Giải Pháp Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long
Năm nay, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhiều diện tích thanh long bị bệnh đốm trắng, thán thư (nông dân thường gọi là bệnh tắc kè).
Đây là các bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa gây hại cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Triệu chứng gây hại biểu hiện trên cành và trái giống nhau, những đốm trắng xuất hiện trên cành, bẹ non, trái non và trái chín chuẩn bị thu hoạch.
Nhà vườn cần xử lý triệt để nguồn bệnh
Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, từ tháng 1 – 4/2014, khi còn là mùa khô diện tích thanh long bị đốm trắng gây hại chỉ có 44 ha, tập trung ở những vườn tưới vào ban đêm.
Tuy nhiên, bước vào mùa mưa, đặc biệt trong tháng 7, tháng 8 do mưa liên tục, diện tích bùng phát lại ở những vườn có vết bệnh cũ và lan nhiễm mới, tính đến hết tháng 8 toàn tỉnh có đến 12.748 ha nhiễm bệnh tập trung 33 xã và 5 huyện, thị, trong đó, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10% trở lên có 7.054 ha, tập trung nhiều nhất các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.
Mặc dù người nông dân đã sử dụng thuốc đặc trị do ngành chức năng hướng dẫn để phun xịt bệnh nhưng do thời tiết gặp mưa nên không hiệu quả. Vì vậy, các loại nấm gây bệnh có dịp bùng phát mạnh mẽ.
Tại huyện Hàm Thuận Nam, tính đến tháng 8, toàn huyện đã có 2.356 ha thanh long bị bệnh đốm trắng. Để tăng cường phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã tập trung các giải pháp hướng dẫn và yêu cầu người trồng thanh long gom cành, trái có nguồn bệnh để xử lý.
Theo đó, các nhà vườn khi xử lý bệnh cần phải làm ngay và làm một cách đồng loạt, triệt để để tiêu diệt nguồn bệnh bằng cách chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy mầm bệnh. Và xử lý nghiêm những trường hợp đổ, vứt bỏ cành, trái có nguồn bệnh ra đường, ven sông, ven suối để ngăn chặn lây lan sang những khu vực khác.
Đồng thời, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện tăng cường hướng dẫn người trồng thanh long tăng cường vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tỉa cành thông thoáng; bón phân cân đối, tăng cường phân lân, kali, bổ sung các nguyên tố trung vi lượng cho cây thanh long để tăng cường sức đề kháng của cây. Phổ biến và khuyến cáo đến nông dân chỉ phun thuốc phòng trừ bệnh đốm trắng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Áp dụng mô hình quản lý phòng trừ bệnh
Để phòng bệnh đốm trắng trên cây thanh long, Chi cục Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình và tuyên truyền thử nghiệm phòng chống bệnh.
Cụ thể, bước vào mùa mưa năm nay, chi cục đã xây dựng hai mô hình quản lý phòng trừ bệnh đốm trắng theo giải pháp IPM (kết hợp bón phân cân đối, chú ý vệ sinh vườn, xử lý cành quả bệnh vừa kết hợp sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã qua khảo nghiệm ngoài đồng có hiệu quả) ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) và xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc).
Mô hình đã hoàn thành việc theo dõi tỷ lệ bệnh của lứa trái thứ 2, kết quả tỷ lệ bệnh trên cành quả chỉ còn 15 - 20% so với vườn không thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp. Và hiện đang theo dõi lứa thứ 3 trong vụ mùa chính vụ.
Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Bảo vệ thực vật huyện trọng điểm thanh long tranh thủ các lớp hội thảo của các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phổ biến tuyên truyền về Quy trình tạm thời phòng chống bệnh đốm trắng hại thanh long do Cục Bảo vệ thực vật ban hành và quy trình tạm thời quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bệnh đốm trắng hại cành, quả thanh long do chi cục ban hành.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh đốm trắng trên cây thanh long, chỉ có biện pháp canh tác tổng hợp; bón phân cân đối, không bón nhiều đạm và sử dụng chất kích thích; thường xuyên cắt tỉa cành, quả bệnh thu gom vào một chỗ và đổ vôi lên tiêu hủy; khi có áp lực bệnh nặng để bảo vệ một lứa trái cần thiết nên dùng Aviso + Caberda super và luân phiên với Aviso + Lipman, một lứa trái nên phun 7 - 10 ngày 1 lần, cách ly trước thu hoạch ít nhất 7 ngày thì tỷ lệ bệnh sẽ giảm được 50 - 60%.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều địa phương đang lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì mang lại giá trị kinh tế cao thì phường Hương Vân, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã “mặc định” mô hình nuôi heo là hướng làm giàu cho người dân địa phương.
Cần cù, chịu khó, ham học hỏi và biết cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi là bí quyết thành công của chị Nguyễn Thị Yến ở xã An Điền, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa rà soát, kiểm tra các cá nhân, tập thể, hộ gia đình có trang trại động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cấp giấy phép chứng nhận đăng ký nuôi cho 470 trang trại với 15.615 cá thể động vật hoang dã.
Hàng loạt dự án nuôi tôm có quy mô lớn nhất nước tại tỉnh Hà Tĩnh chính thức phá sản vì “tỉnh không có đủ nguồn nhân lực”.
Trong những năm qua, thanh long Bình Thuận được xem là loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Với giá bán cao, thanh long giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu có. Và loại cây họ xương rồng này còn giải quyết lượng lao động nông nhàn tương đối lớn.