Một Mô Hình Nuôi Tôm Thích Ứng Với Biến Đổi Khí Hậu Ở Bến Tre
Vào tháng 7-2012, 7 hộ dân ở ấp Xương Thới III (Thới Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) được Trường Đại học Cần Thơ chọn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa thuộc Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là các hộ dân định cư cặp ngoài vùng đê bao ngọt hóa của Dự án 418.
Các hộ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, cách làm ao nuôi và được hỗ trợ con giống tôm càng xanh. Mỗi hộ tham gia Dự án phải có ao nuôi diện tích mặt nước từ 3.000m2 đến 4.000m2, được hỗ trợ 18.000 con tôm giống càng xanh, vôi cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước, cách phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 7 hộ tham gia chương trình trên 55 triệu đồng.
Qua 1 năm tham gia Dự án, các hộ nuôi đều có lãi. Hộ ông Nguyễn Văn Đoàn thả nuôi 18.000 con tôm giống trên diện tích 3.000m2, sau 8 tháng nuôi chăm sóc, thu hoạch trừ mọi chi phí, lãi trên 55 triệu đồng. Các hộ nuôi còn lại đều đạt năng suất cao, hộ thu hoạch lãi thấp nhất là 40 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa tiếp tục được nhân rộng. Hiện toàn ấp có trên 30 hộ áp dụng mô hình này. Nếu như trước đây, các hộ nuôi tôm càng xanh chỉ đơn thuần thả tôm giống xuống nuôi thì nay họ đã biết đưa vào ao ương, tách tôm đực ra nuôi riêng, cho tôm ăn thức ăn công nghiệp lúc còn nhỏ, khi tôm được 2 tháng tuổi trở lên thì cho ăn thức ăn tươi sống (được mua từ các ghe cào có tại địa phương).
Từ mô hình nuôi tôm trên, hàng tháng các hộ dân ở đây đều có thu nhập cao, mỗi năm nuôi được từ 2 đến 3 vụ tôm. Hiện nay, có 1 hộ dân trong ấp đã nuôi ương tôm càng từ con giống mới mua về đến ba tháng rưỡi tuổi trong bể bạt, đạt tỷ lệ sống trên 90%. Các hộ dân trong ấp tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ mô hình này và có trao đổi, tham khảo thêm với Trường Đại học Cần Thơ để vận dụng thực hiện.
Điều đặc biệt là các hộ nuôi tôm trong ấp Xương Thới III đã liên kết lại thành lập Câu lạc bộ Nông dân, do anh Nguyễn Văn Đoàn làm Tổ trưởng. Hàng tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt để trao đổi, thảo luận các kỹ thuật trong quá trình nuôi tôm, vấn đề gì còn vướng mắc, những kinh nghiệm hay rút ra trong quá trình sản xuất điều được giới thiệu ra...
Mô hình đạt hiệu quả vì tôm càng xanh ít xảy ra dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, có thể thích ứng ở độ mặn từ 0-4%O; dừa sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao. Trung bình 1ha đất trồng dừa và nuôi xen tôm càng xanh, nông dân thu hoạch đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Dự kiến trong năm 2014, từ nguồn vốn thích ứng với biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, con giống để mở rộng diện tích và mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa.
Có thể bạn quan tâm
Trong năm 2013, huyện Gò Công Đông đã thả nuôi tổng cộng trên 1.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong hai vụ nuôi I và II. Bà con đã thu hoạch được tổng cộng gần 3.500 tấn tôm xuất khẩu, trong đó có 930 tấn tôm sú, còn lại là tôm thẻ.
Ông Tiêu Tùng ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là một trong những người đầu tiên xây dựng thành công trang trại nuôi heo ky. Nhiều năm qua, việc nuôi heo ky đã mang về cho ông một khoản thu nhập đáng kể.
Tin rằng với sự thận trọng của nông dân, sự hướng dẫn của ngành chuyên môn và những quan tâm chính quyền địa phương thì người nuôi tôm Vĩnh Châu sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2014.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu một số đơn vị xuất hóa chất sát trùng và vaccine dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do bão lũ như Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum…
Theo nhiều tiểu thương, gần đây nguồn cung nhiều loại thịt gia cầm khá dồi dào. Dù đã cận Tết Nguyên đán nhưng sức tiêu thụ các loại thịt gia cầm vẫn khá yếu. Để bán hàng, nhiều người kinh doanh thịt gia cầm phải chủ động giảm giá bán.