Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải pháp nào khắc phục tình trạng sâu bệnh hại cây cam, quýt ở Quang Thuận

Giải pháp nào khắc phục tình trạng sâu bệnh hại cây cam, quýt ở Quang Thuận
Ngày đăng: 16/09/2015

Tuy nhiên hai năm trở lại đây nhiều diện tích trồng cây cam, quýt trên địa bàn xã bị nhiễm sâu bệnh, cây chết gây thiệt hại lớn cho người dân…

Nhiều diện tích phải chặt bỏ

Theo thống kê, hiện nay xã Quang Thuận có 530ha cây cam, quýt, trong đó diện tích cây quýt ghép được thực hiện theo đề án của tỉnh là 290ha, còn lại là giống địa phương. Hàng chục năm nay cây cam, quýt đã trở thành cây chủ lực đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nông dân, sản lượng toàn xã đạt 3.000 tấn, giá trị kinh tế đạt 30 tỷ đồng. Sản phẩm cam, quýt đã có mặt tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây cây cam, quýt bị nhiễm các loại sâu bệnh như: nấm thối rễ, sâu đục cành, glynil vàng lá gây chết cây và rụng quả. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực tìm kiếm phương pháp phun diệt trừ tuy nhiên không mấy hiệu quả.

Nhiều diện tích cam, quýt bị nhiễm nặng, lây lan sang các diện tích liền kề, khiến cho cây bị chết, quả vàng và rụng. Theo thống kê của chính quyền địa phương, số diện tích bị nhiễm sâu bệnh không xử lý được lên đến khoảng 30ha, do chưa có biện pháp triệt để nên có hộ đã phải chặt bỏ, hộ ít thì vài trăm cây, nhiều thì 1ha, thiệt hại lớn cho người dân khi diện tích, năng suất, sản lượng và thu nhập giảm.

Nhiều cây quýt bị bệnh thối rễ, vàng lá gân xanh khiến cây bị chết, quả thối và rụng.

Hộ ông Lộc Văn Ninh là một trong những hộ có diện tích cam, quýt lớn khoảng 3ha, hằng năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên hai năm nay đồi quýt của gia đình ông cũng bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, nấm thối rễ, sâu đục cành.

Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm các loại thuốc để phun trừ nhưng không hiệu quả, đặc biệt là bệnh glynil vàng lá hầu như không có thuốc đặc trị, vì vậy gia đình ông đã phải chặt bỏ 1ha. Ông Ninh cho biết: mọi năm gia đình ông thu về hàng chục tấn cam, quýt thì vụ này chắc chỉ đạt vài tấn, mất đi một nguồn thu nhập lớn. Những diện tích cam, quýt bị chặt bỏ gia đình ông đã chuyển sang trồng nhãn lồng và ổi Đài Loan.

Cạnh đồi quýt nhà ông Ninh là vườn quýt của hộ chị Lộc Thị Minh Hoa cũng trong tình trạng như vậy, tuy nhiên diện tích bị nhiễm sâu bệnh ít hơn, nhưng cũng do chưa tìm ra thuốc đặc trị nên hộ này cũng phải chặt bỏ hàng trăm cây cam, quýt.

Qua quan sát tại vườn quýt tại hai hộ gia đình trên cho thấy, nhiều cây mới trồng cũng bị nhiễm sâu bệnh, gốc bị thối, lá vàng gân xanh, quả vàng và rụng đầy gốc. Tình trạng này tương tự tại vườn quýt của các hộ ông Lưu Đình Lý, Bế Văn Tường, Lộc Văn Nghinh, Lưu Đình Thăng…

Được biết, khu Phiêng Lẹng thuộc hai thôn Nà Thoi, Boóc Khún có thể coi là “vựa quýt” của xã Quang Thuận thì nay có khoảng 20ha phải chặt bỏ do nhiễm sâu bệnh nặng, cây bị chết.

Việc phun thuốc diệt trừ các loại bệnh vàng lá gân xanh, nấm thối rễ, thối gốc hiện nay dường như không mấy hiệu quả, diện tích bị nhiễm bệnh ngày một nhiều. Vấn đề này đang trở nên khó khăn đối với chính quyền địa phương và người dân, bởi cây trồng đang là chủ lực, mang lại thu nhập lớn cho hàng trăm hộ nông dân hiện đang dần bị thu hẹp.

Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Hiện nay, tại xã Quang Thuận có khoảng hơn 200ha cam, quýt được trồng mới, còn lại được trồng từ hàng chục năm nay. Do vậy, nhiều diện tích cây cam, quýt đến nay đã già cỗi nên thường bị sâu bệnh phá họai, đặc biệt là các loại vi sinh vật gây bệnh. Mặt khác, do người dân thường xuyên sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ khiến cho đất bị thoái hóa, cằn cỗi nên cây kém phát triển, sức đề kháng yếu dễ nhiễm sâu bệnh.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh tìm các loại thuốc giúp nhân dân phun trừ. Đồng thời hướng dẫn người dân cải tạo đất bằng cách trồng xen cây lạc dại, cỏ stylo, cây cốt khí nhằm cải tạo, chống xói mòn đất.

