Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kiên Giang Khuyến Cáo Ngư Dân Không Tự Phát Khai Thác Banh Lông Một Cách Ồ Ạt

Kiên Giang Khuyến Cáo Ngư Dân Không Tự Phát Khai Thác Banh Lông Một Cách Ồ Ạt
Ngày đăng: 12/06/2014

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang vừa tiến hành kiểm tra 14 cơ sở thu mua banh lông trên địa bàn hai huyện Giồng Riềng và Phú Quốc, trong đó Phú Quốc có 13 cơ sở. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng khuyến cáo ngư dân không nên tự phát chuyển đổi ngành nghề sang khai thác banh lông.

Vì đây là loài chưa xác định, chưa có trong danh mục cho phép, hiệu quả kinh tế chưa ổn định, tác động môi trường chưa được đánh giá đầy đủ.

Hiệu quả kinh tế không ổn định

Theo báo cáo của Thanh tra Sở NN&PTNT, từ cuối năm 2013 ngư dân tỉnh Cà Mau và huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã bắt đầu manh nha hoạt động khai thác banh lông bán cho thương lái Trung Quốc (thu gom thông qua các vựa thủy sản do người Việt làm chủ).

Lúc này, giá mua banh lông có thời điểm vọt lên 700.000 đ/kg. Mức giá này ngay lập tức tạo cơn sốt khiến hàng loạt ngư dân đầu tư dàn cào, chuyển đổi từ đánh cá sang khai thác banh lông.

Kết quả trưng cầu giám định từ Viện Hải dương học Nha Trang cho biết con banh lông là tên gọi của ngư dân Kiên Giang và Cà Mau do hình thù bên ngoài của nó giống như trái banh lông, da nhám, có độ nhớt. Bước đầu đã xác định banh lông là một loài thuộc bộ tua miệng phân nhánh (Dendrochirotida), lớp hải sâm (Holothuroidea), ngành động vật da gai (Echinodermata).

Banh lông sinh sống vùi sâu dưới đáy biển dạng bùn hoặc bùn pha cát từ 20-30cm. Do đó để khai thác banh lông ngư dân phải đầu tư dàn cào trị giá hàng chục triệu đồng. Mỗi dàn cào là một lồng sắt dài 3-5m (tuỳ công suất tàu), miệng cào khoan cắm hàng loạt gai sắt dài trung bình 20cm. Khi thả xuống biển các gai sắt này sẽ xới tung đáy biển để lùa banh lông vào lồng.

Thanh tra Sở NN&PTNT kết luận hoạt động cào bắt banh lông không khai thác thêm bất kỳ loài nào khác, hơn nữa còn gây hại cho môi trường biển vì làm xáo trộn tầng bùn đáy biển, ảnh hưởng tới môi trường sinh sống của nhiều loài thuỷ sản khác.

Do chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, nên tại nhiều địa phương đều xảy ra một kịch bản là giá banh lông ban đầu rất cao, sau đó giảm dần cho tới khi thương lái bỏ đi “nhảy cóc” sang vùng khác. Chủ một vựa thu mua banh lông tại cảng An Thới (Phú Quốc) cho biết mình đã lường trước chuyện thương lái Trung Quốc mua một lúc rồi ngưng, nên không trữ hàng, mà mua ngày nào bán hết trong ngày đó hưởng chênh lệch.

Tiếp xúc trực tiếp với hai thương lái thu gom banh lông tại thị trấn An Thới, thì cả hai người này chỉ biết gom để bán lại, còn bán đi đâu, ai là người mua cuối cùng và mua để làm gì cũng không rõ. “Tôi chỉ nghe họ mua để ăn, làm thuốc, mà chủ yếu là xuất đi Trung Quốc” – chủ vựa thuỷ sản P.C tại An Thới cho hay.

Cần khảo sát, đánh giá đầy đủ để định hình nghề mới

Trước những diễn biến khá bất thường, gây nhiều xáo trộn do hoạt động khai thác banh lông trong hơn hai tháng vừa qua, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp với các viện, trường để tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ về loài thuỷ sản này.

Trước hết cần xác định cụ thể banh lông thuộc loài nào, có giá trị kinh tế thực sự hay chỉ là sốt “ảo” do thương lái Trung Quốc tạo ra. Sau đó đánh giá tác động môi trường của hoạt động khai thác banh lông. Tiếp theo nữa là kiến nghị bổ sung loài vào danh mục thuỷ sản cho phép hoặc cấm khai thác.

Đến thời điểm này, ước tính sơ bộ cho thấy toàn tỉnh có khoảng 600 tàu đánh cá truyền thống chuyển sang cào banh lông. Vùng biển có nhiều banh lông trải rộng từ Hòn Đất, Kiên Lương tới Phú Quốc, chủ yếu là các lòng chảo bùn ngoài khơi xa, mực nước sâu.

Ghi nhận mấy ngày gần đây cho thấy giá banh lông bắt đầu giảm mạnh. Hiện đã rớt giá chỉ còn dao động quanh mức 100.000 đ/kg. Một ngư dân tại An Thới cho hay với giá này thì đánh bắt banh lông chỉ từ huề tới lỗ vốn, do đó nhiều ngư dân đã tính chuyện quay lại nghề đánh cá như trước.

Còn theo Thanh tra Sở NN&PTNT thì tất cả tàu cào banh lông đều chưa được kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cũng như cấp giấy phép khai thác thuỷ sản. Do đó, nguy cơ xảy ra mất an toàn cho tàu cá và tai nạn lao động trên tàu là rất cao.

Trước mắt, Sở NN&PTNT đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành có liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động ngư dân không tự phát chuyển sang cào banh lông ồ ạt. Mặt khác, do tất cả các tàu cào banh lông đều chưa được cấp phép nên có thể đề xuất biện pháp xử phạt vi phạm hành chính từ 500 ngàn tới 10 triệu đồng tùy theo công suất tàu.


Có thể bạn quan tâm

Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao

Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.

14/01/2015
Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê

Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.

14/01/2015
Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.

14/01/2015
Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng) Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

14/01/2015
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

14/01/2015