Vụ sử dụng chất tạo nạc ai gây ra?
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thừa nhận tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu là việc xử lý chưa đủ sức răn đe.
* Mẫu tại trại âm tính
Theo thông tin từ Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, 20 mẫu dương tính với chất cấm thuộc 4 lô heo có nguồn gốc từ Đồng Nai, gồm: 1 lô heo xuất từ Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco (huyện Vĩnh Cửu); 1 lô heo từ trại ông Nguyễn Đức Thịnh (huyện Trảng Bom); 2 lô heo xuất từ trạm trung chuyển của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (TP.Biên Hòa), xuất từ trại heo nuôi gia công cho CP của các ông: Lê Giang Nam, Nguyễn Viết Anh (huyện Long Thành).
Sau khi nhận được công văn của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh về công tác phối hợp truy nguyên nguồn gốc heo dương tính với chất cấm, Chi cục Thú y Đồng Nai đã tiến hành lấy mẫu đột xuất trên đàn heo gần xuất chuồng tại các cơ sở chăn nuôi trên. Trong 3 mẫu xét nghiệm tại 3 trang trại của Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco, kết quả xét nghiệm đều âm tính với chất cấm. Kiểm tra hồ sơ lưu trữ của công ty, không có lô heo nào xuất từ Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco khớp về số xe cũng như ngày xuất giống như giấy kiểm dịch lô heo vi phạm do Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh cấp. Kết quả xét nghiệm mẫu tại trang trại ông Nguyễn Đức Thịnh cũng âm tính với chất cấm. Riêng 2 trại heo của các ông Lê Giang Nam, Nguyễn Viết Anh do đã xuất hết heo nên không thực hiện việc lấy mẫu.
Theo phản ánh của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thực tế hiện nay có tình trạng thương lái thu mua heo từ 70 - 80kg, tổ chức nuôi, sử dụng chất cấm cho heo tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao rồi lấy danh nghĩa của trang trại mang đi tiêu thụ.
Ông Trần Văn Quang cũng đưa ra nhận định, trước đây Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng phát hiện lô heo của một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn vi phạm sử dụng chất cấm. Sau khi điều tra mới phát hiện do thương lái mua heo của đơn vị này về vỗ béo rồi đăng ký kiểm dịch lần 2 cũng với danh nghĩa của công ty trên. “Theo nhận định ban đầu của tôi, các trường hợp nói trên cũng có thể là do thương lái thu gom heo không đưa đi tiêu thụ ngay mà sử dụng chất cấm vỗ béo rồi mới xuất bán dưới danh nghĩa các DN, trang trại. Chi cục sẽ tập hợp hồ sơ các trường hợp trên gửi qua công an tiếp tục điều tra làm rõ” - ông Quang nói.
* Cần kiểm soát chặt khâu trung gian
Thực tế hiện nay, việc xử lý các vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, vẫn dừng lại ở việc phạt hành chính với mức chưa đủ sức răn đe nên tình trạng các cơ sở, thương lái từng bị xử phạt tiếp tục tái phạm. Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết hiện Đồng Nai có hơn 30 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm bổ sung. Hàng năm, thanh tra Sở đều tổ chức các đợt kiểm tra nhưng hầu như không phát hiện vi phạm. Ông Bằng nhấn mạnh: “Thực tế, người chăn nuôi thường sử dụng các phụ phẩm, thực phẩm bổ sung tự trộn vào thức ăn chăn nuôi nên rất khó kiểm soát. Vấn đề là phải quản lý chặt chẽ được đầu vào của thức ăn chăn nuôi”.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), trưởng đoàn làm việc tại Đồng Nai ngày 11-8 nhằm xác minh việc vi phạm, xử lý các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cho rằng hoạt động giết mổ tại Đồng Nai khá phức tạp. Chi cục Thú y tỉnh cần có kế hoạch kiểm tra chất cấm tại các lò mổ; quản lý được đầu ra của thịt heo. Theo ông Dũng: “Nếu heo từ các trại nuôi gia công cho DN vi phạm thì đây không chỉ lỗi của riêng người nuôi mà phải ràng buộc với trách nhiệm của cả DN, nhất là trong kiểm soát về chất lượng sản phẩm”.
Tại buổi làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn ngày 12-8, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam khẳng định công ty không có chủ trương sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Sau vụ việc phát hiện trang trại chăn nuôi gia công cho CP có sử dụng chất cấm, công ty sẽ tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các lô heo trước khi xuất ra thị trường. Tuy nhiên, phía CP cũng thừa nhận công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở chăn nuôi gia công cho DN còn nhiều bất cập cần chấn chỉnh. DN sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, phát hiện các cơ sở vi phạm. Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco (huyện Vĩnh Cửu) cũng khẳng định không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Công ty không bán heo cho thương lái Nguyễn Thị Mến (thương lái có lô heo dương tính với chất cấm) và không có số xe như Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh thông báo. Phía công ty này cũng đưa ra giải pháp sẽ cho xét nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi và mẫu nước tiểu heo về chất cấm.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nông dân được tiếp cận với nguồn vốn này vẫn còn rất khiêm tốn.
Kết thúc vụ sản xuất lúa hè thu, ruộng được “nghỉ” từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11. Tận dụng khoảng thời gian này, một số nông dân ở huyện Nghĩa Hành đã sản xuất rau màu hoặc chăn thả gia súc ngay trên đồng ruộng không sản xuất cho thu nhập cao…
Tuy đã là thời điểm cuối vụ, thế nhưng dọc theo tuyến đường liên huyện Sơn Hà - Ba Tơ, trái đắng được các đại lý thu mua đem phơi rất nhiều.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Tuy Phước đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển, trong đó giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân hằng năm tăng 5,1%; chiếm 36% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ KH&CN về nhiệm vụ thuộc dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch, muối tinh và hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa BIDISALCO với diêm dân tại Bình Định” thực hiện năm 2015.