Xử phạt nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
* Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, ngành chức năng nhiều tỉnh, thành ra quân kiểm tra nghiêm ngặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Bà có thể cho biết, ngành chức năng tỉnh ta đã triển khai kiểm tra vấn đề này như thế nào?
* Bà Nguyễn Thị Mến: Theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hàng năm Chi cục Thú y đều có xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist tại các trại chăn nuôi heo, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Do vậy, hoạt động này được đơn vị tổ chức thực hiện định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất như cao điểm hiện nay.
Đặc biệt, trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến mức báo động như hiện nay, theo sự chỉ đạo của Giám đốc Sở NN&PTNT, Thanh tra Sở phối hợp với Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất các cơ sở chăn nuôi heo và cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, Chi cục Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp các thương lái mua heo trên địa bàn nhằm tuyên truyền các tác hại khi sử dụng chất cấm và các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.
* PV: Trước đây, ngành chức năng của tỉnh có kiểm tra và phát hiện nhiều loại thuốc tăng trọng cho heo được bán tại các cơ sở thức ăn và thú y. Thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm tra bao nhiêu vụ và xử lý ra sao?
* Bà Nguyễn Thị Mến: Cũng như các năm, từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist tại các cơ sở chăn nuôi heo quy mô, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; trong quá trình thực hiện, Đoàn đã tiến hành tổ chức lấy 17 mẫu, trong đó có 15 mẫu nước tiểu của heo tại các cơ sở chăn nuôi heo quy mô (Chợ Gạo: 10 mẫu, Châu Thành: 5 mẫu) và 2 mẫu thức ăn bổ sung tại 2 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Các bước lấy mẫu đều được thực hiện đúng quy định trước khi gửi về Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của 17 mẫu đều không phát hiện chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.
* PV: Thưa bà, về việc Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh gửi thông báo các mẫu heo dương tính với chất cấm có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang, ngành chức năng của tỉnh ta đã xử lý việc này như thế nào?
* Bà Nguyễn Thị Mến: Sau khi nhận thông báo, chúng tôi đã trực tiếp làm việc, yêu cầu 2 hộ chăn nuôi trên (ở xã Xuân Đông và xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) cam kết không sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist và các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, Chi cục Thú y không lấy mẫu vì nguồn heo đã xuất đi, các bầy heo khác trong chuồng đều còn nhỏ, chỉ khoanh vùng ở vùng nuôi vừa phát hiện dương tính với chất cấm để lấy mẫu. Hầu hết lượng heo trước khi xuất chuồng 20 ngày thì người nuôi mới cho heo ăn chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.
* PV: Khi người tiêu dùng sử dụng thịt tồn dư chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Với chức năng là ngành trực tiếp quản lý việc chăn nuôi, bà có ý kiến gì về việc người dân sử dụng thuốc tăng trọng trong nuôi heo?
* Bà Nguyễn Thị Mến: Theo báo cáo “kiểm soát an toàn thực phẩm chất tạo nạc nhóm beta - agonist” của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), khi người tiêu dùng sử dụng thịt tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta - agonist sẽ bị ảnh hưởng như: Trường hợp cấp tính, người tiêu dùng có thể bị rối loạn tiêu hóa, run cơ, khó thở, tim đập nhanh, đau thắt ngực, tăng huyết áp, choáng váng, phù phổi, sẩy thai.
Trường hợp tích lũy lâu dài, người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và có thể gây tử vong ở các trường hợp có bệnh về tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.
Để hạn chế đưa ra thị trường tiêu thụ những sản phẩm thịt có tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta - agonist, cùng với việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, Chi cục Thú y đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi về tác hại của chất cấm thuộc nhóm beta - agonist ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhằm mục đích khuyến cáo người chăn nuôi tẩy chay với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist, chủ động tố giác các hành vi vi phạm trong kinh doanh, sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.
* PV: Nếu phát hiện các cơ sở có bán thức ăn tăng trọng và các trại có sử dụng thuốc tăng trọng thì chúng ta sẽ xử lý ra sao, thưa bà?
* Bà Nguyễn Thị Mến: Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, trong đó có quy định rõ hình thức xử lý các trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và kinh doanh.
Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ, từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại. Ngoài ra, buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ đối với hành vi vi phạm nêu trên, buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm.
Buộc cơ sở vi phạm phải tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm đối với hành vi trên. Đối với hành vi kinh doanh chất cấm sử dụng trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam thì phạt tiền từ 9 - 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chứa hoạt chất cấm sử dụng trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y từ 1 - 3 tháng đối với hành vi vi phạm trên, buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, vắc xin, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm trên.
* PV: Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Ngày 29/5/2015, Bộ NN và PTNT đã gửi Công văn số 4201/BNN-TCTS tới Tổng cục Hải quan, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đồng ý miễn thủ tục xác nhận đăng ký XK sản phẩm cá tra đối với những lô hàng XK dưới 25kg với mục đích tham gia hội chợ, trưng bày triển lãm, chào hàng đàm phán, thương thảo hợp đồng XK.
Vốn nổi tiếng là vựa xoài của tỉnh Dak Lak nhưng năm nay, xoài Ea Súp mất mùa, mất giá khiến loại trái cây này vắng bóng trên thị trường, nhiều gia đình thất thu.
Vài năm trở lại đây, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân xã Phương Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã chuyển sang trồng dưa Hoàng kim mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau một thời gian dài tăng giá tới mức gần 40.000 đồng/kg bán tại vườn, thời gian gần đây giá chanh đã bắt đầu giảm.
Vài năm trở lại đây, nông dân Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: chanh dây ở xã Nghĩa An, cam sành ở xã Sơn Lang và cây vải thiều ở xã Đông. Riêng cây vải thiều được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế hiện đang được bà con mở rộng diện tích khá nhiều.