Giải Pháp Nào Cho Người Trồng Mía?
Nông dân khấp khởi thu hoạch mía những mong bù đắp phần nào thiệt hại do mưa lũ gây ra. Vậy mà, người trồng mía trong tỉnh Quảng Ngãi lại thiếu phấn khởi vì mất “kép": Giá trượt, sản lượng giảm.
Hiện tại, Nhà máy đường Phổ Phong (Nhà máy) thu mua mía 10 chữ đường (CCS) ở mức 850.000 đồng/tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 50.000 đồng/tấn. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ bám của bùn, lá và rễ mà mía còn bị Nhà máy trừ tạp chất từ 1 - 5%/tấn.
“Trồng mía lỗ 500.000 đồng/sào”
Đó là khẳng định của nhiều nông dân ở các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành khi nói đến chuyện trồng mía. Minh chứng điều này, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) hạch toán: Một sào mía cho 2,5 - 3 tấn. Với giá 850.000 đồng/tấn thì nông dân thu 2,1 - 2,5 triệu đồng. Một nửa số tiền trên dùng để trả giống và phân bón; phần còn lại đủ trả công thu hoạch. Ông Chánh bảo rằng, đó là lúc mía đứng, đường đạt 10 CCS trở lên. Chứ mía ngã đổ, ngậm bùn kéo theo đường dưới 10 CCS như hiện giờ thì nông dân càng lỗ thê thảm. Lý do, sản lượng giảm 1/3, giá bán thấp hơn 20.000 đồng/tấn, trong khi công thu hoạch lại tăng vì phải bới bùn tìm mía. Thế nên, sau khi thu hoạch gần 20 tấn mía, trừ chi phí ông Chánh còn đúng... 300.000 đồng. “Đó là tiền công một năm tôi chăm bẵm 7 sào mía. Chưa kể tiền điện chạy nước tưới” ông Chánh than thở.
Chưa hết buồn vì giá trượt, nông dân lại vấp phải chuyện Nhà máy trừ tạp chất quá cao mặc dù mía đã được họ loại bỏ rễ, bùn và lá khô. “Năm ngoái Nhà máy chỉ trừ 2%/tấn, nhưng năm nay lên tới 5%/tấn, khiến chúng tôi càng khó khăn hơn”, ông Vương Thanh Long ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà bức xúc.
Hẳn vì điều này mà hiện giờ, nhiều vùng mía ở các địa phương trên đã bị nông dân phá gốc, đốt lá để tiến hành gieo sạ hoặc trồng bắp, tỉa đậu phụng.
Vì đâu nên nỗi
Chia sẻ nỗi buồn giá giảm với người trồng mía, Quyền Giám đốc Nhà máy Tạ Công Tường bảo rằng: “Sự thật là Nhà máy đang trợ giá cho nông dân với mức 137.500 đồng/tấn”. Vì giá đường giảm mạnh, từ 14.000 đồng/kg, nay chỉ còn 12.500 đồng/kg (bán sỉ) nên sau khi trừ 5% thuế thì theo quy định, Nhà máy trả cho nông dân 60% - tức 712.500 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này dễ khiến nông dân quay lưng với cây mía, chuyển sang các loại cây trồng cạn.
Mà nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng thì chuyện thiếu nguyên liệu trong năm 2014 là điều khó tránh khỏi. Lường trước điều này, Nhà máy chấp nhận “bù” 137.500 đồng/tấn để nâng giá từ 712.500 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn nhằm giữ chân nông dân, cũng là giữ...Nhà máy!.
Đối với chuyện trừ tạp chất, ông Tường khẳng định: “Không phải xe mía nào cũng bị trừ tạp chất trên 2%”. Tức là chỉ những số mía lẫn quá nhiều bẻo, lá, bùn, ngọn non hay đánh tráo mía hỏng. Đơn cử như ngày 16.12 vừa qua, Nhà máy đã phát hiện và trả 5 tấn mía khô, bị hỏng ruột của một hộ ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Qua điều tra, số mía này được đốn trước trận lũ ngày 15.11 để bán cho đại lý.
Nhưng vì kẹt lũ, không tiêu thụ được nên một tháng sau, nó được chủ hộ lén “gửi” vào xe của Nhà máy khi cân bán. Tuy nhiên, người trồng mía bảo rằng: Ai đảm bảo việc đánh giá độ lẫn tạp cũng như chất lượng mía thực sự chính xác và công bằng. Bởi mía sạch hay chưa, cắt ngọn đúng quy cách hay không đều do Nhà máy quyết định chứ không phải ai khác?.
Nhà máy và nông dân: Cần tiếng nói chung
Trong khi người trồng mía ở các huyện đồng bằng rầu rĩ vì mía thì nông dân Ba Tơ lại phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. Lý do, giá mía giảm 50.000 đồng/tấn nhưng bù lại, sản lượng tăng 0,8 – 1,5 tấn/sào nên tính ra, nông dân vẫn có lãi. Nói như anh Phạm Văn Xâng-người đang canh tác 1,5 ha mía ở xứ đồng làng Măng, xã Ba Dinh thì: “Mía này ăn tới 5 năm rồi mà vẫn thu được 100 tấn.
Bán xong, trừ chi phí mình còn 50 chục triệu”. Hóa ra, đồng mía này dùng giống ROC 27, sử dụng kỹ thuật làm đất tiểu bậc thang bằng máy đào 0,3 m3 nên thời gian lưu gốc được 5 năm, thay vì 3 năm như trước. Cách làm này không chỉ giúp nông dân thoát cảnh hì hụi cuốc đất, đào lổ cắm mía; vừa tiết kiệm chi phí sản xuất mà nó còn “giữ” phân, vôi bám bám vào đất, không bị rửa trôi.
Nhờ vậy, chất lượng đất được cải thiện, kéo theo năng suất và chữ đường mía liên tục tăng. Từ 40 - 50 tấn/ha lên 80 - 90 tấn/ha với 9 chữ đường. Chẳng thế mà giữa lúc diện tích mía các huyện đồng bằng suy giảm thì Ba Tơ không ngừng gia tăng. Từ 800 ha năm 2011 lên 1.007 ha năm 2013, với năng suất 76,5 tấn/ha, dẫn đầu tỉnh.
Điều này cho thấy, cây mía vẫn có thể mang lại niềm vui cho nông dân nếu áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp. Muốn làm được điều này, phải có sự vào cuộc của Nhà máy nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn giống chất lượng, thâm canh chăm sóc cho nông dân. Và đã đến lúc các nhà (nhà máy, nhà nước, nhà khoa học và nhà nông) ngồi lại để tìm được tiếng nói chung trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ để “ổn định vùng nguyên liệu, an dân trồng mía”.
Có thể bạn quan tâm
Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.
Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.
Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.
Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.