Giảm Nghèo, Nhanh Nhưng Còn Phải Bền Vững
Qua hai năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (2012 - 2013) toàn tỉnh có 20.239 hộ thoát nghèo, mỗi năm giảm gần 5% số hộ nghèo, nhưng có đến 9.196 hộ tái nghèo và số hộ cận nghèo còn cao (23.039 hộ). Thực tế này đặt câu hỏi về hiệu quả và phương pháp triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Là một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, Hà Giang có 6 huyện được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và có 120 xã, 93 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng 2 được triển khai thực hiện Chương trình 135.
Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hành động, chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc, triển khai các chính sách, dự án liên quan đến giảm nghèo đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả.
Đến nay, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, có bước đổi mới; gần 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 75% diện tích ruộng; 87% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; trạm y tế xã, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, đường giao thông nông thôn... được quan tâm, đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa – thể thao không ngừng phát triển; hệ thống chính trị được củng cố; AN-QP được giữ vững.
Các chính sách giảm nghèo được thực hiện thời gian qua: Chương trình dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng (nguồn vốn chương trình 30a giao cho các huyện là 509.689 triệu đồng, đầu tư cho 318 công trình; chương trình 135 với tổng nguồn vốn Trung ương giao 291.680 triệu đồng); hỗ trợ sản xuất, thực hiện các chính sách về phát triển rừng; hỗ trợ cây, con giống, phân bón; mua sắm thiết bị máy móc và công cụ sản xuất; làm chuồng trại chăn nuôi, vắc xin tiêp phòng dịch bệnh; xây dựng mô hình tập huấn công tác khuyến nông, cải thiện mẫu mã bao bì sản phẩm; cho vay hộ nghèo với lãi suất bằng 0%; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thôn biên giới không tham gia bảo vệ rừng, chưa tự túc được lương thực; rà soát, xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và ổn định dân cư; tổ chức hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ xuất khẩu lao động, đào tạo nghề.
Đặc biệt, có 27 mô hình sản xuất thâm canh lúa, chè, trồng rau vụ Đông, sản xuất giống lúa, gia cầm, chăn nuôi vịt bầu, lợn đen, ong, trồng dưa trái vụ... được hỗ trợ; trong 2 năm, chương trình mục tiêu giảm nghèo đã phân bổ 2.000 triệu đồng thực hiện dự án nhân rộng mô hình; một số mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng: Chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản luân chuyển tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Quang, Quang Bình với 171 hộ nghèo tham gia.
Không thể phủ nhận những kết quả mà chương trình giảm nghèo mang lại, trong 2 năm, toàn tỉnh đã giảm được 11.043 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,38% xuống còn 26,95%; trong đó 6 huyện 30a đã giảm được 8.770 hộ nghèo. Nhưng thực tế, “lỗ hổng” trong phương pháp thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã khiến cho công cuộc giảm nghèo thiếu tính bền vững.
Điều này đã được đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu ra trong buổi giám sát với UBND tỉnh vừa qua: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số các xã ĐBKK ở mức cao, chương trình hỗ trợ làm nhà cho người có công đã triển khai nhưng chưa có nguồn vốn giải ngân, mức hỗ trợ thấp trong khi các hộ nghèo không có nguồn bổ sung dẫn đến tình trạng “Xóa nhà tạm bằng nhà tạm mới”; số lượng người có việc làm sau đào tạo nghề còn thấp, chuyển dịch cơ cấu chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao; một số mô hình sản xuất được triển khai có hiệu quả nhưng không nhân rộng được vì hộ nghèo không có vốn để đầu tư; cơ sở hạ tầng kinh tế vùng nông thôn còn khó khăn, thiếu đồng bộ; công tác quản lý công trình sau đầu tư hạn chế, một số công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng; chất lượng, hiệu quả dạy nghề thấp, có nơi không phù hợp với đối tượng đào tạo; tình trạng lao động sang Trung Quốc làm thuê gia tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học thất thường lớn...
Nguyên nhân được các ngành chuyên môn đưa ra giải trình là do trượt giá, đều kiện tự nhiên không thuận lợi, ảnh hưởng của thiên tai, địa hình phức tạp, khó canh tác; trình độ dân trí thấp, áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế, thiếu đất, thiếu nước sản xuất; một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa hiệu quả; việc lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn bất cập; việc chủ động bố trí nguồn lực của địa phương bổ sung cho công tác giảm nghèo hạn chế; một số chủ đầu tư chưa chủ động, tích cực trong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định, nhiều công trình rơi vào nợ đọng kéo dài, phong tục, tập quán, trình độ sản xuất, tấm lý, nhận thức trông chờ, ỷ lại của người dân quá lớn; nguồn vốn đầu tư và định mức hỗ trợ các chương trình, dự án thấp so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Những nguyên nhân nghe như một “điệp khúc” mà các ngành báo cáo trong nhiều buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác giảm nghèo khiến nhiều người ái ngại. Chúng ta đang tập trung nguồn lực để xây dựng Nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhưng khi công tác xóa nghèo bền vững vẫn còn là “bài toán” nan giải thì việc xây dựng nông thôn mới khó thành công.
Để mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 20%, cần ngay sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Hy vọng năm 2014, năm thực hiện thắng lợi (trước 1 năm) các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; bức tranh giảm nghèo bền vững của tỉnh nhà không còn màu xám...
Có thể bạn quan tâm
Vài năm trở lại đây, mùa thu hoạch, thương lái nhộn nhịp tìm đến huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long mua khoai lang xuất sang Trung Quốc, nhiều người dân đã làm giàu từ trồng khoai, diện tích trồng khoai lang cũng tăng nhanh chóng. Năm 2014, diện tích trồng khoai lang Bình Tân ước đạt 11.000ha nhưng tình hình tiêu thụ không còn khả quan như trước…
Huyện Vĩnh Lợi là một trong những địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Năm nay, bà con trồng gừng ở huyện vừa trúng mùa lại trúng giá. Giá gừng đang ở mức khá cao, từ 40.000 - 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng gừng lãi hơn 80 triệu đồng/công.
Trong tháng 10/2014, vùng nguyên liệu cà chua Đơn Dương giảm giá bán ra khá sâu so với mức giá sàn tối thiểu. Sau những ngày đầu “chua chát” với cà chua, người nông dân Đơn Dương đã bình tâm trở lại, tiếp tục thực hiện bài toán “lấy cà chua bù lỗ cho cà chua”!
Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 70km, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi An Bình (xã Thạnh Tiến) là một minh chứng cho sự năng động đó.
Vụ hè thu năm 2014, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương triển khai thực hiện mô hình sản xuất cà chua an toàn (VietGAP) thuộc đề tài khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.