Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Trê Lai Hốt Bạc

Nuôi Cá Trê Lai Hốt Bạc
Ngày đăng: 17/02/2014

Không đến tận ao nuôi cá trê lai của bà con thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) thật khó tin về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/sào ao (500 m2). Tính ra, mỗi năm người nuôi cá ở đây thu hơn 2 tỷ đồng/ha.

Có lẽ hiếm hoạt động kinh tế nào của nhà nông đạt nguồn thu kỷ lục như vậy, bởi ở Hoà Vang SX lúa, năm được mùa nhất 13 tấn/ha, gặp lúc được giá cũng chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Khương Trần Hữu Khoá, chúng tôi đến khu vực có hàng chục ao nối tiếp nhau sát kênh chính hồ Đồng Nghệ. Tại đó, nhiều người đang cho cá ăn. Khi ông Trần Văn Chính vãi thức ăn xuống, mặt ao bỗng dưng nổi sóng, từng đàn cá nổi lên dày đặc tranh nhau đớp mồi.

Ông Chính cho biết: "Cá trê lai, mật độ thả 30 - 35 con/m2. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi thả, cá đạt trọng lượng gần nửa kg/con. Trung bình, mỗi sào thu 1,5 - 1,8 tấn. Với giá 27 nghìn đồng/kg, mỗi năm hơn 2 lứa, thu trên 100 triệu đồng/sào là thường. Với nhà tôi, trước tết thu hoạch 2 ao 1.000 m2, trừ hết các khoản chi phí lãi ròng 100 triệu đồng. 2 ao này chừng nửa tháng nữa thu hoạch".

Lão nông gần 40 tuổi đúc kết: "Từ trước đến nay triển khai nhiều hoạt động kinh tế, nhưng chỉ nuôi cá trê lai đem lại nguồn thu lý tưởng và ổn định nhất. Thực ra, hàng chục năm nay cá nước ngọt nuôi khá phổ biến ở Hoà Khương, nhưng thả trê lai chưa lâu. Loại cá này nuôi không khó, năng suất rất cao, duy chỉ đầu ra sản phẩm không phải lúc nào cũng thuận lợi".

Vài ba năm gần đây, khách hàng từ Tây Nguyên đến đặt mua số lượng lớn, bà con mới có cơ hội mở rộng diện tích. Nghe nói họ mua vận chuyển sang Lào và Campuchia tiêu thụ. Được cái, hễ xuất bán là thu hết cả ao, rất tiện thả lứa khác.

Ở Phú Sơn 2, hộ ông Trần Hữu Chung đã đổi đời từ hoạt động nuôi cá trê lai. Trên 5 sào ao, năm nào hộ nông dân ở vùng trung du này cũng thu gần 20 tấn cá, tổng doanh thu trên dưới nửa tỷ đồng. Hỏi về chi phí, lão nông này nói ngay: "Tính tất tần tật các thứ từ con giống, thức ăn, công chăm sóc, thuốc xử lý… khoảng gần một nửa. Với hoạt động này hộ thả nuôi 5 sào ao, thu lãi ròng 250 - 300 triệu đồng khá phổ biến".

Chỉ vào ngôi nhà bề thế bên đường bê tông rộng 5,5 mét, ông cho biết: "Cách đây dăm năm, nhà cửa thôn này khá xập xệ, thế mà chỉ 3 - 4 năm nuôi cá hộ nào hộ nấy xây nhà chẳng khác biệt thự". Tìm hiểu về kỹ thuật nuôi trê lai, ông Chung bật mí: "Thực ra trê lai là loại dễ nuôi nhất trong các loại cá nước ngọt. Nó ăn rất tạp và lâu ngày chưa thay nước cũng chẳng sao. Tuy vậy, để đạt năng suất cao, trước hết phải thả con giống tốt".

Hiện bà con ở đây lấy giống tại Phú Ninh, Quảng Nam. Thức ăn cho cá là loại chế biến sẵn, hoặc cá biển xay nhuyễn. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng, tỷ lệ phụ thuộc vào tuổi thả. Có điều kiện thay nước thường xuyên cá chóng lớn và hạn chế dịch bệnh.

Quá trình nuôi thường xuyên xử lý ao bằng nước vôi. Nuôi trê lai tỷ lệ hao hụt thấp, cá chóng lớn, nhờ vậy năng suất vượt trội so các loại cá khác. Hộ nuôi đúng quy trình kỹ thuật có thể đạt 2 tấn/sào/ lứa.

Giở cuốn sổ đem theo, ông Trần Hữu Khoá, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Khương nói như khoe với chúng tôi. Cả xã hiện có 59 ha ao nuôi cá nước ngọt, trong đó khoảng 15 ha nuôi trê lai thâm canh. Diện tích này sẽ tăng thêm 10 ha trong năm 2014 nay.

Huyện Hoà Vang đã nhất trí phương án mở rộng khu vực nuôi cá nước ngọt ở Hoà Khương và đầu tư khá nhiều kinh phí để mở đường mà xây mương thoát. Mấy năm nay hơn 100 hộ nuôi cá ở địa phương đều thu nhập cao hơn hẳn so các hoạt động kinh tế khác.

Ở Phú Sơn 2 tính sơ sơ đã có dăm bảy hộ mua ô tô con, ô tô tải, nhà cửa đều khang trang bề thế. Nhiều người cho rằng, nuôi cá nước ngọt đang hái ra tiền quả không ngoa. Thống kê chưa đầy đủ, vụ cá trước và sau Tết các ao hồ trên địa bàn xã đã cung cấp cho thị trường khoảng 350 tấn cá các loại.


Có thể bạn quan tâm

Cấp Bách Cứu Ngành Cá Tra Cấp Bách Cứu Ngành Cá Tra

Thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng 3 năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm, hàng loạt doanh nghiệp, người nuôi liên tục thua lỗ và phá sản.

11/10/2013
Nuôi Cá Tra Khó Chồng Thêm Khó Nuôi Cá Tra Khó Chồng Thêm Khó

Ngành cá tra từng có giai đoạn phát triển mạnh đến khó tin, mỗi hecta có thể đạt cả chục tỷ đồng và đem lại hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng thời “dễ nuôi, dễ ăn” đã nhanh chóng đi qua sau hàng loạt “đợt bão”: giá cá sụt giảm sâu, giá thức ăn tăng, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…

11/10/2013
Sử Dụng Chế Phẩm Độn Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi Ở Xã Yên Hòa (Hưng Yên) Sử Dụng Chế Phẩm Độn Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi Ở Xã Yên Hòa (Hưng Yên)

Trong khi các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tìm mọi cách để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của vật nuôi thì người dân xã Yên Hòa (Yên Mỹ - Hưng Yên) đã và đang áp dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và hạn chế dịch bệnh, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

11/10/2013
Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Trên Sông Sêrêpôk Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Trên Sông Sêrêpôk

Người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã gây nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ, một loại đặc sản của dòng sông Sêrêpôk, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

12/10/2013
Diệt Trừ Sùng Trắng Gây Hại Cây Trồng Diệt Trừ Sùng Trắng Gây Hại Cây Trồng

Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã thử nghiệm thành công nhiều giải pháp diệt trừ tình trạng sùng trắng (ấu trùng của bọ hung) hoành hành phá hoại cây trồng, gây thiệt hại cho nhà vườn tại huyện Đạ Huoai trong nhiều năm qua.

12/10/2013