Nông sản thời hội nhập làm gì khi nước tới chân
Năm 2015, mục tiêu xuất khẩu trái cây lên 2 tỉ USD.
Những trái cây nhập từ Thái Lan có cùng chủng loại ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, nhãn, xoài… bắt đầu tràn vào thị trường. Nhiều loại sầu riêng được khẳng định “không nhúng thuốc”.
Giá trị nhập khẩu từ Thái Lan lên đến 134,8 triệu USD thực sự là mối lo ngại cho nông sản ĐBSCL, hay chính cách “nhắm mắt làm càn” khiến sức ép ngày càng gia tăng với sản xuất trong nước.
Tại ĐBSCL, nhiều khu vườn trái cây bản địa đã bị triệt hạ gần hết. Nhà vườn muốn bán trái cây phải nói “chôm chôm Thái, xoài, ổi Đài Loan…”.
Một sự thẩm thấu nhẹ nhàng đang lấn át nguồn gen bản địa chứ không chỉ là mua đi - bán lại theo đường tiểu ngạch.
Đã có những nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành “Cánh đồng mẫu lớn”, kết nối “bốn nhà” (nhà nông, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu).
Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa tạo được sức đột phá. Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2015 là 21,65 tỉ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Từ cách đây hai năm, giá bán sản phẩm cây trồng ngắn ngày giảm 1,46%, cây ăn trái lâu năm giảm 2,46%, chăn nuôi giảm 9,09%, thuỷ sản giảm 0,39%. Và từ đó đến nay, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… luôn tăng cao.
Cuộc cạnh tranh sau ngày 1-1-2016, khi “đoàn tàu” Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chuyển động, sức ép đối với nông sản ĐBSCL sẽ càng gay gắt.
Nhất, nhì thế giới, sao vẫn nghèo?
Theo bộ Công thương, xuất khẩu trái cây Việt Nam liên tục tăng, từ 827 triệu USD (2012) lên 1 tỉ USD (2013) và 1,477 tỉ USD (2014). Năm 2015, mục tiêu xuất khẩu trái cây lên 2 tỉ USD.
Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn chính sách “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm từ ĐBSCL” tại thành phố Cần Thơ (1 và 2-10). Tại diễn đàn, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn nói:
“Sự thật là dù xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam thuộc nhóm nhất, nhì thế giới nhưng phần lớn nông, lâm, thuỷ sản ở dạng thô hay sơ chế, giá trị gia tăng còn hạn chế, chất lượng thấp và không đồng đều”.
Ở Mekong Connect CEO Forum 2015 do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại Cần Thơ, và tại diễn đàn này ông Doanh nhấn mạnh “điểm nghẽn” khi phần lớn nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa có thương hiệu được quốc tế công nhận, từ gạo đến chè, càphê, hạt tiêu.
Giá các sản phẩm xuất khẩu thuộc loại thấp so với nông sản Thái Lan hay các nước khác.
Ngày 4-9, “Mekong Connect” được đánh giá là sáng kiến kết nối lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp của bốn tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) nhằm hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp tiên phong ở TP HCM tốt hơn; một trong những trọng tâm thảo luận và kêu gọi hành động nhằm thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL tự tin khi hội nhập quốc tế.
Lúa gạo, trái cây, cá tôm… được đề cập như bài toán khó. Tại diễn đàn này, TS Doanh cho rằng nông dân trồng lúa không thể giàu lên được. Ông phân tích: “
Nếu đạt 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), tức là dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).
Thu nhập của nông dân thấp, chưa bằng bình quân chung của cả nước. Nông sản các nước đang cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường nội địa, đặc biệt là nông sản tại ĐBSCL”.
GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ xót xa nói:
“Khi CEO của Apple, Tim Cook, cho biết ngày 29-9, khi chiếc iPhone 6s mới xuất hiện trên thị trường đã bán được 13 triệu chiếc với giá từ 13 - 19 triệu đồng/chiếc, thì gạo - mặt hàng chiến lược của Việt Nam - bị tụt giá, thấp thê thảm mà vẫn không bán được.
