Giải pháp phát triển sản xuất bền vững cho vùng Ngọt hóa Gò Công
Thách thức và dự báo thách thức
Được triển khai ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Dự án Ngọt hóa Gò Công (NHGC) đã chuyển vùng đất rộng lớn 54.400 ha thuộc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Gò Công và một phần huyện Chợ Gạo thường xuyên bị xâm nhập mặn, sản xuất lúa chỉ được từ 1 - 2 vụ/năm, năng suất đạt 2,2 tấn/ha (1976), đời sống người dân vô cùng khó khăn, đến nay tăng lên 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất 5,6 tấn/ha.
Giờ đây, các huyện, thị phía Đông đã trở thành một trong những địa bàn sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh, đóng góp 35,3% sản lượng lương thực trong toàn tỉnh (khoảng 29.000 ha sản xuất lúa, gần 11.000 ha cây lâu năm và 1.600 ha rau, màu). Không chỉ vậy, theo tiến trình ngọt hóa, dự án còn tạo điều kiện cho người dân đa dạng hóa cây trồng, thay đổi giống lúa địa phương, giúp tăng thu nhập cho người dân trên diện tích đất canh tác.
Tuy nhiên, sau gần 40 năm triển khai và vận hành, dự án đã và đang bộc lộ những khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Sở NN&PTNT, những khó khăn, thách thức đó là một số công trình bị xuống cấp; kinh, mương bồi lắng; áp lực, rủi ro trong sản xuất lúa cao (do hàng năm có từ 9 - 10 tháng nước ngọt nhưng sản xuất 3 vụ lúa/năm); một số diện tích xa công trình đầu mối dễ gặp khó khăn về cung cấp nước khi độ mặn nước sông lên cao.
Mặn đến sớm, kéo dài, một số cống đóng sớm, lấy nước trễ đã gây thiệt hại sản xuất đáng kể vụ đông xuân cũng như vụ hè thu. Mặt khác, hệ thống điều tiết nước chưa được đầu tư đồng bộ nên khi vận hành có nơi thừa nước gây ngập úng, nhưng có nơi lại thiếu nước; hệ thống đê biển, đê cửa sông một số nơi bị sạt lở; ô nhiễm môi trường nước trong kinh, mương ngày càng trở nên trầm trọng.
Chưa hết, nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu - Đồng bằng sông Cửu Long, lại tiếp giáp với biển, vùng ngọt hóa càng chịu tác động tiêu cực từ hiện tượng này, nhất là hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Theo ngành Khí tượng thủy văn, những tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ngọt hóa đã và đang diễn ra khá rõ nét với hiện tượng El Nino; mặn sớm, xâm nhập sâu, nồng độ mặn cao; mưa thượng nguồn thấp dẫn đến nước đầu nguồn đổ về ít, mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm, lượng nước ngọt và chất lượng nước không bảo đảm để phục vụ sản xuất; sạt lở ven bờ; nền nhiệt cao thường diễn ra vào tháng 4 và 5.
Qua quan trắc nhiều năm tại vùng dự án cho thấy, mặn thường xuất hiện sớm, thời gian lấy nước của cống Vàm Giồng (cống lấy nước chủ yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cho NHGC) ngày càng ngắn lại đã gây khó khăn cho sản xuất lúa ở đầu vụ hè thu và cuối vụ đông xuân, cũng như nước sinh hoạt cho cư dân vùng dự án. Từ những diễn biến trên, các địa phương đã tính toán, thời gian tới khả năng diện tích sản xuất lúa trong vùng dự án sẽ bị thu hẹp do khó khăn về việc cung cấp nước trên 3.200 ha của 20 xã và 1 thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ còn chỉ ra thêm, bên cạnh làm nên cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp cho vùng Gò Công, vấn đề nẩy sinh trong vùng dự án hiện nay là thâm canh, độc canh cây lúa trong thời gian dài dẫn đến suy thoái nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
“Do vậy, vấn đề xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ở vùng ngọt hóa được xem là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, bền vững” - ông Re nhấn mạnh.
Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình
Qua nhiều năm gắn bó với vùng ngọt hóa, ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi cho rằng, trong nhiều năm qua, việc quản lý khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi đã phát huy hết hiệu quả và vượt mục tiêu ban đầu đề ra của dự án nên khó có khả năng tăng thêm diện tích gieo trồng. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình khí tượng, thủy văn ngày càng diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sản xuất, trong khi nhu cầu sử dụng nước và chất lượng nước càng cao.
Và những hạn chế, tồn tại về nguồn nước phục vụ cho sản xuất sẽ không thể khắc phục nếu không thay đổi về cơ cấu cây trồng, bố trí lịch thời vụ hợp lý theo hướng giảm nhu cầu sử dụng nước. Từ đó, ông Sơn đề xuất: “Trong thời gian từ ngày 20 - 6 đến 15 - 2 năm sau, nguồn nước ổn định nên tính toán sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc (thu đông, đông xuân), thời gian còn lại nên cân đối sản xuất cây màu. Còn các khu vực xa nguồn nước ở cặp sông Vàm Cỏ và ven đê biển chỉ nên sản xuất 2 vụ lúa chất lượng cao”.
Với hiện trạng của vùng ngọt hóa hiện nay, yêu cầu về giải pháp sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng dự án được đặt ra là không làm xáo trộn đặc tính đất đai trong vùng; sản xuất hiệu quả, bền vững.
Theo các nhà quản lý, một giải pháp hiệu quả cần có sự phối, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp công trình là tập trung vào nạo vét kinh, mương; nâng cấp, chống xói lở hệ thống đê bao, đê biển đủ sức ngăn ngập khi nước dâng; xây mới, sửa chữa các cống; xây dựng các trạm bơm vừa và nhỏ; hoàn chỉnh hệ thống chống úng.
Đặc biệt, để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất, dân sinh trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, một dự án tạo vùng nước ngọt phía Tây dẫn về phía Đông bằng xi phông dẫn nước từ Dự án thủy lợi Bảo Định qua kinh Chợ Gạo về Dự án NHGC đang được tính đến (UBND tỉnh đã có chủ trương cho lập dự án).
Song, trong tình hình nguồn vốn hạn chế, giải pháp phi công trình có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bên cạnh các giải pháp công trình, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm nguồn nước và công trình thủy lợi là rất quan trọng.
Trong sản xuất, ngành tập trung quy hoạch vùng sản xuất 3 vụ/năm ở nơi thuận lợi về nguồn nước (2 vụ lúa 1 vụ màu, 2 vụ màu 1 vụ lúa) và 2 vụ/năm nơi không thuận lợi về nguồn nước (vụ lúa thu đông và đông xuân); tập trung chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa với chủ yếu bắp, đậu, dưa các loại.
Kèm theo đó, trong sản xuất lúa, ngành tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao, đặc sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến cáo sử dụng giống lúa xác nhận, sạ hàng, sạ thưa; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản xuất an toàn, tiến đến đủ điều kiện chứng nhận VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Với hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, nên khi Đề án 1956 triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nông dân chủ yếu chọn nghề nông bởi nhiều lẽ...
Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, giai đoạn 2015 – 2020, huyện Lấp Vò xác định tập trung ưu tiên thực hiện 3 ngành hàng chủ lực và lợi thế của huyện, đó là lúa gạo, cây màu và chăn nuôi bò thịt.
Sau mùa quýt hồng, quýt đường bội thu, các nhà vườn cần vun phân, tưới nước cho vườn cây phục hồi, chuẩn bị cho một chu kỳ mới. Tất cả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều rất cần thiết và có một loại không thể thiếu đó là phân hữu cơ.
Những ngày nghỉ lễ vừa qua, giá ớt liên tục giảm và hiện chỉ còn 15.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Hữu Kỳ ngụ tại ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình trồng 2 công ớt cho biết, trước nghỉ lễ, anh bán cho thương lái giá 20.000 đồng/kg ớt tươi, nhưng vào những ngày nghỉ lễ, thương lái mua ớt chỉ còn 15.000 đồng/kg.