bệnh và phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, hộ nuôi bò còn được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với số tiền 7 triệu đồng/con và hỗ trợ lãi suất trong suốt thời gian tham gia dự án.
Ông Hồ Văn Sơn, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã lựa chọn hộ nuôi kỹ càng, nguồn vốn cho vay ưu đãi nhất để thực hiện dự án. Từ nguồn vốn hỗ trợ của kinh phí sự nghiệp khoa học với số tiền hơn 146 triệu đồng, kết hợp với vốn nông hộ đầu tư, mỗi hộ trong vùng dự án được vay vốn nuôi ít nhất 3 con bò. Dự tính ban đầu của dự án triển khai nuôi bò thịt, thế nhưng nhiều hộ nuôi đã nhận ra lợi nhuận từ việc cung cấp bò giống và phát triển dần đàn bò lên hơn trăm con. Nhờ vậy khi đến kỳ hạn kết thúc dự án, nhiều hộ đã có bò mẹ đẻ bò con, lợi nhuận tăng gấp bội. Nguồn vốn vay nông dân trả hết và còn tự tạo điều kiện tái đầu tư cho lứa nuôi khác”.
Sau thời gian tham gia dự án, đối với nhiều hộ thì mô hình đem lại kết quả hơn cả mong đợi. Chị Nguyễn Ngọc Thủy, ở xã Hiệp Hưng, cho hay: “Hồi đó, tính nuôi bò để tận dụng thời gian rảnh làm kinh tế phụ, bỏ ống lâu ngày nhưng không ngờ lại khá lên trông thấy. Tôi nuôi giống bò thịt này được thương lái mua giá cao, trúng lớn. Mỗi con tôi bán ra thu lời gần gấp đôi chỉ sau 1 năm chăn nuôi”. Bây giờ, chị Thủy đã nhân giống ra bò con, tiếp tục chăn nuôi để làm giàu bởi chị đã đầu tư luôn hơn 2 công đất trồng cỏ cho bò ăn.
Hiệu quả lớn nhất mà dự án mang lại là cho ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế bằng cách kết hợp với nuôi bò, người dân có thể trồng cỏ theo ven bờ đê hoặc ruộng để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Trong dự án có 10/14 hộ tham gia cách làm này trồng hơn 7,6m2, áp dụng theo quy trình kỹ thuật rất bài bản đã tạo ra được nguồn thức ăn tươi, sạch, đủ dưỡng chất cho bò.
Trong chăn nuôi bò bán chăn thả, người dân còn tận thu được phân bò để bón vào ao, tăng nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Qua dự án, có 2 hộ thực hiện mô hình này, với diện tích 1,9ha nuôi cá rô phi, cá chép, cá mè hoa thu được sản lượng cá 2,1 tấn sau 2 đợt nuôi. Ông Nguyễn Văn Ba, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, cho biết: “Thằng cháu tôi nó nuôi cá bằng phân bò thấy mà ham, còn tôi không làm được nhưng mà cũng thu lời to nhờ phân bò. Tôi được cán bộ dự án hướng dẫn ủ thành phân hữu cơ bón lại cho ruộng, vườn cây rất tốt. Số còn dư tôi bán ra cũng kiếm được số tiền kha khá”.
Theo báo cáo của chủ nhiệm dự án, lợi nhuận nuôi bò không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng lao động nhàn rỗi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rất nhiều. Trừ các khoản chi phí gồm chuồng trại, con giống, thức ăn, thuốc thú y, gieo tinh, công lao động… trên 1,9 tỉ đồng, 14 hộ chăn nuôi đã thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng. Trung bình 1 con bò đạt lợi nhuận từ 8 - 10 triệu đồng sau 1 năm thả nuôi.
Với kết quả lợi nhuận kinh tế này, mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả sẽ là mô hình triển vọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Theo ý kiến nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp tại buổi họp nghiệm thu kết quả dự án, mô hình này rất phù hợp với tập quán chăn nuôi ở địa phương, kỹ thuật chăn nuôi đơn giản và có thể nhân rộng mô hình trong tương lai. Mô hình nuôi bò thịt ở Phụng Hiệp sẽ không chỉ là lựa chọn đúng đắn và hướng đi hiệu quả của địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững cho huyện Phụng Hiệp nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2015 là năm đầu tiên mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chất lượng, khẳng định vị trí của mận tam hoa trên thị trường.
Sau rằm tháng giêng, xoài xung quanh các triền núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Cấm… bắt đầu cho trái liên tục. Khác với lối canh tác truyền thống, nhà vườn Bảy Núi (An Giang) áp dụng phương pháp xử lý ra hoa trái vụ, nhất là đối với các loại giống mới.
Cuối năm nay, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của huyện Hoài Đức sẽ tiếp cận thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất về trái cây hiện nay.
Từ một vài hộ canh tác thử nghiệm, đến nay diện tích cam toàn xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tăng mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm tiếp tục khai thác loại cây trồng tiềm năng này, các hộ nông dân nơi đây từng bước sản xuất cam theo hướng an toàn...
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gene để tạo các chủng virus mới có nguy cơ lây lan sang người và bùng phát thành dịch.