Ghép cải tạo đối với vườn cam, quýt trồng từ hạt đã già cỗi. Đối với những diện tích đất bị cằn cỗi thoái hóa không thể tiếp tục trồng được cam, quýt thì chuyển đổi sang trồng nhãn chín muộn, ổi Đài Loan, hồng không hạt…

Tuy nhiên, trước mong muốn của người dân là tìm biện pháp diệt trừ sâu bệnh hiệu quả để tiếp tục duy trì và mở rộng vùng trồng quýt, giữ vững thương hiệu của địa phương, nâng cao thu nhập.

Hiện nay xã Quang Thuận đã và đang phối hợp với Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ sinh học Việt Mỹ (Hà Nội) tổ chức tập huấn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam, quýt, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón sinh học thay thế các loại phân hóa học giúp cây phục hồi nhanh, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, hạn chế bệnh nám quả, nứt quả.

Việc sử dụng phân bón sinh học đã được thực hiện tại khoảng 70 hộ gia đình trên địa bàn xã và cho hiệu quả tốt. Đơn cử như hộ ông Đinh Quang Tuyên, thôn Boóc Khún đã sử dụng phân bón sinh học VM1954 được 2 vụ, hiện cây cam, quýt phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh.

Tới đây xã Quang Thuận sẽ phối hợp để tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm khuyến cáo và nhân rộng việc sử dụng phân bón sinh học thay thế phân hóa học để cải tạo đất hướng tới sản xuất quýt sạch.

Đồng chí Hà Minh Khoa- Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Hiện nay địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo người trồng quýt ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, những chế phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để chăm bón cho cây, giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng quả.

Đối với vườn cam, quýt bị nhiễm bệnh glynil vàng lá gân xanh mà bị chết sẽ vận động người dân chuyển sang luân canh một vụ cây keo tai tượng sau vài năm trở lại trồng cam quýt. Với diện tích lâu năm bị già cỗi, đất đóng chặt, cây không thể phục hồi thì tiến hành trồng cây chuối tây giúp hút ẩm, có giun cải tạo đất sau 3 năm có thể trồng lại cam, quýt.

Đấy là giải pháp mang tính lâu dài, còn trước mắt nhiều diện tích cam, quýt đang bị nhiễm sâu bệnh rất cần có loại thuốc đặc trị để diệt trừ hiệu quả, giúp nông dân giữ vững năng suất, sản lượng, ổn định diện tích.

Làm thế nào để khắc phục triệt để tình trạng sâu bệnh trên cây cam, quýt đang là vấn đề được đặt ra đối với chính quyền xã và các cơ quan chức năng của tỉnh để bảo vệ vùng cây ăn quả đặc sản của địa phương. Nếu không sẽ có thêm nhiều diện tích cam, quýt bị chặt bỏ đồng nghĩa với diện tích ngày càng bị thu hẹp


Có thể bạn quan tâm

Cách phòng, trị dừa bị nứt trái Cách phòng, trị dừa bị nứt trái

Bệnh viện cây ăn quả ĐBSCL (Sofri) cho biết: khi thấy trái dừa nứt trên cây hay thấy trái rụng, lấy dao bằm vỏ thấy khu vực đầu trái có nhiều vết thâm đen là do nấm đã tấn công vào mầu dừa (đài trái nằm giữa cuống và trái).

21/04/2015
Giá ổi Đài Loan giảm nhiều Giá ổi Đài Loan giảm nhiều

Hiện nay, do thị trường khu vực TP.HCM và Hà Nội tiêu thụ chậm, đồng thời các vườn ổi Đài Loan trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, nên thương lái trên địa bàn huyện thu mua ổi với giá 1.200 đồng/kg.

21/04/2015
Bát Xát (Lào Cai) trồng mới 200 ha cây chuối mô Bát Xát (Lào Cai) trồng mới 200 ha cây chuối mô

Năm 2015, huyện Bát Xát (Lào Cai) sẽ trồng mới 200 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích trồng chuối mô trên địa bàn huyện lên hơn 700 ha.

21/04/2015
Một loài sâu mới xuất hiện và gây hại trên trái dừa Một loài sâu mới xuất hiện và gây hại trên trái dừa

Vừa qua, ông Bùi Thế Sương, ở ấp Bình Đông 1, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, đã phát hiện một loài sâu hại mới gây hại trên trái dừa, làm hư trái hàng loạt.

21/04/2015
Cây bưởi Diễn trên đất Phúc Khánh (Phú Thọ) Cây bưởi Diễn trên đất Phúc Khánh (Phú Thọ)

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao.

21/04/2015