Giải Mã Tình Trạng Lép Hạt Trên Lúa ST20
Trong suốt thời gian sinh trưởng, những ruộng lúa ST20 ở hai huyện Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) luôn xanh tốt, ít sâu bệnh hại khiến nông dân thêm tự tin vào một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, đến giai đoạn vào chắc, tại một số diện tích xuống giống sớm, nông dân mới phát hiện ra ruộng mình bị thất thu do tình trạng lép hạt.
Làm sớm, lép nặng
Cả cánh đồng trên 100ha quanh trạm bơm ấp 15, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị gần như thu hoạch xong. Nhưng nông dân chẳng thể nở nổi nụ cười như ở vụ đông xuân năm ngoái. Vì năm nay, lúa ST20 bị lép nhiều quá. Ông Nguyễn Văn Thống, ấp 15, xã Vĩnh Lợi, cho biết: “Vụ đông xuân 2012 - 2013, tôi làm lúa ST20 đạt năng suất 750kg/công. Nhưng năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài, sương mù dày đặc nên lúa bị lép nhiều, ước năng suất giảm 30 - 50%”.
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Lợi, trong vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân trong xã xuống giống gần 250 ha lúa ST20. Trong suốt thời gian sinh trưởng, cây lúa ST20 phát triển rất tốt, ít sâu bệnh hại, nhưng nhiều diện tích bị lép hạt. Kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ của địa phương có khoảng 113,29 ha bị thiệt hại từ 10 - 30%, 32 ha thiệt hại từ 30 - 50% và 104,22 ha thiệt hại từ 50% trở lên.
Nếu nhìn ruộng ST20 của ông Hai Thà ở xã Vĩnh Quới (Ngã Năm) từ xa rất dễ cho là lúa trúng, vì dàn lúa rất đẹp. Tuy nhiên, có bước xuống ruộng mới thấy xót xa trước tình trạng lúa bị lép hạt rất nhiều. Ông Hai Thà tiếc rẻ: “Lúc lúa mới trổ ai nhìn thấy cũng mê và đánh giá năng suất sẽ không dưới 1 tấn/công tầm lớn (1.300m2), nhưng cuối cùng lại bị lép nhiều quá”.
Ở vụ đông xuân này, diện tích lúa ST20 của huyện Ngã Năm lên đến 1.795ha và tất cả đều thực hiện theo hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Trong số diện tích trên, chỉ có những diện tích cấy trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 11 đến ngày 4 - 12 - 2013 là bị lép nặng.
Kết quả thu hoạch 67,58 ha ở ấp 4, thị trấn Ngã Năm cho thấy, năng suất bình quân chỉ đạt 3 tấn/ha và khoảng 7ha ở xã Vĩnh Quới cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, những cánh đồng lúa ST20 xuống giống muộn ở xã Vĩnh Biên dọc theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp giờ đang oằn bông, có số đang thu hoạch, lúa chất đầy ven đường.
Lép là do thời tiết?
Sau các chuyến khảo sát, đánh giá thực tế, các nhà khoa học trong tỉnh và cả nông dân đều có chung nhận định ban đầu về nguyên nhân làm cho lúa ST20 bị lép chủ yếu là do ảnh hưởng thời tiết lạnh kéo dài, sương mù dày đặc, ẩm độ không khí thấp, ít gió vào giai đoạn lúa trổ.
Vì những diện tích lúa ST20 trổ sau đó 10 ngày phần lớn không xuất hiện tình trạng lép. Ông Hai Thà chia sẻ: “Tôi làm ruộng ở đây hơn 30 năm rồi, chưa thấy năm nào thời tiết kỳ lạ như năm nay. Có thời điểm trời thì rất lạnh từ đêm về sáng, còn sương mù thì dày đặc đến 11 giờ trưa vẫn chưa tan hết.
Một số người nếm thử giọt sương trên lá lúa còn cảm nhận được vị hơi mằn mặn của muối nữa. Bởi vậy, hầu hết diện tích ST20 trổ ngay thời điểm này ít nhiều đều bị lép hạt, nhưng những diện tích trổ sau đó khoảng 10 ngày lại trúng rất đậm”.