“May phước”, Philippines thiếu gạo đã đặt mua 450.000 tấn gạo giá rẻ của Việt Nam”. Vì sao có sự khác biệt lớn như vậy?
Đừng chạy theo số lượng nữa!
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng:
1/ Sản xuất nông nghiệp không theo thị trường, duy ý chí, tự phát;
2/ Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; cần thực hiện đúng quy trình GAP được liên kết bốn nhà, nòng cốt là doanh nghiệp đầu ra gắn kết với hợp tác xã nông nghiệp;
3/ Thị trường quyết định sự tiêu thụ mọi nông sản phẩm; cơ chế chính sách phải thay đổi, đặc biệt là những chính sách giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, xem doanh nghiệp là lực lượng tiên phong thì mới có thể giải quyết được bài toán về thị trường;
4/ Doanh nghiệp có vai trò quyết định: tìm hoặc mở thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ nông sản nguyên liệu. Doanh nghiệp phải được đào tạo có bài bản và ưu đãi vốn sản xuất, hàng có thương hiệu…
Theo TS Lê Đăng Doanh, do phần lớn sản phẩm chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn hay hợp đồng giao sau, nên nông sản xuất khẩu khối lượng lớn nhưng rất bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc.
Phong trào rất thiện chí vận động “tiêu thụ giúp” cho nông dân tiêu thụ nông sản khê đọng, thực ra không thay thế được thị trường, không khắc phục được nhược điểm sản xuất không theo yêu cầu thị trường.
Nhiều chuyên gia kêu gọi “đừng chạy theo số lượng nữa, hãy chú tâm nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng (từ giống, tổ chức bảo quản, chế biến, tổ chức kênh phân phối, hàng hoá đúng quy cách…), đáp ứng đúng nhu cầu của nơi mua hàng.
Riêng TS Lê Đăng Doanh kêu gọi: cần có quyết tâm lớn nhất và lãnh đạo sáng suốt để có chuyển biến mạnh mẽ, căn bản và hiệu quả; cần thu hút mạnh đầu tư vào ĐBSCL.
Theo ông, ứng dụng khoa học - công nghệ có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh kinh tế, an ninh, quốc phòng và tăng trưởng bền vững ở vùng này.
Từ những góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng cán bộ xúc tiến thương mại cũng phải học lại, phải nhập cuộc để thấy hết những nút thắt, rào cản, nghịch lý đang gây cản ngại, tiến tới đạt những tiêu chuẩn được thế giới công nhận.
Đó là con đường duy nhất đúng, không thể ì ạch mãi.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 25/6, bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở 3 hộ nuôi và lây lan ra 40% diện tích của vùng nuôi Hà Voọc, xã Hộ Độ (Lộc Hà). Điều khiến người dân băn khoăn là có phải dịch lây lan diện rộng do hóa chất chlorine xử lý mầm bệnh không hiệu quả?
Là huyện miền núi khó khăn, có 13/29 xã nghèo 135 nhưng chỉ sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có trên 4.000 nông dân có thu nhập cao, trong đó nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ.
Theo nhiều ngư dân ở cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, thời điểm này hằng năm là vào mùa đánh bắt thủy sản chính vụ, phần đông là tàu câu mực (chiếm 60-70% ở Cà Mau), lẽ ra đã ra khơi. Song hiện tại họ lại đang băn khoăn.
Cục trưởng Nguyễn Trọng Thừa đã phát biểu như vậy trong Hội thảo nông nghiệp quốc tế với chủ đề “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân” do tập đoàn Thành Thành Công tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/7/2014.
Thay vì sản xuất bằng phương pháp thủ công, tiêu thụ nhỏ lẻ, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã quan tâm hơn đến việc đầu tư máy móc, thiết bị, sản xuất sạch… nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.