Giá Tôm Tăng, Doanh Nghiệp Kỳ Vọng

Giá tôm đang tăng do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường tăng. Việt Nam khắc phục được dịch bệnh gây hiện tượng tôm chết hàng loạt là những yếu tố khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm kỳ vọng nhiều hơn vào kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay nguồn cung sụt giảm từ hàng loạt thị trường xuất khẩu tôm do dịch bệnh, thiên tai và bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS), cùng nhu cầu tăng từ các nước nhập khẩu chính như Mỹ, Nhật, EU, sẽ hỗ trợ giá tôm tăng trong nửa cuối năm.
Trong khi đó Việt Nam có lợi thế là đã gần như khắc phục được dịch bệnh EMS trên tôm nên trong thời gian tới sản lượng tôm thu hoạch sẽ tăng lên.
Trong 6 tháng đầu năm, Minh Phú xuất khẩu hơn 14.400 tấn, trị giá 175,3 triệu đô la Mỹ, tương đương so với kết quả cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Công ty thủy sản Ngọc Trí, mục tiêu của công ty trong thời gian tới là giữ xuất khẩu tôm sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông và EU tương đương năm ngoái. Theo công ty, nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đang tăng dần trở lại từ tháng 5 sau khi giảm mạnh những tháng trước đó.
Tương tự Công ty Minh Phú, xuất khẩu tôm của công ty từ đầu năm đến hết tháng 6 đạt 13 triệu đô la Mỹ, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8 này, Mỹ sẽ có phán quyết cuối cùng mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu, ông Quang từ chối bình luận về khả năng kết quả sẽ nghiêng về hướng có lợi cho các doanh nghiệp hay không mà chỉ cho biết kết quả chắc chắn sẽ tác động đến kết quả xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo phán quyết sơ bộ mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam công bố vào tháng 5, sản phẩm của Công ty Minh Quí, một công ty con của Tập đoàn Minh Phú, bị áp mức thuế 5,08%.
Hội chứng EMS trong năm 2013 hoành hành ở nhiều nước nuôi tôm ở châu Á, khu vực sản xuất tôm lớn nhất thế giới hiện nay. Thái Lan, nước sản xuất 500.000 – 600.000 tấn tôm/năm chịu tổn thất nặng nề nhất. Mới đây, nước này đưa ra dự báo sản lượng tôm năm nay giảm tới 50% so với 550.000 tấn năm ngoái và để ngỏ khả năng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng 8,6%, đạt trên 1,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu sang các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Canada đều tăng.
Có thể bạn quan tâm

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, những năm gần đây, tình hình dịch hại trên cây mì có nhiều diễn biến phức tạp, một số đối tượng dịch hại nguy hiểm có nguy cơ lây lan trên diện rộng như: Bệnh chổi rồng, bệnh xì mủ thân (do vi khuẩn), rệp sáp bột hồng và một số loài rệp sáp khác.

Năm 2013, có 1.392 hộ và 516,76 ha tham gia bảo hiểm với tổng mức phí 22,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Có 1.575 vụ tôm thiệt hại trên tổng số 1.392 hợp đồng với diện tích 496,409, chiếm 96,1% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.

Sáng 28-2, tại TP.Bà Rịa, Tổng Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở các tỉnh phía Nam.

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), lượng trứng gia cầm tiêu thụ vẫn tốt dù giá trứng không điều chỉnh giảm như ngoài thị trường.