Theo Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, giống lúa IR 50404 rất dễ trổ trong điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng tại hội thảo đánh giá giống vụ đông xuân 2013 - 2014 ở Trại giống huyện Kế Sách, những nông dân kỳ cựu trong huyện cho biết, ở vụ đông xuân này gặp lạnh nhiều, IR 50404 cũng trổ trễ cả tuần lễ so với mọi năm.
Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, phân tích: “Đối với cây lúa, khi nhiệt độ xuống đến 15 độ C là bắt đầu ngừng sinh trưởng. Trong khi đó, thời điểm những diện tích lúa ST20 ở Ngã Năm và Thạnh Trị trổ, nhiệt độ về đêm xuống đến 18oC và ẩm độ cũng thấp, nên xảy ra tình trạng lép hạt”.
Vẫn vững tin vào ST20
Không thể đoán trước được thời tiết, nhưng liệu có giải pháp nào để cây lúa có thể vượt qua thời tiết lạnh vào giai đoạn trổ hay không? Vấn đề này, Tiến sĩ Trần Tấn Phương chia sẻ: “Nếu như khi có thông báo tình hình không khí lạnh tăng cường, nông dân tranh thủ bơm nước ngay vào đồng ruộng để giữ ấm cho chân đất và bón bổ sung phân Kali liều lượng cao (80 - 100kg/ha) sẽ giúp cây lúa trổ thoát được dễ dàng, hạn chế tình trạng lép hạt”.
Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài, theo Tiến sĩ Phương, ngành nông nghiệp tiếp tục công tác lọc dòng trong phòng thí nghiệm có nhiệt độ thấp, để giúp cây lúa thích nghi dần với điều kiện môi trường. Tiến sĩ Phương cho biết: “Do điều kiện đặc thù của Nam bộ là nóng, ẩm nên các nghiên cứu chọn giống lúa trước đây thường nghiêng về hướng chọn dòng thích nghi với điều kiện này.
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, chúng tôi đang nghiên cứu chọn tạo những dòng mới có tính thích nghi cao hơn”.
Mặc dù đã xác định nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng lép hạt trên lúa ST20 là do thời tiết, nhưng các nhà khoa học trong tỉnh vẫn tiếp tục khảo sát, đánh giá một cách cụ thể các nguyên nhân khác có liên quan, nhằm đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.
Còn đối với nông dân, cho dù vụ lúa ST20 năm nay không được thành công như kỳ vọng, nhưng họ vẫn vững niềm tin vào giống lúa này, vào các nhà khoa học.
Ông Nguyễn Văn Thống, ấp 15, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tự tin: “Năm sau tổ hợp tác chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất lúa ST20 nếu có hợp đồng bao tiêu như hiện tại, vì không có giống nào mang lại hiệu quả cao và an tâm về đầu ra như giống ST20”.
Có thể bạn quan tâm
Dự án thành công sẽ góp phần tạo việc làm và ổn định đời sống cho trên 10.000 lao động địa phương.
Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Doanh nghiệp được trông đợi là người chắp mối giữa thị trường và sản xuất.
Xã Long Thới có diện tích trồng dừa lớn nhất huyện Chợ Lách (Bến Tre), với 257ha trồng dừa, chiếm khoảng 25%. Cây dừa gắn bó với nông dân ở đây khá lâu, hầu hết đều có độ tuổi vài chục năm.
Biết anh Nguyễn Hoàng Tùng xã Đình Dù (Văn Lâm - Hưng Yên) qua một cuộc hội thảo của ngành nông nghiệp. Chúng tôi bị lôi cuốn bởi niềm đam mê trồng rau thủy canh của anh.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) luôn chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng rau và chuyển giao công nghệ mới cho người dân. Nhờ vậy, nhiều người dân trong xã ngày càng có thu nhập cao, đời sống ổn định.